I. THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM - AUSTRALIA
Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Australia từ ngày 7-9/3/2024.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Australia. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, ghi dấu mốc mới trong quan hệ hai nước sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị và Đối tác Chiến lược hai nước. Đặc biệt, Việt Nam và Australia nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Chính phủ hai nước cam kết tiếp tục phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực và thúc đẩy mối quan hệ được nâng cấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng hệ thống chính trị của mỗi nước. Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước đề ra các phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn, đó là:
Thứ nhất, làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh và tư pháp giữa hai nước. Theo đó, Việt Nam và Australia nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao; duy trì các cơ chế hợp tác song phương; nâng cấp hợp tác gìn giữ hòa bình lên Đối tác Gìn giữ hòa bình và nâng cấp Đối thoại an ninh cấp thứ trưởng hiện nay lên cấp bộ trưởng. Hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác thực thi pháp luật, hợp tác tình báo thông qua hợp tác chặt chẽ hơn giữa lực lượng cảnh sát, cơ quan hàng hải và biên giới của hai nước; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực, như: công nghiệp quốc phòng, an ninh hàng hải, chia sẻ thông tin và tình báo.
Thứ hai, thúc đẩy gắn kết kinh tế. Việt Nam và Australia cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn; công nhận nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và hướng tới đa dạng hóa thương mại để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế. Hai bên tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia, bổ trợ bằng việc triển khai Chiến lược kinh tế Đông Nam Á tới năm 2040 của Australia.
Thứ ba, xây dựng tri thức và kết nối nhân dân. Việt Nam và Australia công nhận vai trò then chốt của giao lưu nhân dân; tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo thông qua đối thoại, cơ chế hợp tác, liên kết thể chế; tái khẳng định cam kết thúc đẩy và bảo vệ quyền con người phù hợp với luật pháp quốc tế và duy trì đối thoại chân thành, thẳng thắn và xây dựng. Hai bên thừa nhận tầm quan trọng của hợp tác văn hóa trong việc làm sâu sắc hơn giao lưu nhân dân giữa 2 nước và sẽ tìm kiếm những cơ hội để tăng cường trao đổi và hợp tác văn hóa thông qua các loại hình nghệ thuật và các viện bảo tồn văn hóa.
Thứ tư, tăng cường hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng. Việt Nam và Australia tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng khả năng chống chịu của môi trường, nông nghiệp thích ứng với khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, khoa học biển cho phát triển bền vững, giảm ô nhiễm nhựa, an ninh lương thực và nguồn nước, đặc biệt là ở khu vực Mekong, bao gồm thông qua cơ chế Đối tác Mekong - Australia. Hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên; tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo mới nổi, bền vững, đa dạng thông qua tích hợp giải pháp công nghệ giúp cả hai nước đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Thứ năm, hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việt Nam và Australia sẽ tăng cường hợp tác xây dựng năng lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới sự phát triển bền vững và bao trùm của hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam. Hợp tác sâu sắc trong lĩnh vực chuyển đổi số và hội nhập kỹ thuật số; hai bên tái khẳng định cam kết chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam và Australia nhằm tăng cường chuyển đổi chính phủ số và đạt được các mục tiêu của chính phủ số.
Thứ sáu, củng cố hợp tác khu vực và quốc tế. Việt Nam và Australia nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; ủng hộ thượng tôn pháp luật quốc tế ở khu vực và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác lâu dài để hỗ trợ sự hội nhập và phát triển bền vững của tiểu vùng.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết và trao 11 văn kiện hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo; năng lượng và khoáng sản; nông, lâm, ngư nghiệp; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; lao động, việc làm; thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng; quốc phòng và gìn giữ hòa bình; tư pháp.
II. THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM - NEW ZEALAND
Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính thăm chính thức New Zealand từ ngày 9-11/3/2024.
Tại hội đàm, hai Thủ tướng tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị và Đối tác Chiến lược sâu sắc, bền chặt giữa Việt Nam và New Zealand, được củng cố bằng giao lưu nhân dân mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục, lao động, khoa học và công nghệ.
Thủ tướng Christopher Luxon đánh giá quan hệ hai nước đã được tiếp thêm xung lực mới kể từ khi được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược vào năm 2020; khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của New Zealand ở khu vực Đông Nam Á, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Hai bên đã thảo luận các cơ hội để gia tăng nhanh chóng kim ngạch thương mại hai chiều, hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD vào năm 2026 thông qua tăng cường hợp tác du lịch và giáo dục cũng như dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại tự do hiện có, đồng thời nghiên cứu các biện pháp để tạo thuận lợi cho đầu tư hai chiều.
Thủ tướng Christopher Luxon công bố khoản viện trợ mới trị giá 6,24 triệu đô la New Zealand cho lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đối với "Dự án phát triển giống cây ăn quả chất lượng cao (VietFruit)" giai đoạn 3, một hợp tác của Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand với Việt Nam nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp cây chanh leo của Việt Nam.
Hai Thủ tướng hoan nghênh Kế hoạch hợp tác chiến lược về giáo dục Việt Nam - New Zealand giai đoạn 2023-2026, tạo điều kiện cho việc hợp tác liên kết giữa các cơ sở đào tạo cấp đại học giữa hai nước, hỗ trợ Việt Nam cải tiến các mô hình giáo dục thông qua các phương tiện kỹ thuật số, cũng như thiết lập mạng lưới cựu sinh viên. Hoan nghênh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác; đánh giá cao việc hai bên ký các thỏa thuận hợp tác về kinh tế - thương mại và tài chính và tiến hành các cơ chế đối thoại an ninh và quốc phòng nhân dịp này. Nhất trí tiến hành Đối thoại Biển song phương lần đầu tiên trong năm 2024 về luật pháp quốc tế, quản trị và bảo tồn biển. Nhắc lại quyết tâm của hai nước về tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; cam kết hợp tác với nhau và với các đối tác quốc tế khác để đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới, trong đó có Biển Đông.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ hài lòng việc triển khai Chương trình Hành động Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021-2024 đạt được nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, quốc phòng, an ninh, giáo dục, lao động…; đề nghị tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tích cực triển khai các cơ chế hợp tác song phương hiện có, tạo cơ sở cho việc nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới trong thời gian tới.
Kết thúc hội đàm, hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng.
III. HỘI NGHỊ CẤP CAO ĐẶC BIỆT KỶ NIỆM 50 NĂM QUAN HỆ ASEAN - AUSTRALIA
Từ ngày 5-6/3/2024, Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia tổ chức tại Thành phố Melbourne, Australia. Với chủ đề “Đối tác cho tương lai”, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Australia diễn ra năng động trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự hội nghị.
Hội nghị thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn của Lãnh đạo ASEAN- Australia - Đối tác vì hòa bình và thịnh vượng” và “Tuyên bố Melbourne - Đối tác vì tương lai”, đề ra tầm nhìn về tương lai cũng như định hướng phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực thời gian tới. Lãnh đạo các nước ASEAN và Australia bày tỏ hài lòng với sự phát triển quan hệ và thành quả hợp tác, nhất là từ khi hai bên thiết lập Đối tác chiến lược năm 2014 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2021. Trao đổi về những định hướng phát triển quan hệ thời gian tới, hai bên nhất trí cần nỗ lực tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thông qua triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) mới được nâng cấp và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thương mại điện tử, kết nối…
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chính trị - an ninh, quốc phòng, hợp tác biển, an ninh mạng, nhất là trong khuôn khổ các cơ chế, diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như EAS, ARF và ADMM+, đóng góp định hình cấu trúc khu vực dựa trên pháp luật với ASEAN đóng vai trò trung tâm, triển khai hợp tác trên cơ sở Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất ba đột phá và ba tăng cường cho quan hệ ASEAN - Australia thời gian tới, đó là: (i) đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại trong 10 năm tới; (ii) đột phá trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và hợp tác lao động, đề nghị ASEAN và Australia sớm lập cơ chế tham khảo để trao đổi các biện pháp cụ thể; (iii) đột phá trong hợp tác về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và những ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đề xuất nghiên cứu khả năng đàm phán Hiệp định kinh tế số ASEAN - Australia. Hai bên cần tăng cường tin cậy chính trị; tăng cường hợp tác tiểu vùng; tăng cường hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân.
Tại Phiên họp hẹp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 3 cùng giữa ASEAN và Australia để thúc đẩy tầm nhìn khu vực với 3 khía cạnh là: (i) Cùng xây dựng một khu vực đoàn kết và tự cường, có khả năng chống chịu trước những cú sốc, biến động từ cả bên trong và bên ngoài và tận dụng hiệu quả các xu thế mới để đẩy nhanh tăng trưởng toàn diện, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; (ii) cùng thúc đẩy một khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế và hành xử dựa trên luật lệ, trong đó các nước tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN và thúc đẩy xây dựng các quy tắc và chuẩn mực ứng xử mới, trong đó có COC thực sự thực chất, hiệu quả, góp phần đưa Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; và (iii) cùng xây dựng, định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, đề cao chủ nghĩa đa phương với ASEAN đóng vai trò trung tâm, là nhân tố nòng cốt giúp quy tụ và hài hòa lợi ích giữa các nước lớn.
IV. THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG NĂM 2024 CỦA TỔNG THỐNG NGA PUTIN
Ngày 29/2/2024, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã trình bày Thông điệp liên bang trước Quốc hội. Đây là bức thông điệp thứ 19 của Tổng thống Putin và là thông điệp đầu tiên sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022.
Thông điệp liên bang đã đề cập đến nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng, khẳng định nhu cầu độc lập, tự do phát triển của nước Nga và bày tỏ quan điểm của Nga đối với các chính sách của phương Tây.
Tổng thống Nga Putin đã chỉ trích các nước phương Tây đẩy Nga vào cuộc chạy đua vũ trang, đồng thời cho biết Nga sẽ tăng cường sức mạnh quân sự ở biên giới phía Tây trong bối cảnh Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ về vấn đề ổn định chiến lược, tuy nhiên khẳng định Nga không chấp nhận bị cưỡng ép để đàm phán. Tổng thống Nga Putin cảnh báo các nước phương Tây về những hậu quả nếu NATO đưa quân vào Ukraine. Ông khẳng định Nga có các vũ khí có thể tấn công vào lãnh thổ của các nước này.
Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga không gây chiến với người dân Ukraine. Ông cho rằng người dân Ukraine là “con tin” trong cuộc xung đột vì Ukraine đang bị sử dụng làm công cụ và bệ phóng cho cuộc xung đột chống Nga. Nga đã làm mọi thứ có thể để giải quyết vấn đề Donbass bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, một năm trước, Nga đã buộc phải can thiệp để bảo vệ những người dân sống trên vùng đất lịch sử của Nga. Tổng thống Putin chỉ ra rằng Nga đã dành nhiều năm để tìm kiếm cuộc đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây. Tuy nhiên, mọi nỗ lực nhằm đề xuất một hệ thống an ninh chung dựa trên sự bình đẳng đều vấp phải phản ứng.
Về kinh tế, Tổng thống Putin tuyên bố phương Tây đã tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga sâu rộng sau chiến dịch tại Ukraine, nhưng không thể làm tê liệt nền kinh tế Nga. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt đã tạo ra hiệu ứng ngược, dội lại bên trừng phạt và gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng. Tổng thống Nga nhấn mạnh nền kinh tế Nga có khả năng phục hồi tốt hơn so với dự đoán của phương Tây, cho dù phương Tây đã cố gắng hủy bỏ quan hệ kinh tế với các công ty Nga, ngắt kết nối hệ thống tài chính nhằm phá hủy nền kinh tế Nga, tước quyền tiếp cận thị trường xuất khẩu của Nga để làm giảm ngân sách.
Đáng chú ý, trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Putin thông báo, Nga sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược. Đồng thời, khẳng định rằng Nga không rút khỏi hiệp ước, mà là đình chỉ tham gia.
V. THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG NĂM 2024 CỦA TỔNG THỐNG MỸ JOE BIDEN
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đọc Thông điệp Liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ hiện tại của ông vào sáng ngày 8/3/2024. Bài phát biểu đề cập đến hiện trạng đất nước và các ưu tiên đối nội, đối ngoại trong thời gian tới của Mỹ.
Trong Thông điệp Liên bang năm 2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập đến nhiều thành tựu đối nội, những cam kết của ông nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay. Thông điệp Liên bang lần này được giới quan sát nhận định chính là cơ hội để ông Biden cải thiện vị thế, đưa ra chương trình nghị sự cho thời gian còn lại trong nhiệm kỳ và xóa bỏ những lo ngại về tuổi tác, khẳng định với cử tri rằng ông sẵn sàng lãnh đạo Mỹ thêm 4 năm.
Tổng thống Biden đã dành thời lượng khá lớn trong bài phát biểu của mình để nói về tình hình kinh tế, vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ. Ông cho rằng nền kinh tế Mỹ hiện đang là “nỗi ghen tị của thế giới”. Mỹ đã ghi nhận kỷ lục 15 triệu việc làm mới trong 3 năm, tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm, 16 triệu người dân Mỹ bắt đầu các doanh nghiệp nhỏ, hầu hết người dân có bảo hiểm y tế, và khoảng cách giàu nghèo thấp nhất trong 20 năm trong khi lạm phát đã giảm từ 9% xuống 3%, mức thấp nhất trên thế giới. Các chính sách của chính quyền Biden thu hút 650 tỷ USD từ khu vực tư nhân trong lĩnh vực năng lượng sạch và sản xuất tiên tiến. Tổng thống Biden nhấn mạnh mục đích của ông là cắt giảm thâm hụt liên bang 3 nghìn tỷ USD bằng cách đánh thuế các tập đoàn lớn và giới siêu giàu.
Đề cập tới vấn đề an ninh biên giới, Tổng thống Biden cho biết tháng 11/2023, đội ngũ của ông đã bắt đầu đàm phán với một nhóm các Thượng nghị sỹ lưỡng đảng và kết quả là một dự luật lưỡng đảng với các biện pháp cải cách an ninh biên giới cứng rắn nhất từ trước tới nay. Dự luật này sẽ thuê thêm 1.500 nhân viên an ninh biên giới, thêm 100 thẩm phán nhằm giải quyết hàng triệu trường hợp di cư xin vào Mỹ. Dự luật này sẽ cho phép Tổng thống có thẩm quyền khẩn cấp đóng cửa biên giới tạm thời khi số người di cư ở biên giới quá tải. Tổng thống Biden cho biết Kế hoạch giải cứu nước Mỹ của ông đã giúp giảm tỷ lệ tội phạm giết người và tỷ lệ tội phạm xuống một trong những mức thấp nhất trong vòng 50 năm. Tổng thống Biden cam kết sẽ làm hơn nữa để bảo vệ sự an toàn của người dân bằng cách đầu tư thêm cho lực lượng cảnh sát, giảm bạo lực gia đình và bạo lực súng đạn.
Về đối ngoại, Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang xử lý các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài, trong đó có Trung Đông. Tổng thống Biden cam kết sẽ đưa những con tin người Mỹ bị Hamas giam giữ về nước, đồng thời kêu gọi Hamas thả con tin, hạ vũ khí và giao nộp những kẻ có trách nhiệm trong vụ tấn công Israel hôm 07/10/2023. Theo Tổng thống Biden, đảm bảo ổn định ở Trung Đông cũng đồng nghĩa với việc kiềm chế mối đe dọa từ Iran, do đó, Mỹ đã xây dựng một liên minh hơn 10 quốc gia nhằm bảo vệ tự do hàng hải và các tuyến đường biển quốc tế ở Biển Đỏ. Đối với Trung Quốc, Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ đang chống lại các hoạt động kinh tế không công bằng của Trung Quốc và ủng hộ ổn định và hòa bình ở Eo biển Đài Loan. Mỹ muốn cạnh tranh nhưng không phải xung đột với Trung Quốc và Mỹ đang ở vị thế mạnh mẽ hơn để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ở thế kỷ XXI trước Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác. Tổng thống Biden kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm thông qua dự luật an ninh quốc gia lưỡng đảng bao gồm viện trợ cho Ukraine đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ nước này.
VI. TÌNH TRẠNG BẤT ỔN AN NINH, XÃ HỘI TẠI HAITI THỜI GIAN GẦN ĐÂY
Haiti, quốc gia được xem là nghèo nhất Mỹ Latinh, đã đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh, xã hội kéo dài suốt 2 thập kỷ qua với sự chia rẽ chính trị sâu sắc, khủng hoảng nhân đạo, tình trạng thiếu lương thực, nghèo đói triền miên. Bạo lực trên đường phố, nhất là bạo lực băng nhóm Haiti ngày càng gia tăng và phức tạp do tình trạng nghèo đói và bất ổn chính trị. Liên hợp quốc ước tính, các băng đảng đang kiểm soát khoảng 80% thủ đô Port-au-Prince. Sự hiện diện khắp nơi của các nhóm vũ trang không những đẩy người dân Haiti phải sống trong cảnh bạo lực, cướp bóc, đường sá bị phong tỏa mà còn gây cản trở nghiêm trọng tới các nỗ lực nhân đạo như cung cấp, viện trợ lương thực và vật dụng thiết yếu cho các cộng đồng dân cư đang gặp khó khăn.
Kể từ tháng 10/2023, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn việc triển khai lực lượng vũ trang đa quốc gia do Kenya lãnh đạo nhằm giúp kiểm soát bạo lực băng nhóm tại Haiti. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết, từ đầu năm 2024 bạo lực băng nhóm tại quốc gia vùng Caribe này vẫn đang gia tăng ở mức độ chưa từng có.
Đêm 02/3/2024, rạng sáng ngày 03/3/2024 (giờ địa phương), các băng nhóm tội phạm ở Haiti đã tấn công Nhà tù quốc gia và thả 3.597 tù nhân. Trong bối cảnh đó, chính phủ Haiti ngày 03/3/2024 đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm từ 18h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau. Chính phủ Haiti khẳng định mục đích của các biện pháp nêu trên là lập lại trật tự và cho phép lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp thích hợp để kiểm soát tình hình. Lệnh giới nghiêm không ảnh hưởng đến các thành viên của lực lượng công đang làm nhiệm vụ như lính cứu hỏa, tài xế xe cứu thương, nhân viên y tế và nhà báo.
Tính đến ngày 4/3/2024, các vụ xả súng của băng nhóm tội phạm vẫn tiếp diễn tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti, đặc biệt là xung quanh sân bay.
Trước tình trạng bạo lực leo thang, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 4/3/2024 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình an ninh đang xấu đi nhanh chóng tại Haiti. Tổng Thư ký Guterres tái khẳng định sự cần thiết phải khẩn trương hành động, nhất là việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho một sứ mệnh an ninh đa quốc gia do Liên hợp quốc bảo trợ tại nước này. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) diễn ra vào cuối tháng 2/2024, Tổng Thư ký Guterres đã hối thúc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Haiti, đồng thời kêu gọi Chính phủ Haiti sớm thực hiện cam kết tổ chức bầu cử trước ngày 31/8/2025. Ngày 7/3/2024, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết đại diện của Liên hợp quốc tại Haiti đang khuyến khích việc triển khai ngay lập tức một lực lượng cảnh sát quốc tế tới Haiti trong bối cảnh tình trạng bạo lực băng nhóm đã tăng cao đến mức chưa từng có.
Nhiều tổ chức và quốc gia khác cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình an ninh ở Haiti và kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực hợp tác tại Liên hợp quốc để khôi phục an ninh tại quốc gia này. Một số quốc gia đã đóng cửa tạm thời Đại sứ quán tại Haiti, hủy mọi cuộc làm việc và ra các khuyến nghị tương tự đối với công dân của mình.
VII. MỘT SỐ SỰ KIỆN THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
- Thụy Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 7/3/2024, sau khi Thủ tướng nước này Ulf Kristersson chuyển các tài liệu gia nhập cho Chính phủ Mỹ tại một buổi lễ ở Washington, D.C. Trong động thái phản ứng đầu tiên, Thủ tướng Kristersson đã ca ngợi một kỷ nguyên mới mang tính lịch sử trong chính sách an ninh của Thụy Điển. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ca ngợi việc Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh, khẳng định quốc gia Bắc Âu này giờ đây đã có được sự đảm bảo an ninh tối thượng.
- Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra tuyên bố Trung Quốc và Nga đã xây dựng hình mẫu mới cho quan hệ giữa các nước lớn, khác hoàn toàn cách tiếp cận lỗi thời thời Chiến tranh lạnh, tại cuộc họp báo ngày 7/3/2024 bên lề Kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân Đại - tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV. Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh trên cơ sở không liên minh, không đối đầu và không nhằm vào nước thứ ba, Trung Quốc và Nga nỗ lực duy trì mỗi quan hệ láng giềng tốt và tình hữu nghị lâu dài, cũng như nỗ lực tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khẳng định việc duy trì và phát triển quan hệ Trung Quốc - Nga là lựa chọn chiến lược của hai nước dựa trên những lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước và cũng là điều hai nước cần phải thực hiện để bắt kịp với xu hướng của thế giới. Bên cạnh đó, quan hệ Trung Quốc - Nga phù hợp với xu hướng thế giới ngày càng đa cực trong quan hệ quốc tế, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định chiến lược toàn cầu, thúc đẩy tương tác tích cực giữa các nước lớn và tăng cường hợp tác giữa các nước lớn mới nổi.
Tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp Lưỡng hội thường niên tại thủ đô Bắc Kinh, bao gồm Kỳ họp thứ hai Hội nghị Chính trị hiệp thương Nhân dân (CPPCC - Chính Hiệp) và Kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa XIV, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhấn mạnh đến sự phát triển và an ninh trong quản trị AI toàn cầu. Trung Quốc chú trọng đến việc đảm bảo sự phát triển của AI mang lại lợi ích cho nhân loại, đồng thời khẳng định con người cần phải kiểm soát AI và mọi quốc gia đều có thể tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển của công nghệ này một cách bình đẳng. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc một dự thảo nghị quyết liên quan đến tăng cường hợp tác quốc tế về xây dựng năng lực AI nhằm khuyến khích chia sẻ công nghệ và thu hẹp khoảng cách về AI giữa các nước.
Ban Tuyên giáo Trung ương