Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 1/2024)

Thứ bảy - 30/12/2023 16:05
Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 1/2024) có một số nội dung sau: Một số kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Kết quả chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh VGP
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh VGP

I. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CẤP NHÀ NƯỚC TỚI VIỆT NAM CỦA TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TRUNG QUỐC TẬP CẬN BÌNH
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12-13/12/2023.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra đúng vào dịp Kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008-2023); là sự nối tiếp các hoạt động giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước từ sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 đến 1/11/2022); khẳng định sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả Việt Nam và Trung Quốc đối với việc củng cố, phát triển quan hệ ổn định, vững chắc, bền vững, vì lợi ích chung của hai nước. 
Trong khuôn khổ các hoạt động của chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; dự tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước và tham dự chương trình Gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị, thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc cùng nhiều hoạt động khác. Hai bên đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Tại cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư hai nước, trong bầu không khí thân tình, hữu nghị, chân thành, thẳng thắn, hai bên đã đi sâu trao đổi về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, quan hệ hai Đảng, hai nước và những vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm; nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên cùng thực hiện tốt những nhận thức chung cấp cao, tôn trọng các lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với UNCLOS 1982.
Hai bên ra Tuyên bố chung về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Nội dung Tuyên bố chung nhấn mạnh: Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Phía Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hai bên xác định rõ các phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước là: Tăng cường trao đổi chiến lược, kiên trì đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
Từ ý nghĩa và kết quả của chuyến thăm, trong thời gian tới, công tác thông tin, tuyên truyền cần tập trung một số nội dung sau:
Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, các hoạt động chính và kết quả quan trọng trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước và hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; nhấn mạnh những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên.
Thứ ba, chủ động nắm bắt, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và về chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
II. HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH LẦN THỨ 28 CÁC BÊN THAM GIA CÔNG ƯỚC KHUNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12/2023, tại thành phố Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả" đã ra lời kêu gọi đẩy nhanh hành động vì khí hậu toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị.
Hội nghị COP28 năm 2023 có sự tham dự của hơn 90.000 đại biểu, trong đó có hơn 140 nguyên thủ, nhà lãnh đạo các quốc gia, diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động khủng khiếp của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách. Báo cáo Ngân sách Carbon toàn cầu do các nhà khoa học từ hơn 90 tổ chức thực hiện và được công bố ngày 5/12/2023 tại Hội nghị COP28 cho thấy các quốc gia sẽ thải ra tổng cộng 36,8 tỷ tấn CO2 từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2023, tăng 1,1% so với năm 2022. Nếu tính cả lượng khí thải từ việc sử dụng dất, lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ ở mức 40,9 tỷ tấn trong năm 2023.
Các cuộc thảo luận về tương lai của nhiên liệu hóa thạch là vấn đề trọng tâm tại Hội nghị. Đây là vấn đề mà các đại biểu từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nỗ lực tìm tiếng nói chung tại COP28. Khoảng 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, một số quốc gia khác phản đối đưa cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào thỏa thuận tại COP28. Qua nhiều vòng thảo luận, tại Hội nghị, các quốc gia đã thông qua các cam kết bao gồm tăng gấp 3 lần sản lượng năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng đến năm 2030 và cắt giảm mạnh lượng khí thải methane. Ngoài ra, sự ra mắt chính thức của Quỹ “Tổn thất và thiệt hại” nhằm giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với những tác động ngày càng tốn kém và thiệt hại của thảm họa khí hậu. Theo thống kê của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, tổng số tiền cam kết cho đến nay là gần 600 triệu USD. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, đến nay, 130 quốc gia đã ký kết cam kết về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, khoảng 50 công ty dầu khí chiếm 40% sản lượng toàn cầu đã ký một thỏa thuận không ràng buộc về không phát thải khí methane và chấm dứt tình trạng phát thải thường xuyên vào năm 2030. Các công ty này cũng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là những cam kết tự nguyện không giống như các quyết định được đưa ra với sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tại COP28. Tại COP28, các quốc gia tham dự đã công bố 27 dự án mới có quy mô từ 150.000USD đến 500 triệu USD. Một trong những dự án lớn nhất là dự án giữa các tập đoàn, trong đó có Bunge và Google, phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (Nature Conservancy) và bang Para của Brazil nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. COP28 đánh dấu lần đầu tiên vấn đề nông nghiệp được tập trung thảo luận tại một hội nghị thường niên về khí hậu toàn cầu, với ngày 10/12 được dành riêng cho chủ đề nông nghiệp và lương thực.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, những cam kết và kết quả đạt được từ Hội nghị chưa đủ mạnh. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các cam kết cắt giảm khí thải tại Hội nghị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết hiện tại. Phát biểu tại ngày làm việc thứ 4 của COP28, Tổng thư ký Guterres nhận định những cam kết về cắt giảm khí methane thải ra môi trường “là một bước đi đúng đắn”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cũng cho rằng những cam kết này vẫn còn dưới mức cần thiết rất xa để đối phó với tình hình diễn biến phức tạp hiện tại. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo những cam kết đưa ra tại COP28 đến thời điểm này sẽ chỉ giúp giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng cần cắt giảm vào năm 2030 để ngăn chặn trái đất ấm lên.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 (ngày 02/12/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bật phương châm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”, coi đây là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu; nhấn mạnh cần có nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, chủ động, tích cực, thiết thực và hiệu quả hơn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng đề cao trách nhiệm của mỗi quốc gia, chủ nghĩa đa phương, công bằng, công lý khí hậu; thông tin về những biện pháp Việt Nam đã triển khai kể từ Hội nghị COP26 đến nay với trách nhiệm đối với toàn cầu và toàn dân.
Dự và phát biểu tại Tọa đàm về “Đẩy nhanh chuyển đổi điện than” (2/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã đến lúc cần chuyển đổi sang một nguồn năng lượng sạch hơn so với điện than; khẳng định chuyển đổi năng lượng là yêu cầu khách quan, lợi ích chiến lược và ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, song trong quá trình đó cần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia và việc làm cho người dân, tránh gây ra các cú sốc cho người lao động; nhấn mạnh Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với lộ trình và bước đi phù hợp với bối cảnh quốc gia.
III. KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC NHẬT BẢN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VÕ VĂN THƯỞNG
Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 26-30/11/2023. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, là điểm nhấn nổi bật và quan trọng nhất trong chuỗi khoảng 500 sự kiện kỷ niệm trong năm 2023. 
Chuyến thăm có kết quả quan trọng và toàn diện, trong đó dấu ấn nổi bật là việc hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Tuyên bố chung khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới; nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản thống nhất tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương, tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng, nhất trí đẩy mạnh hợp tác về an toàn và an ninh trên biển thông qua việc tăng cường các hoạt động hợp tác, bao gồm huấn luyện chung, chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát biển hai nước. Hai bên cũng tái khẳng định cam kết đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong quá trình thực hiện các dự án ODA của Nhật Bản. Hai bên đã đạt nhất trí cao về định hướng lớn, quan trọng trong thời gian tới, ký kết 5 văn kiện hợp tác trong chuyển đổi năng lượng, y tế, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, vệ tinh vũ trụ, di sản văn hóa.
Đặc biệt, trong phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản (29/11/2023), Chủ tịch nước đã truyền tải thông điệp về một đất nước Việt Nam đổi mới mở cửa, yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển, về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điểm lại chặng đường 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định quan hệ hai nước là “Lương duyên trời định”. Chủ tịch nước chia sẻ tầm nhìn và định hướng lớn để triển khai hiệu quả Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, bày tỏ quyết tâm cùng Nhật Bản xây dựng quan hệ hai nước thực sự là: “Bạn bè chân thành, đối tác tin cậy, hợp tác chiến lược, tương lai bền vững”.
