Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 6/2024)

Thứ năm - 30/05/2024 10:26
Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 6/2024) có những nội dung sau: Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV của Việt Nam; Một số chính sách và mục tiêu Tổng thống Nga Putin đề ra trong nhiệm kỳ mới; Một số nét về tình hình kinh tế thế giới; Tham vấn quan chức cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN - Trung Quốc) lần thứ 30; Một số sự kiện thế giới đáng chú ý.
Đoàn đại biểu Việt Nam tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Đoàn đại biểu Việt Nam tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
 
I. PHIÊN ĐỐI THOẠI VỀ BÁO CÁO QUỐC GIA THEO CƠ CHẾ RÀ SOÁT ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT CHU KỲ IV CỦA VIỆT NAM
Sau khi nộp Báo cáo quốc gia, Việt Nam chính thức tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 7/5/2024. Phiên đối thoại về Báo cáo UPR của Việt Nam thu hút sự quan tâm cao, với 133 nước đăng ký phát biểu và đưa ra 320 khuyến nghị cho Việt Nam.
Báo cáo quốc gia của Việt Nam đã nêu rõ, tính đến tháng 1/2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (86,7%), thực hiện một phần 30 khuyến nghị (12,4%) và hai khuyến nghị còn lại đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp. Báo cáo cũng phù hợp với phương châm của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, đó là bảo đảm sự tôn trọng, hiểu biết có đối thoại hợp tác, bảo đảm các quyền con người cho tất cả mọi người. Đồng thời, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Chiều ngày 10/5/2024, Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam. Báo cáo của Nhóm làm việc ghi nhận Báo cáo quốc gia của Việt Nam, nội dung phiên đối thoại ngày 7/5/2024 và ghi nhận 320 khuyến nghị do 133 nước đưa ra. Các khuyến nghị tại phiên đối thoại lần này đề cập đến nhiều lĩnh vực như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, hỗ trợ người dân tộc thiểu số, bảo đảm bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền giáo dục, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền con người và doanh nghiệp, quyền con người và biến đổi khí hậu, tham gia một số công ước quốc tế về quyền con người, hợp tác với các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền. Dự kiến, Việt Nam sẽ thông báo lập trường chính thức về các khuyến nghị, số lượng các khuyến nghị Việt Nam sẽ chấp thuận trước Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 9-10.
Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng đoàn Việt Nam tại phiên đối thoại, nhấn mạnh 04 thông điệp đối ngoại quan trọng của Việt Nam. Một là, khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết đối với với nỗ lực phát triển, thúc đẩy quyền con người. Hai là, trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, không có một mô hình đúng duy nhất. Mỗi quốc gia tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mình sẽ có thể lựa chọn con đường riêng; khẳng định tính đúng đắn và kiên định với con đường Việt Nam đã lựa chọn. Ba là, Việt Nam rất nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận của chu kỳ trước và đạt nhiều kết quả tích cực. Bốn là, Việt Nam đã bảo vệ được sức khỏe, cuộc sống của người dân, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, vượt qua những khó khăn, thách thức trong đại dịch Covid-19 là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng hành, đồng lòng của người dân.
II. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH VÀ MỤC TIÊU TỔNG THỐNG NGA PUTIN ĐỀ RA TRONG NHIỆM KỲ MỚI
Ngày 7/5/2024, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 của Tổng thống V. Putin đã diễn ra tại Đại cung điện Kremlin. Ông V.Putin chính thức trở thành Tổng thống Nga trong một nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm, với tuyên bố nước Nga sẽ trỗi dậy “mạnh mẽ hơn” sau giai đoạn biến động.
Trong cuộc bầu cử tháng 3/2024, ông V.Putin đã đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 với trên 87% số phiếu ủng hộ. Trước đó, ông đã 4 lần đắc cử Tổng thống Nga vào các năm: 2000 (với 52,94% số phiếu), 2004 (với 71,31%), 2012 (với 63,6%) và năm 2018 (với 76,69%). Trong gần 1/4 thế kỷ, Tổng thống V.Putin đã khẳng định được năng lực bảo vệ đất nước và tinh thần phục vụ nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của ông, nước Nga đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa quân đội. Kết quả của cuộc bỏ phiếu là sự tái khẳng định sự tín nhiệm cao của người dân vào khả năng lãnh đạo đất nước của ông.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ nhậm chức, Tổng thống V.Putin đã nêu bật những ưu tiên của chính quyền Nga trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh “Sự toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích và an toàn của nhân dân sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu”.
Về chính sách trong nước, hệ thống nhà nước Nga duy trì sự ổn định nhưng phải tạo điều kiện cho đổi mới và phát triển. Các quyết định liên quan đến sự phát triển của đất nước và khu vực cần phải hiệu quả, công bằng, đồng thời góp phần cải thiện phúc lợi và chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình. Tổng thống V.Putin khẳng định người dân Nga sẽ tự quyết định vận mệnh của đất nước, bày tỏ tin tưởng nước Nga sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và trở nên ngày càng mạnh mẽ.
Về phát triển kinh tế và công nghệ, ông V.Putin đề ra mục tiêu đưa Nga trở thành quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua tương đương (PPP) đứng vị trí thứ 4 toàn cầu chậm nhất vào năm 2030, đưa Nga vào top 10 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển vào năm 2030.
Về chính sách đối ngoại, Nga sẽ tăng cường quan hệ với tất cả các quốc gia coi nước này là đối tác đáng tin cậy. Trong bối cảnh phương Tây tiếp tục có những hành động nhằm kiềm chế sự phát triển của Nga, Tổng thống V.Putin khẳng định Nga không từ chối đối thoại với họ, sẵn sàng trao đổi về các vấn đề, bao gồm an ninh và ổn định chiến lược, trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau. “Cùng với các đối tác trong hội nhập Á - Âu và các trung tâm phát triển có chủ quyền khác, nước Nga sẽ tiếp tục nỗ lực hình thành một trật tự thế giới đa cực và một hệ thống an ninh bình đẳng, không thể chia cắt”.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống V.Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu quốc gia phát triển đất nước đến năm 2030, triển vọng 2036. Các mục tiêu chính trong sắc lệnh này bao gồm: hỗ trợ gia đình, tạo môi trường sống an toàn và tiện nghi, phát triển tiềm năng con người, môi trường sinh thái tốt đẹp, vị trí đi đầu về công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước và đô thị, kinh tế - xã hội. Một số chỉ tiêu cụ thể trong việc thực hiện các mục tiêu đó gồm: tăng hệ số sinh lên 1,6 vào năm 2030 và 1,8 vào năm 2036, tăng tuổi thọ trung bình lên 78 vào năm 2030 và 81 vào năm 2036; giảm tỷ lệ nghèo xuống dưới 7% vào năm 2030 và dưới 5% vào năm 2036, trong đó tỷ lệ nghèo của gia đình đông con sẽ phải hạ xuống 12% vào năm 2030 và 8% vào năm 2036; bảo đảm tăng lương lao động tối thiểu gấp hai lần vào năm 2030 từ mức năm 2023, hay ít nhất lên 35.000 ruble/tháng (gần 400USD). Đến năm 2030 sẽ có 500.000 sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của Nga. Đến năm 2030 ít nhất 70% các dự án trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo dân gian có tài trợ của nhà nước phải thúc đẩy và phát triển, bảo vệ các giá trị đạo đức-tinh thần truyền thống. Con số này sẽ tăng lên 80% vào năm 2036. Tới năm 2030, mỗi công dân Nga sẽ được có ít nhất 33 m2 diện tích ở, năm 2036 là 38 m2, ít nhất 80% các cơ quan kinh tế then chốt sẽ sử dụng phần mềm cơ bản và ứng dụng của Nga trong các hệ thống hỗ trợ các quy trình quản lý và sản xuất cơ bản.
Theo một sắc lệnh do Điện Kremlin công bố ngày 11/5/2024, Tổng thống Nga V.Putin đã phê chuẩn cơ cấu chính phủ mới của nước này, theo đó Chính phủ Nga sẽ có 10 Phó Thủ tướng. Trước đó, ngày 10/5, Tổng thống V.Putin đã ký sắc lệnh tái bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng. Theo đó, người đứng đầu Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tình trạng khẩn cấp và Bộ Ngoại giao Nga sẽ do chính Tổng thống V.Putin bổ nhiệm, sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện).
III. MỘT SỐ NÉT VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ THẾ GIỚI
Tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục có những dấu hiệu phục hồi song tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro và biến động lớn. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng toàn cầu năm 2024 dự báo tiếp tục ở mức thấp.
