I. DƯ LUẬN QUỐC TẾ ĐÁNH GIÁ CAO VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), nhiều học giả, chuyên gia uy tín quốc tế đã có những đánh giá, nhận định về vai trò lãnh đạo, uy tín quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Uruguay Juan Castillo nhận định: “Trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa đất nước với hơn 100 triệu dân phát triển bền vững trong những năm qua là vô cùng to lớn”. Đảng Cộng sản Uruguay khẳng định lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, gắn liền với chủ nghĩa anh hùng và phẩm giá, với độc lập và hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Uruguay bày tỏ tình đoàn kết, sẽ luôn kề vai sát cánh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam anh em trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ thành quả cách mạng ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất cầm quyền Venezuela (PSUV) Jesús Faría đánh giá, Đảng Cộng sản Việt Nam là một lực lượng chính trị có uy tín đặc biệt không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.
Tiến sỹ Ruvislei González Saez, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba (CIPI) nhấn mạnh, sau 94 năm thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay đã trở thành tổ chức chính trị lớn thứ hai trên thế giới theo định hướng Mác - Lênin, với số lượng đảng viên đông đảo chỉ sau Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam khéo léo giải quyết những khác biệt với cựu thù và thông qua đường lối ngoại giao cây tre khôn ngoan, Việt Nam đã duy trì được mối quan hệ tuyệt vời với các cường quốc trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tăng lên. Việt Nam là hình mẫu về lý luận và thực tiễn cách mạng. Những thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 94 năm qua chính là lời khẳng định đanh thép rằng đây là lực lượng chính trị hàng đầu, là hành động thiết thực tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam
Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ Nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á - Âu” của Nga Grigory Trofimchuk cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành nhân tố phát triển, bảo đảm ổn định, an ninh không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á và thế giới nói chung. Giờ đây, Việt Nam đã trở thành ngọn cờ tiên phong với những bản sắc đặc biệt và sự kiên trì độc đáo trong việc thực hiện các kế hoạch của mình. Trong đó, chính trị và ngoại giao là nền tảng để tiến lên phía trước và có ảnh hưởng quyết định đến nền kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tình hình chính trị ở Việt Nam tiếp tục ổn định, bất chấp tình trạng bất ổn ngày càng tăng trên toàn cầu. Việt Nam thực sự là trung tâm của các sự kiện khu vực, có vai trò quan trọng trong giải quyết các nhiệm vụ và vấn đề mà châu Á và cả thế giới đang phải đối mặt, bao gồm không chỉ các vấn đề chính trị mà cả các vấn đề về cơ sở hạ tầng và giao thông. Điều đó thể hiện Đảng Cộng sản Việt Nam là nền tảng của uy tín Việt Nam.
Học giả Gastón Fiorda, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á của Đài Phát thanh Quốc gia Argentina (RNA) khẳng định, suốt 94 năm hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam, đã thể hiện bản lĩnh và tài năng thích ứng linh hoạt trước mọi thách thức của thời đại. kể cả trong những thời khắc mà cả thế giới rơi vào hoàn cảnh bi thảm như đại dịch Covid-19, hay như sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản. Đề cập tới chính sách đối ngoại của Việt Nam, ông Fiorda đề cao giá trị đặc sắc của trường phái “ngoại giao cây tre”, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đã “uyển chuyển” và “tận dụng tối đa” quan hệ với các nước lớn và với thế giới, tạo nên sự cân bằng chiến lược trong các mối quan hệ đó, trên cơ sở luôn tôn trọng độc lập và quyền tự quyết dân tộc. “Ngày nay Việt Nam có vị thế vô cùng quan trọng trong ASEAN và có thể ngồi ngang tầm với bất kỳ quốc gia châu Âu hoặc châu Á nào, cùng thảo luận về mọi chủ đề. Dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã giành được vị thế quan trọng trên trường quốc tế”.
Bà Merle Ratner, nhà hoạt động phản chiến nổi tiếng tại Mỹ, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đã hiện thực hóa lý tưởng hành động vì Nhân dân, lấy dân làm gốc và đạt được hàng loạt thành tựu to lớn.
II. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CẤP NHÀ NƯỚC ĐẾN VIỆT NAM CỦA TỔNG THỐNG CỘNG HÒA PHILIPPINES FERDINAND ROMUALDEZ MARCOS JR.
Từ ngày 29-30/1/2024, Tổng thống Cộng hòa Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr. là một cột mốc trong quan hệ song phương Phillipines - Việt Nam, đóng góp vào việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng thống Marcos đến Việt Nam, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 48 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Philippines.
Trong 48 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Philippines phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác chính trị được tăng cường với nhiều chuyến thăm và các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao. Hợp tác kinh tế giữa hai nước có bước phát triển tích cực, với Philippines là đối tác thương mại lớn thứ sáu trong ASEAN và thứ 16 trên thế giới của Việt Nam. Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. dự Lễ đón Chính thức và có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tại các buổi tiếp xúc, Tổng thống Philippines bày tỏ ngưỡng mộ những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc của Việt Nam trong những năm qua; khẳng định Philippines luôn coi trọng và mong muốn đưa quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước phát triển lên tầm cao mới. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam chúc mừng đất nước Philippines, dưới sự điều hành của Tổng thống Marcos Jr., tiếp tục đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội to lớn, giúp Philippines duy trì tăng trưởng GDP thuộc nhóm những quốc gia phát triển nhanh nhất khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ và thực chất của mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, trên cơ sở nhiều điểm tương đồng về quan điểm và lợi ích giữa hai nước, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường và phát triển quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc và toàn diện trong bối cảnh hai bên đang tiến tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược trong năm 2025 và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026. Đồng thời, cam kết đẩy mạnh các cơ chế hợp tác song phương hiện có và triển khai hiệu quả các văn kiện được ký kết giữa hai nước nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; nhất trí hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy dòng chảy thương mại thông suốt nhằm đạt mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD trong thời gian sớm nhất. Hai bên ghi nhận đà hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines. Lãnh đạo hai nước nhất trí củng cố các cơ chế hợp tác biển hiện có, nhất là Ủy ban hỗn hợp về các vấn đề Biển và Đại dương cấp Thứ trưởng Ngoại giao, đường dây nóng giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước, bên cạnh các cơ chế khác, và thông qua các biện pháp khác nhằm bảo đảm an ninh và an toàn cho ngư dân của nhau cũng như giải quyết hòa bình các sự cố trên biển.
Hai bên tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, bao gồm thúc đẩy các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN; hoan nghênh sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Philippines trong ASEAN và nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp và tham vấn lẫn nhau để ứng phó hiệu quả và kịp thời trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Hai bên kêu gọi việc kiềm chế các hành động gây phức tạp hoặc làm leo thang các tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực, và tránh các hành động đơn phương có thể thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr. và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực, bao gồm Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo, Bản ghi nhớ về phòng ngừa và quản lý sự cố tại Biển Đông, Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan, Chương trình hợp tác về văn hóa giai đoạn 2024-2029 và Bản ghi nhớ về hợp tác biển.
III. HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ASEAN - EU LẦN THỨ 24
Ngày 2/2/2024, tại thủ đô Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng người đồng cấp các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 24 (AEMM-24).
Đây là lần đầu tiên hội nghị theo cơ chế 2 năm một lần này được nối lại sau đại dịch Covid-19 nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ ASEAN - EU và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Tại hội nghị, hai bên khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU được thiết lập trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. EU hiện là đối tác thương mại và nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ ba của ASEAN, còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba ngoài khu vực châu Âu của EU. Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đánh giá EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN và có đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; hoan nghênh EU coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN, thông qua các chiến lược và sáng kiến như Chiến lược hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu, Sáng kiến Nhóm châu Âu về kết nối bền vững và Chương trình Sáng kiến xanh. Các bộ trưởng ngoại giao EU khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đánh giá cao vai trò và vị thế của ASEAN, cùng với EU là hai tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới cũng như chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích. Các bộ trưởng EU nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay, việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EU là tất yếu; đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện, đối thoại và tham vấn thường xuyên; tiếp tục đàm phán các FTA với các nước thành viên còn lại của ASEAN sau FTA với Việt Nam và Singapore.
Về hợp tác trong thời gian tới, ASEAN và EU nhất trí nỗ lực triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - EU năm 2022 và Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2027. ASEAN - EU cần tăng cường hợp tác giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển, đề cao chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy văn hóa đối thoại và hợp tác, giải quyết hoà bình các tranh chấp, mâu thuẫn, nhất là tại các điểm nóng, như: Nga - Ukraine, Trung Đông, Bán đảo Triều Tiên... Đồng thời, tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại các vùng biển, trong đó có Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và khẳng định cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc năm 2002 về Ứng xử của các Bên tại Biển Đông (DOC); thúc đẩy việc sớm hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc về Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất một số phương hướng, biện pháp tăng cường hợp tác hai bên trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các quyết định của các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - EU năm 2022, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và hợp tác biển; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…; đồng thời kêu gọi các nước EU nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), triển khai hiệu quả hơn nữa các khuôn khổ hợp tác hiện có, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
IV. KẾT QUẢ HỘI NGHỊ HẸP BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khởi đầu cho Năm ASEAN 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường” đã khai mạc ngày 29/1/2024 tại Luang Prabang, Lào. Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Tại đây, các nước chúc mừng Lào đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN vào thời điểm quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, với việc ASEAN cơ bản hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 để chuyển tiếp sang Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Tại Hội nghị, các bộ trưởng cam kết ủng hộ và phối hợp triển khai các ưu tiên của ASEAN với hai thành tố trung tâm là “tự cường” và “kết nối” năm 2024. Về “tự cường”, ASEAN sẽ tập trung xây dựng các Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác môi trường, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ, trẻ em và nâng cao năng lực y tế khu vực. Về “kết nối”, ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết giữa các nền kinh tế, thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững, chuyển đổi hướng đến tương lai số và phát huy vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong tiến trình hội nhập khu vực.
Đề cao ý nghĩa chiến lược trong nâng cao khả năng tự cường của ASEAN trước những biến động ở khu vực và thế giới, các bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục củng cố đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN, giữ vững đà xây dựng Cộng đồng, tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới với việc định hình các chiến lược hợp tác đến 2045, đồng thời đưa quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần kiên trì với cách tiếp cận cân bằng và hài hòa của ASEAN trong quan hệ với bên ngoài, khuyến khích các đối tác tham gia trách nhiệm, đóng góp xây dựng và hợp tác thiết thực với ASEAN, cùng củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, và dựa trên luật pháp quốc tế, từ đó đề cao vai trò trung tâm của ASEAN.
Về tình hình Biển Đông, các bộ trưởng nhấn mạnh mong muốn xây dựng Biển Đông hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng, cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Về tình hình Myanmar, Hội nghị nhất trí tiếp tục hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng thông qua thúc đẩy triển khai Đồng thuận 5 điểm và các quyết định của Lãnh đạo Cấp cao ASEAN về kiểm điểm và thực hiện Đồng thuận 5 điểm, tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh chủ đề hợp tác năm 2024, đánh giá cao các ưu tiên do Lào đề xuất rất phù hợp bối cảnh hiện tại của khu vực; đồng thời khẳng định, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đề nghị, các trụ cột khẩn trương kiểm điểm các Kế hoạch Tổng thể 2025 nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt phục vụ quá trình triển khai các chiến lược hợp tác đến 2045. Với khung thời gian 20 năm, các chiến lược cần có cách tiếp cận bao trùm, toàn diện và sáng tạo, với các cơ chế theo dõi, đánh giá, cập nhật định kỳ để bảo đảm đáp ứng các ưu tiên, nhu cầu của ASEAN trong mọi hoàn cảnh. Ngoài ra, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có nhiều chia sẻ và đề xuất quan trọng về tiến trình xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại và các vấn đề, quốc tế khu vực cùng quan tâm. Trong số đó, đáng chú ý, sáng kiến của Việt Nam về đăng cai Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh, bền vững và lấy người dân làm trung tâm. Đây là sáng kiến của Việt Nam tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng, đa chiều giữa các quan chức, chuyên gia, học giả và các nhóm, giới khác về các ý tưởng và khuyến nghị chính sách mang tính đột phá, sáng tạo cho sự phát triển, liên kết và hợp tác của ASEAN.
V. MỘT SỐ SỰ KIỆN THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
- Theo ước tính của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch toàn cầu có thể sẽ phục hồi hoàn toàn từ cú sốc Covid-19 trong năm 2024, nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chậm hơn so với các điểm đến khác nếu tính theo số lượng khách du lịch. UN Tourism đánh giá vẫn còn dư địa đáng kể để du lịch châu Á phục hồi. Bên cạnh sự cải thiện ở thị trường châu Á, nhu cầu du lịch dồn nén cộng với kết nối hàng không thuận lợi hơn sẽ giúp du lịch toàn cầu phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay. Mặc dù triển vọng tích cực nhưng cơ quan này cũng lưu ý quá trình phục hồi bền vững của ngành du lịch sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể bắt nguồn từ rủi ro địa chính trị.
- Trung Quốc hy vọng sớm hoàn tất đàm phán với ASEAN về Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0: Phát biểu tại lễ khai mạc vòng đàm phán thứ 5 về ACFTA phiên bản 3.0, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với ASEAN để sớm hoàn tất các cuộc đàm phán về ACFTA phiên bản 3.0. Việc xây dựng khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN được khởi động từ năm 2000. Đến năm 2010, phiên bản 1.0 chính thức ra đời sau 10 năm xây dựng, với hơn 90% mặt hàng chịu thuế của hai bên được hưởng thuế quan bằng 0 trong thương mại hàng hóa. ACFTA chính thức nâng cấp lên phiên bản 2.0 từ năm 2019. Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn lưu ý rằng Trung Quốc cũng sẵn sàng mở rộng hợp tác thực chất với ASEAN trong các lĩnh vực mới nổi như mua bán, trao đổi hàng hóa trung gian, thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử xuyên biên giới.
- Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế kêu gọi bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự tại Gaza: Ngày 14/2/2024, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) cảnh báo kế hoạch của Israel tiến quân vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza có thể gây tác động nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi bảo vệ dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự tại đây. ICRC nhấn mạnh, theo luật nhân đạo quốc tế, các bên xung đột phải bảo đảm cung cấp những nhu cầu thiết yếu và các biện pháp bảo vệ cần thiết cho dân thường; cấm hành động "di tản cưỡng bức", hay sử dụng lá chắn người và các cuộc tấn công bừa bãi khiến dân thường thương vong. Việc sơ tán phải bảo đảm dân thường đến nơi an toàn và có các điều kiện thỏa đáng về vệ sinh, sức khỏe, an toàn và dinh dưỡng, các thành viên trong cùng một gia đình không bị chia cách.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo “thảm họa khôn lường” nếu Israel mở rộng các cuộc tấn công trên bộ ở Rafah và kêu gọi các hành lang nhân đạo bền vững để tiếp tục cung cấp viện trợ quan trọng, khi chưa đạt được lệnh ngừng bắn.
Trước diễn biến trên, lãnh đạo các nước: Canada, Australia và New Zealand đã kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza. Tuyên bố chung của Thủ tướng ba nước bày tỏ: “Chúng tôi thực sự quan ngại trước những dấu hiệu cho thấy Israel đang lên kế hoạch tấn công trên bộ vào Rafah”; “Một chiến dịch quân sự nhằm vào Rafah sẽ là thảm họa”, đồng thời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều nước khác cũng cảnh báo nguy cơ thảm họa từ cuộc tấn công vào thành phố Rafah và kiên quyết phản đối kế hoạch tấn công quân sự ở Rafah.
Những lời kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công lực lượng Hamas ở Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine ở miền Nam Gaza, sau khi cho phép dân thường rời khỏi khu vực này.
Ban Tuyên giáo Trung ương