Chuyến thăm diễn ra với gần 40 hoạt động chính, thể hiện sự tin cậy, gắn bó cao giữa lãnh đạo, nhân dân hai nước. Chính giới và nhân dân Nhật Bản dành cho Chủ tịch nước cùng Phu nhân và đoàn đại biểu Việt Nam mức đón tiếp hết sức trọng thị, đặc biệt. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã chiêu đãi và trao đổi thân tình, trọng thị với Chủ tịch nước và Phu nhân. Chủ tịch nước đã có nhiều cuộc trao đổi tiếp xúc với lãnh đạo của Hoàng gia, Chính phủ, Quốc hội và đông đảo các tổ chức kinh tế-xã hội, hội hữu nghị, các chính trị gia có nhiều đóng góp cho quan hệ Nhật Bản - Việt Nam…; cùng lãnh đạo và bạn bè Nhật Bản dự Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao được tổ chức trọng thể tại Nhà khách Hoàng gia Minh Trị.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước có dấu ấn quan trọng, mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước với các ưu tiên cần tập trung triển khai cụ thể trong khuôn khổ quan hệ mới Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong đó, trước tiên là tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao hàng năm bằng nhiều hình thức linh hoạt trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Hai là, định ra phương hướng triển khai quan hệ trong các lĩnh vực. Tăng cường kết nối nguồn nhân lực, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, tạo sự hiểu biết, tin cậy, hợp tác hiệu quả, thực chất. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo cán bộ cấp chiến lược. Ba là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, Mê Công, APEC…
IV. DẤU ẤN VIỆT NAM TẠI HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN NĂM 2023
Trong năm 2023, trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã có 6 sáng kiến nổi bật tại cả 3 khóa họp thường kỳ lần thứ 52, 53, 54 của Hội đồng Nhân quyền, nhận được sự tham gia ủng hộ, đồng bảo trợ của đông đảo các nước, tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động, cạnh tranh nước lớn phức tạp, xung đột quân sự xảy ra tại nhiều khu vực, vấn đề thúc đẩy và bảo đảm quyền con người tiếp tục thu hút sự quan tâm, ưu tiên của các nước, tổ chức quốc tế, Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, nỗ lực cùng các nước thúc đẩy đối thoại, hợp tác, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, xây dựng đồng thuận trong thảo luận và thông qua các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền. Đáng chú ý là Phái đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực trong Nhóm 3 nước (Troika) hỗ trợ việc xem xét Báo cáo quốc gia của một số nước tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR).
Đặc biệt, tại Khóa họp thứ 52, Nghị quyết Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna do Việt Nam đề xuất, soạn thảo được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận với 121 nước đồng bảo trợ. Nghị quyết này là dấu ấn quan trọng, tạo cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm của Hội đồng Nhân quyền xuyên suốt trong năm 2023 ở các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, với điểm nhấn cuối năm là Sự kiện cấp cao kỷ niệm hai văn kiện quan trọng từ ngày 10-12/12/2023.
Tại Khóa họp 53 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã cùng Nhóm nòng cốt (gồm có Việt Nam, Philippines và Bangladesh) soạn thảo và thương lượng Nghị quyết hằng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối với quyền con người”. Đây là nghị quyết có tính thời sự cao, đã được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận với 80 nước đồng bảo trợ. Cùng với đó, Việt Nam cùng Nhóm nòng cốt đồng tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về biến đổi khí hậu và quyền con người với chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với việc hiện thực hóa đầy đủ quyền lương thực”.
Tại Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam triển khai 2 sáng kiến thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, bao gồm Phát biểu chung và Tọa đàm quốc tế về “Thúc đẩy Quyền con người được tiêm chủng,” được đồng tổ chức bởi hai Phái đoàn Việt Nam và Brazil cùng với Gavi - Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng, có sự tham dự và phát biểu của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bên cạnh các phát biểu riêng của quốc gia, phát biểu chung ASEAN và các nhóm đồng quan điểm, các tham vấn mang tính xây dựng, những hoạt động cụ thể nêu trên nằm trong chuỗi các sáng kiến và đóng góp thiết thực của Việt Nam với tư cách thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025, góp phần giới thiệu những thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy, bảo đảm quyền con người, đồng thời đóng góp tích cực vào công việc của Hội đồng Nhân quyền trong những vấn đề thuộc quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, cương vị thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền. Phái đoàn Việt Nam tại Geneva sẽ tiếp tục tích cực tham gia các Khóa họp định kỳ của Hội đồng Nhân quyền, chú trọng triển khai một số sáng kiến hợp tác thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, trong đó sẽ chủ trì xây dựng và thương lượng dự thảo Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người tại Khóa họp tháng 6/2024. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ nộp và bảo vệ Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (tham gia UPR chu kỳ IV). Phái đoàn cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò là thành viên Nhóm 3 nước hỗ trợ việc xem xét Báo cáo quốc gia của một số nước trong UPR chu kỳ IV.
V. MỘT SỐ SỰ KIỆN THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
- Bầu cử Tổng thống Nga năm 2024: Ngày 8/12/2023, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) thông báo cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau sẽ được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 15-17/3/2024. Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin đã đồng ý tham gia tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Putin, 71 tuổi, dự kiến kết thúc vào ngày 7/5/2024. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm sau, Tổng thống Putin sẽ giữ chức Tổng thống Nga đến năm 2030. Đây là lần thứ năm ông Putin tranh cử Tổng thống Liên bang Nga. Các nhà bình luận tại Nga mô tả cuộc bầu cử sắp tới là “lịch sử” và rất quan trọng đối với nước Nga trước những thách thức ngày nay. Nhiều dự đoán cho rằng khả năng tái đắc cử của Tổng thống Putin là rất cao nhờ vào đồng thuận chính trị lớn trong nước.
Các cuộc thăm dò dư luận, chính giới và nhân dân Nga ủng hộ quyết định này của Tổng thống Putin. Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko tuyên bố ủng hộ quyết định tái tranh cử của Tổng thống Putin và sẽ đồng hành cùng ông trong sự kiện chính trị quan trọng này. Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang, quan chức đảng Nước Nga Thống nhất Andrei Turchak bày tỏ tin tưởng vào sự ủng hộ lớn dành cho Tổng thống đương nhiệm Putin trong cuộc bầu cử tháng 3 năm sau. Giám đốc điều hành các dự án của “Quỹ Dư luận Xã hội” (FOM) Larisa Pautova công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy 70% số người tham gia khảo sát cho rằng Tổng thống cần tranh cử một nhiệm kỳ mới. 15% cho rằng nguyên thủ quốc gia hiện nay cần rời khỏi chức vụ tổng thống, song vẫn nắm quyền lãnh đạo đất nước ở một cương vị khác. Chỉ 8% tin rằng ông Putin nên rời bỏ chính trường và 7% vẫn chưa đưa ra quyết định. Trong khi đó, theo khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu dư luận toàn Nga, mức độ tin cậy của người Nga đối với Tổng thống Putin là 78,5% và mức độ tán thành các hoạt động của ông là 75,8%. Hơn 60% người tham gia khảo sát cho rằng, các hoạt động của Tổng thống Putin phù hợp với lợi ích của họ. Nghiên cứu được thực hiện từ ngày 27/11-3/12/2023, với sự tham gia của 1.600 người Nga trưởng thành.
- Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường của Đảng Nhân dân Campucia (CPP) diễn ra từ ngày 9-10/12/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch CPP Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch danh dự CPP Samdech Samrin. Đại hội đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là công tác kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp Trung ương. Đại hội đã tiến hành bầu bổ sung 496 nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương, mở rộng Ban Chấp hành Trung ương CPP lên 1.312 Ủy viên. Hội nghị cũng đã bỏ phiếu tín nhiệm bầu bổ sung 23 Ủy viên Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương và tín nhiệm bầu Samdech Thipadei Hun Manet, Thủ tướng Vương quốc Campuchia, làm Phó Chủ tịch CPP. Đại hội Đại biểu toàn quốc Bất thường của CPP đã thảo luận, thông qua dự thảo báo cáo về tình hình công tác của đảng này trong năm 2023 và phương hướng công tác năm 2024, đánh giá cao những thành quả của Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ 7 qua gần 4 tháng hoạt động dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Samdech Thipadei Hun Manet, thể hiện qua sự ổn định về chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, công tác đối ngoại năng động và tích cực hơn.
Ban Tuyên giáo Trung ương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây