I. MỘT SỐ THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA ĐỐI NGOẠI, NGOẠI GIAO VIỆT NAM NĂM 2023
- Năm 2023 và nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam.
Đối ngoại Việt Nam đã đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác, trong đó có việc nâng tầm và tạo những đột phá. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, trong đó có 6 đối tác chiến lược toàn diện, 12 đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 đối tác. Năm 2023, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược Toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản; nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hòa bình của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ nhân loại.
Với vị thế, uy tín quốc tế và những đóng góp nổi bật tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều cơ chế quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026… Việt Nam cũng chủ động đóng góp và mở rộng quy mô tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình tại các điểm nóng ở châu Phi.
- Đối ngoại, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và các cấp, các ngành, phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, nêu cao tinh thần hòa hiếu, đồng thời linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược để xử lý đúng đắn, hài hòa quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng, cũng như các tình huống phức tạp về biên giới trên bộ và trên biển, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Trên biên giới đất liền, Việt Nam đã phối hợp với các nước láng giềng quản lý đường biên, mốc giới hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội biên giới, tạo điều kiện khôi phục giao lưu, giao thương biên giới giai đoạn sau đại dịch. Trên biển, Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, tạo chuyển biến trong xây dựng Bộ quy tắc ứng xử với các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia.
- Đối ngoại và ngoại giao đã đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường và thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng là nội dung trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao. Bên cạnh việc tranh thủ các hiệp định thương mại tự do đã ký, đối ngoại Việt Nam đã chủ động, tích cực mở rộng, tìm kiếm các đối tác mới, tiềm năng. Năm 2023, xuất nhập khẩu đạt trên 680 tỷ USD, thu hút FDI đạt 36,6%, tăng 32,8%. Lần đầu tiên GDP của nước ta vượt 400 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
- Thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Các chủ trương, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, nổi bật là Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 30/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, “Về Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030”, Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 15/6/2023 về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hoạt động trực tiếp kết nối kiều bào với quê hương, Tổ quốc; tích cực vận động thu hút nguồn lực tri thức, kinh tế của kiều bào phục vụ phát triển đất nước. Công tác bảo hộ công dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Việc sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân Việt Nam, kiều bào tại Ukraine ra khỏi các khu vực chiến sự; tiếp nhận và đưa về 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia; có biện pháp bảo hộ phù hợp với công dân Việt Nam tại nhiều địa bàn. Phối hợp giải quyết kịp thời, đưa khoảng hơn 700 ngư dân của ta ở nước ngoài về nước.
II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH THẾ GIỚI NĂM 2024
Thế giới bước vào năm mới 2024 với nhiều vấn đề nổi cộm vẫn chưa tìm được giải pháp triệt để. Mặc dù lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế đã truyền đi một thông điệp năm mới tích cực song nhiều dự báo cho thấy tình hình không mấy khả quan.
Triển vọng chính trị an ninh thế giới trong năm 2024 tiếp diễn với cuộc xung đột Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas chưa được giải quyết, thậm chí có xu hướng gia tăng mức độ. Điều này dẫn tới các hệ luỵ về việc chia rẽ, phân tuyến trong quan hệ quốc tế khiến cho nỗ lực hợp tác, tìm kiếm giải pháp thống nhất chung hầu như không có tiến triển.
Tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới dù đang có dấu hiệu phục hồi song không mạnh mẽ và bền vững. Ngày 09/01/2024, Ngân hàng
Thế giới (
World Bank) cảnh báo, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 dự kiến tiếp tục chậm lại năm thứ 3 liên tiếp, kéo dài tình trạng nghèo đói và làm trầm trọng mức nợ ở nhiều nước đang phát triển. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất, World Bank dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 2,4% trong năm 2024. Tỷ lệ này là 2,6% trong năm 2023, 3% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2021. Dự báo
tăng trưởng toàn cầu năm 2025 sẽ cao hơn một chút ở mức 2,7%, nhưng con số này thấp hơn so với dự báo hồi tháng 6/2023 là 3,0%, do tình trạng trì trệ dự kiến ở các nền kinh tế tiên tiến. Mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực của World Bank vào năm 2030 hiện nay phần lớn nằm ngoài tầm với, khi hoạt động kinh tế bị cản trở bởi các xung đột địa
chính trị. World Bank cho biết một cách để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, là đẩy nhanh khoản đầu tư hằng năm trị giá 2.400 tỉ USD cần thiết để chuyển đổi sang năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để đạt được sự tăng tốc như vậy đòi hỏi phải có những cải cách toàn diện, bao gồm cải cách cơ cấu để mở rộng dòng chảy tài chính và thương mại xuyên biên giới cũng như cải thiện khuôn khổ chính sách tài chính và tiền tệ.
Đồng quan điểm về tình hình, khả năng phục hồi của kinh tế thế giới, trong báo cáo “Tình hình kinh tế thế giới và Triển vọng 2024” mới được công bố, Liên hợp quốc đã đưa ra dự báo ảm đạm về kinh tế toàn cầu năm nay, do những thách thức như xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng. Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng ước tính vượt dự báo 2,7% trong năm ngoái. Dự báo của Liên hợp quốc có phần bi quan so với dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 2,9% do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo tháng 10/2023. Nhìn vào dự báo tốc độ tăng trưởng năm nay theo khu vực, Mỹ được điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm lên 1,4% so với báo cáo trước đó. Nhật Bản ở mức 1,2% và Trung Quốc ở mức 4,7%. Hai nước này đều được điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) bị hạ 0,3 điểm phần trăm xuống còn 1,2%; Anh cũng giảm 0,7 điểm phần trăm xuống còn 0,4%. Dự báo tốc độ tăng trưởng cho các nước mới nổi cũng giảm 0,2 điểm phần trăm so với ước tính trước đó xuống còn 4,0%. LHQ dự báo các nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ giảm tốc tăng trưởng từ 4,9% năm 2023, xuống 4,6% trong năm 2024.
Báo cáo Các xu hướng về triển vọng việc làm và xã hội thế giới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hôm 10/01/2024 ước tính tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu giảm từ 5,3% trong năm 2022 xuống 5,1% vào năm 2023. Tuy nhiên, ILO dự đoán sẽ có thêm khoảng hai triệu cá nhân tìm việc làm trong 2024, đẩy tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu lên 5,2%. Báo cáo của ILO nhấn mạnh, mức sống của người dân trên toàn cầu có thể không cải thiện do lạm phát dai dẳng và thu nhập giảm ở hầu hết các nước G20. Theo ILO, tình trạng thất nghiệp ở thanh niên vẫn nghiêm trọng. Số lượng phụ nữ trẻ trong nhóm NEET (không có việc làm, không được giáo dục hoặc đào tạo) vẫn ở mức cao, gây trở ngại cho cơ hội việc làm trong tương lai của họ. Báo cáo của ILO chỉ ra rằng, những người tham gia lại thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 làm việc ít giờ hơn trước và số ngày nghỉ ốm của họ tăng đáng kể.
Một yếu tố quan trọng khác phải nhắc tới đó là những cuộc bầu cử tổng thống hay nghị viện ở quốc gia hay châu lục đều đang diễn ra sôi động trong nội bộ và dự báo những biến động mới trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế. Đáng chú ý nhất là bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ và Nga, bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ và bầu cử Nghị viện châu Âu, bầu cử tổng thống ở Indonesia và Nam Phi. Theo các chuyên gia quốc tế, kết quả từ các cuộc bầu cử có thể là bước khởi đầu cho sự chuyển biến cơ bản trong chính sách nội bộ của quốc gia, khu vực và không loại trừ khả năng kéo theo những thay đổi mạnh mẽ trong cục diện quan hệ quốc tế.
III. NHÓM CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI HÀNG ĐẦU (BRICS) KẾT NẠP THÀNH VIÊN MỚI
Từ ngày 1/1/2024, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ghi dấu mốc lịch sử khi kết nạp 05 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đây là lần mở rộng đầu tiên của BRICS kể từ năm 2010, cho thấy sức mạnh đoàn kết của BRICS và các nước đang phát triển, cũng như quyết tâm hợp tác vì tương lai tốt đẹp hơn.
Việc kết nạp thêm thành viên, BRICS sẽ chiếm khoảng 37% GDP của toàn cầu theo sức mua tương đương và 46% dân số thế giới. Điều quan trọng hơn là BRICS mở rộng quy tụ các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới, đưa nhóm này trở thành một trong những khối dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu. Đồng thời, BRICS bao gồm không chỉ những nước khai thác mà cả tiêu thụ tài nguyên năng lượng lớn nhất thế giới. Đây là điểm tích cực để BRICS có thể đưa ra những chiến lược khai thác và sử dụng năng lượng ổn định, bền vững, vì sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Trong năm đầu tiên mở rộng lên thành 10 thành viên, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của BRICS là Liên bang Nga. Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến vai trò chủ tịch luân phiên của Liên bang Nga trong năm đầu tiên đánh dấu bước ngoặt quan trọng của BRICS. Nga sẽ làm mọi cách có thể để giúp các thành viên mới hội nhập hài hòa với phương thức hoạt động của tổ chức này. Theo quyết định của Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg, nhiệm kỳ chủ tịch của Nga sẽ tập trung chú ý vào việc đưa các thành viên mới vào cấu trúc hợp tác đa phương; thực hiện Chiến lược đối tác kinh tế BRICS đến năm 2025 và Kế hoạch hành động vì hợp tác đổi mới giai đoạn 2021-2024. Bên cạnh đó là tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, tăng cường hợp tác về các vấn đề chống khủng bố, rửa tiền, an ninh thông tin và trí tuệ nhân tạo cũng là trọng tâm nhiệm kỳ. Tổng thống Nga V.Putin nêu rõ: “Các ưu tiên bao gồm thúc đẩy hợp tác về khoa học, công nghệ cao, y tế, bảo vệ môi trường, văn hóa, thể thao, giao lưu thanh niên và xã hội dân sự” và cho biết BRICS đang thu hút ngày càng nhiều nước ủng hộ và các quốc gia có cùng quan điểm chia sẻ các nguyên tắc cơ bản của tổ chức này. Những nguyên tắc đó bao gồm "bình đẳng chủ quyền, tôn trọng con đường phát triển đã chọn, hài hòa lợi ích chung, cởi mở, đồng thuận, khát vọng hình thành trật tự quốc tế đa cực và hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu công bằng, theo đuổi các giải pháp hợp tác chung để giải quyết những thách thức hàng đầu hiện nay".
Những ưu tiên khác bao gồm tăng cường vai trò của các nước BRICS trong hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu, phát triển hợp tác liên ngân hàng với trọng tâm là tăng cường thanh toán bằng tiền tệ của các nước thành viên. BRICS dự kiến sẽ hình thành kế hoạch xác định cách thức và tiêu chí để thực hiện việc kết nạp thêm các thành viên mới, tiếp tục thể chế hóa hợp tác của nhóm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, việc mở rộng BRICS mang tính lịch sử và là điểm khởi đầu mới cho hợp tác BRICS, thể hiện quyết tâm của các nước BRICS trong việc đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển khác, đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế và phục vụ những lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Sự mở rộng cũng sẽ tiếp thêm sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS và tăng cường hơn nữa các lực lượng vì hòa bình và phát triển thế giới.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, việc mở rộng BRICS thể hiện những mong muốn về tăng cường tiếng nói và quyền tự chủ của nhóm nước này trong các vấn đề toàn cầu, ủng hộ một trật tự quốc tế công bằng, đa dạng và đa cực hơn. Bên cạnh đó, với việc BRICS mở rộng, cán cân kinh tế toàn cầu đang dần dịch chuyển từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi, phản ánh xu thế hướng tới một thế giới đa cực, qua đó tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong trật tự thế giới mới. Sự mở rộng của BRICS nói riêng cũng như việc hàng loạt tổ chức khu vực và quốc tế, như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)... kết nạp thêm thành viên trong thời gian qua, đã tạo sức sống mới cho các cơ chế hợp tác đa phương giữa các nước đang phát triển. Xu thế mở rộng này được đánh giá sẽ tiếp tục trong thời gian tới bởi việc BRICS hay G20 kết nạp thành viên mới cho thấy hợp tác là con đường duy nhất để kết nối sức mạnh giữa các thành viên cho mục tiêu phát triển chung.
IV. TÌNH HÌNH NHÂN ĐẠO TẠI DẢI GAZA
Liên hợp quốc một lần nữa cảnh báo tình hình nhân đạo ngày càng trở nên khó khăn tại Dải Gaza khi các cuộc không kích vẫn tiếp diễn, gây thêm nhiều thương vong và hủy hoại không ít cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng tại khu vực này.
Căng thẳng gia tăng tại những khu vực này khiến thương vong tăng, an ninh ngày càng bất ổn cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh, các cơ quan cứu trợ nhân đạo cùng các đối tác ngày càng lo ngại về tác động của các biện pháp hạn chế, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc vùng lãnh thổ này. Liên hợp quốc lưu ý, Dải Gaza đang thiếu nghiêm trọng các nguồn lực y tế. Tính đến ngày 09/01/2024, số giường bệnh có sẵn tại đây chỉ đủ để đáp ứng 1/5 tổng nhu cầu là 5.000 giường cấp cứu. Hơn 3/4 trong số 77 cơ sở y tế tại Dải Gaza đã dừng hoạt động, khiến nhiều người dân không có cơ hội được chăm sóc y tế cơ bản khi cần. Gần 1,9 triệu người trong tổng số hơn 2,3 triệu dân ở Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát đầu tháng 10/2023.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hủy một chuyến chở hàng y tế cứu trợ được lên kế hoạch đến Dải Gaza vào ngày 10/01/2024 do lo ngại về các vấn đề an ninh. Đây là lần thứ 6 WHO phải hủy kế hoạch cứu trợ Gaza trong 2 tuần gần đây. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các vụ ném bom liên tục, các biện pháp hạn chế di chuyển, tình trạng thiếu nhiên liệu và gián đoạn liên lạc khiến WHO và các đối tác không thể tiếp cận những người cần giúp đỡ tại Gaza.
Trước tình hình căng thẳng tại khu vực Dải Gaza, các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm, thúc đẩy các giải pháp đối thoại, hòa bình. Liên minh Nghị viện các nước Hồi giáo OIC (PUIC) đã tổ chức cuộc họp bất thường lần thứ 5 để thảo luận về vấn đề Palestine. Tuyên bố chung sau cuộc họp nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt xung đột ở Gaza. Tại Hội nghị thượng đỉnh 3 bên diễn ra ở thành phố Aqaba (Jordan) ven Biển Đỏ ngày 10/01/2024, Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải gia tăng áp lực để chấm dứt chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza, cũng như bảo vệ dân thường. Liên quan đến nỗ lực đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, Phủ Tổng thống Ai Cập dẫn lời Tổng thống El-Sisi cùng ngày nhận định mục tiêu cung cấp thêm viện trợ cho người Palestine ở Dải Gaza đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có “lập trường quyết đoán” nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn. Ngoài ra, Tổng thống El-Sisi cũng nêu bật cam kết của Ai Cập về việc điều phối và cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Cuba Gerardo Peñalver Portal lên tiếng khẳng định lệnh ngừng bắn là ưu tiên hàng đầu để ngăn chặn việc dân thường thiệt mạng ở Dải Gaza. Đại diện thường trực của Cuba tại Liên hợp quốc nhắc lại nhu cầu cấp thiết về một giải pháp rộng rãi, công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột tại Dải Gaza. Đồng thời, tái khẳng định cam kết của Cuba sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực quốc tế chính đáng nhằm chấm dứt tình hình xung đột hiện nay ở Trung Đông. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tại Cairo trong chặng cuối của chuyến công du khu vực Trung Đông nhằm ngăn chặn cuộc chiến Israel - Hamas leo thang. Tại Ai Cập, ông Blinken thảo luận về các cuộc đàm phán đang diễn ra với Hamas do Ai Cập và Qatar làm trung gian. Ngoài ra, tờ New York Times (Mỹ) ngày 11/1/2024 đưa tin các cuộc đàm phán cấp cao giữa Qatar và Hamas đang hướng tới một thỏa thuận quan trọng có khả năng cung cấp thuốc men cho các con tin Israel bị giam giữ ở Dải Gaza.
V. MỘT SỐ SỰ KIỆN THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
- Hoạt động thương mại trên toàn thế giới từ tháng 11 đến tháng 12/2023 đã sụt giảm 1,3% trong bối cảnh lực lượng Houthi ở Yemen tấn công tàu thương mại đi qua Biển Đỏ khiến lượng hàng vận chuyển qua tuyến vận tải huyết mạch kết nối châu Âu và châu Á giảm mạnh. Trong những tháng gần đây, lực lượng Houthi tại Yemen đã tăng cường thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ. Lực lượng này tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng xung đột ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục tiêu tấn công. Tháng 12/2023, Mỹ đã thành lập liên minh hải quân mang tên "Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng", để bảo vệ an ninh cho tuyến đường vận tải biển quan trọng vốn chiếm khoảng 12% hoạt động thương mại hàng hải toàn cầu này. Ngày 10/01/2024, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu lực lượng Houthi ở Yemen chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ. Nghị quyết được thông qua với 11 phiếu thuận, không phiếu chống, 4 phiếu trắng của Nga, Trung Quốc, Mozambique và Algeria.
- Ngày 11/1/2024, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo cho thấy trong năm 2023, công suất năng lượng tái tạo trên thế giới đã tăng 50% so với năm trước đó. IEA ghi nhận sự tăng trưởng lớn nhất về năng lượng tái tạo tại Trung Quốc, khi công suất năng lượng mặt trời trong năm 2023 nước này vận hành tương đương với mức của toàn thế giới trong năm 2022. Công suất điện gió tại Trung Quốc cũng tăng 60% trong năm ngoái so với năm trước đó. Báo cáo của IEA cho biết sự gia tăng công suất năng lượng tái tạo tại châu Âu, Mỹ và Brazil cao kỷ lục và dự báo tại Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Brazil, việc phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên bờ đến hết năm 2028 sẽ hơn gấp đôi so với 5 năm qua. IEA kỳ vọng công suất năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2028 tại 130 quốc gia sẽ tăng 3.700 GW, với năng lượng mặt trời và năng lượng gió chiếm phần lớn.
Ban Tuyên giáo Trung ương