Theo đó, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và đa số các nước G7 được dự báo tăng trưởng chậm hơn so với năm 2023. Những rủi ro, bất trắc đối với kinh tế và thương mại toàn câu tiếp tục gia tăng do các nhân tố địa chính trị, lãi suất và nợ công cao ở một số nền kinh tế lơn, năng suất lao động thấp và hệ lụy của Covid-19. Đáng chú ý, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Gita Gopinath, trong phát biểu tại Đại học Stanford ngày 7/5/2024 cho biết, nền kinh tế thế giới đã chia thành 3 khối là các nước liên kết với Mỹ, Trung Quốc và các nước bị cô lập.
Tỷ trọng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 8% trong 6 năm qua do tranh chấp thương mại và tỷ trọng hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ đã giảm 4%. Trong khi đó, thương mại trực tiếp giữa Nga và các nước phương Tây đã giảm mạnh kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp dụng. Bà Gita Gopinath đã chỉ ra những rủi ro của sự chia tách về tài chính và thương mại như: giảm dòng vốn xuyên biên giới, khó khăn trong việc tích tụ vốn, sư suy yếu trong việc chia sẻ rủi ro quốc tế cũng như bất ổn tài chính vĩ mô gia tăng. Ngoài ra, hệ thống thanh toán toàn cầu và dự trữ ngoại hối dự báo có thể trở nên phân mảnh hơn.
Ngày 1/5/2024, Cục Dự trữ Liên bang (Ngân hàng Trung ương Mỹ - Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại và cho biết những dấu hiệu đáng thất vọng về tình hình lạm phát gần đây có thể làm trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất của cơ quan này. Lãi suất chính sách của Mỹ đã được giữ ở mức 5,25-5,5% kể từ tháng 7/2023. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá vàng thế giới bùng nổ, nhất là sau khi số liệu của Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh. Theo báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023. Trong tuần kết thúc vào ngày 4/5, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ tăng 20.000 người so với tuần trước đó, một mức tăng vượt kỳ vọng, lên mức 231.000 người. Điều này làm gia tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, việc một loạt các đồng tiền mất giá, nhất là khi đồng Yên giảm quá mức 160 yên đổi 1USD, mức thấp nhất trong 34 năm. Các chuyên gia kinh tế của Bloomberg lo ngại về nguy cơ của một cuộc phá giá đồng tiền nhằm giành lợi thế cạnh tranh, khởi đầu cho một cuộc chiến tranh tiền tệ. Ở thời điểm hiện tại, các ngân hàng Trung ương ở châu Á vẫn đang tích cực bảo vệ tỷ giá đồng tiền mỗi nước trước áp lực từ đồng USD. Tuy nhiên, đồng yên là đồng tiền đang giảm mạnh nhất trong khu vực, do đó xói mòn năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các nền kinh tế láng giềng với Nhật Bản. Theo các nhà quan sát thị trường, dù không có ảnh hưởng mạnh mẽ như trước kia, một sự mất giá thiếu trật tự của đồng yên hiện nay vẫn có thể dẫn tới áp lực mất giá không thể tránh khỏi đối với các đồng tiền khác trong khu vực. Nhà quản lý danh mục Arjun Vij của công ty quản lý tài sản JPMorgan Asset Management nhận định, “trực tiếp nhất, một đồng yên suy yếu đi nhiều sẽ kéo các đồng tiền châu Á khác như Won Hàn Quốc và Đôla Đài Loan giảm theo”.
IV. THAM VẤN QUAN CHỨC CẤP CAO HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (ASEAN - TRUNG QUỐC) LẦN THỨ 30
Ngày 10/5/2024, tại cuộc tham vấn quan chức cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Trung Quốc lần thứ 30, diễn ra tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta (Indonesia). Đồng chủ trì cuộc tham vấn là Tổng Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Myanmar - Tiến sỹ Khin Thidar Aye và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông.
Sự kiện có sự tham gia của các quan chức cấp cao các nước thuộc ASEAN. Timor Leste tham dự với tư cách quan sát viên. Tại cuộc tham vấn, hai bên đã tái khẳng định cam kết trong việc tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP). Hai bên đã trao đổi quan điểm về những diễn biến trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như những tiến triển liên tục của hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong năm qua. Cuộc họp đã thảo luận các nội dung: Các giải pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong khuôn khổ CSP, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, kết nối, hệ sinh thái kỹ thuật số, nền kinh tế xanh, năng lượng sạch, nông nghiệp và an ninh lương thực, văn hóa và du lịch. Các bên cũng trao đổi quan điểm về những diễn biến khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên ghi nhận sự cần thiết phải tăng cường hợp tác để giải quyết các thách thức khu vực như khủng bố, buôn người, buôn bán ma túy bất hợp pháp và tội phạm mạng.
Phía Trung Quốc tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời ủng hộ ASEAN đóng vai trò lớn hơn nữa trong các vấn đề khu vực. Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này tiếp tục đặt ưu tiên cao cho mối quan hệ với ASEAN như một phần của chính sách ngoại giao láng giềng.
ASEAN mong muốn tăng cường hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực then chốt của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), phù hợp với Tuyên bố chung về hợp tác cùng có lợi trong AOIP được thông qua năm 2023. Đồng thời ghi nhận các đề xuất của Trung Quốc về các kết quả đạt được trong năm nay, bao gồm cả các lĩnh vực an ninh phi truyền thống và giao lưu nhân dân; mong muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0, cũng như triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cùng các hiệp định khác.
V. MỘT SỐ SỰ KIỆN THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
- Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Tại cuộc họp khẩn cấp đặc biệt bàn về tình hình Gaza và tư cách thành viên của Palestine, Đại hội đồng đã thảo luận và bỏ phiếu thông qua nghị quyết nói trên với tỷ lệ áp đảo 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng. Nghị quyết tuyên bố Nhà nước Palestine đủ tư cách trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, đồng thời khuyến nghị Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ tiến trình này. 9 quốc gia phản đối công nhận Palestine tham gia Liên hợp quốc là Mỹ, Israel, Argentina, Cộng hòa Séc, Micronesia, Nauru, Palau, Hungary và Papua New Guinea. Nỗ lực để Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc diễn ra khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tiếp tục bước sang tháng thứ 7.
- Israel bắt đầu chiến dịch quân sự ở Rafah. Sáng ngày 7/5/2024, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố họ đang tiến hành “chiến dịch chống khủng bố chính xác ở khu vực phía đông Rafah” trong nỗ lực loại bỏ Hamas. Rafah hiện là nơi hơn 1 triệu người dân Palestine đang tránh trú tạm thời kể từ khi xảy ra xung đột giữa Hamas và Israel. Phản ứng trước động thái này của Israel, Tổng thống Biden trong một cuộc phỏng vấn với CNN ngày 10/5/2024 rằng, ông sẽ tạm dừng một số chuyến hàng vũ khí đến Israel nếu nước này xâm chiếm thành phố Rafah ở Dải Gaza, đánh dấu nỗ lực trực tiếp nhất của Mỹ nhằm kiềm chế đồng minh của mình. Tuyên bố của Tổng thống Biden đã đặt mối quan hệ của ông với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên mức căng thẳng nhất từ ​​trước đến nay và gây ra những làn sóng chấn động ngay lập tức trong nền chính trị Mỹ, Israel cũng như trên toàn thế giới. Trước đó, Tổng thống Biden và các quan chức hàng đầu của Mỹ liên tục cảnh báo Thủ tướng Israel về một cuộc tấn công vào Rafah. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phản bác cảnh báo từ Mỹ tạm dừng cung cấp một số loại vũ khí cho Israel nếu tấn công Rafah, khẳng định nước này sẵn sàng hành động độc lập trong trường hợp cần thiết. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 08/5 xác nhận nước này đã dừng một đợt vận chuyển đạn dược cho Israel, thể hiện lập trường phản đối của Washington đối với chiến dịch quân sự của Israel ở thành phố Rafah.
- Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đã bổ sung 37 công ty Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại do nguy cơ gây ra mối đe dọa đáng kể cho an ninh quốc gia của Mỹ. Các công ty được bổ sung vào danh sách bị hạn chế trong việc mua các sản phẩm và công nghệ của Mỹ mà không được phép của chính phủ. Danh sách hạn chế thương mại đã được Bộ Thương mại Mỹ tích cực sử dụng để ngăn chặn dòng chảy công nghệ từ nền kinh tế số một thế giới sang Trung Quốc do Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng các công nghệ này để tăng cường năng lực quân sự.
- Về việc Campuchia triển khai dự án kênh đào Funan Techo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh “Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia” và “luôn ủng hộ, vui mừng, đánh giá cao về những thành tựu Campuchia đã đạt được trong thời gian qua. Đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước”. Đồng thời, Việt Nam mong muốn “Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mekong, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau”.
Ban Tuyên giáo Trung ương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây