Thông tin trong nước (số tháng 1/2024)

Thứ bảy - 30/12/2023 15:54
Thông tin trong nước (số tháng 1/2024) có một số nội dung sau: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc; Một số kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thời gian qua; Một số kết quả thực hiện chính sách việc làm, thu nhập cho người dân; Phát triển bền vững chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030…
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.

I. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024
Ngày 9/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó xác định mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế; Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển các loại thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công - tư; có cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, bảo đảm kết nối với khu vực kinh tế trong nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng; Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chăm lo các đối tượng chính sách; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Các chỉ tiêu chủ yếu:
(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0-6,5%.
(2) GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 đôla Mỹ.
(3) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%.
(4) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0-4,5%.
(5) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%.
(6) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.
(7) Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%.
(8) Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
(9) Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.
(10) Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.
(11) Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.
(12) Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.
(13) Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.
(14) Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.
(15) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác, nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), bám sát định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng.
Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng.
Thứ tư, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Thứ sáu, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Thứ bảy, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Thứ tám, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị.
Thứ chín, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Thứ mười, tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Mười một, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; khai thác hiệu quả cơ hội từ các quan hệ đối tác, hiệp định thương mại tự do; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.
Mười hai, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước. Tuyên truyền về khát vọng phát triển quốc gia, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt. Thực hiện tốt tuyến tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống các hành vi sai trái, phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; thông tin phản hồi kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm; triệt phá, gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
II. HOÀN THIỆN CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC
Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước như sau:
Tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; phát huy vai trò của các giai tầng xã hội; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh về số lượng và chất lượng; có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, thích ứng với sản xuất công nghiệp hiện đại; có bản lĩnh chính trị vững vàng, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc.
Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, tự chủ, tự lực, tự cường và có ý chí, khát vọng vươn lên; có trình độ và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; có trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.
Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao; là nhân tố quan trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; có vai trò quan trọng trong liên minh với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng; có trí tuệ, năng lực quản lý, năng động, sáng tạo, có đạo đức và văn hoá kinh doanh, tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội, đóng góp tích cực vào xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.
Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng cống hiến, nêu cao trách nhiệm đối với đất nước, xã hội.
Chăm lo xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới đồng thời phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của phụ nữ; tích cực xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Tăng cường vai trò của cựu chiến binh trong giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", tham gia xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tích cực giúp nhau làm kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống, làm giàu hợp pháp, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Phát huy uy tín, kinh nghiệm của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Kính trọng, bảo vệ, chăm sóc, có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để chăm lo và phát huy vai trò của người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.
Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, phát huy nội lực, vươn lên cùng phát triển. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định, thực hiện chính sách dân tộc.
Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo", đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các cấp phát động. Bảo đảm để các tổ chức tôn giáo hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.
Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, hòa nhập xã hội, đóng góp tích cực cho nước sở tại; tăng cường bảo hộ công dân. Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đẩy mạnh vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, trở thành cầu nối giữa Việt Nam với các nước.
Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn làm rõ sự phân hoá, biến đổi của các giai tầng xã hội trong quá trình phát triển, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng; nội dung cốt lõi của liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới. Xây dựng và triển khai Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
III. MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI THỜI GIAN QUA
 Thời gian qua, các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được Nhà nước sửa đổi, mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng, được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt được những kết quả tích cực. Số người được hưởng trợ giúp xã hội tăng hằng năm, trong đó người hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tháng tăng từ 2,374 triệu năm 2012, lên 3,149 triệu người (bao phủ hơn 3% dân số) năm 2020; đạt 3,3 triệu người năm 2022 (chiếm 3,5% dân số), trong đó người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp xã hội là 1,88 triệu người (chiếm 57%), đối tượng bảo trợ xã hội khác là 1,42 triệu người. Mức chuẩn trợ cấp được điều chỉnh tăng theo nguồn lực của trung ương và địa phương. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động tăng ngân sách cho trợ giúp xã hội, trên cơ sở ban hành chính sách riêng, điều chỉnh nâng mức trợ cấp hàng tháng cao hơn mức chuẩn chung hoặc mở rộng diện thụ hưởng chính sách (Quảng Nam, Nghệ An, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…).
Quy trình và công tác xác định đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, nhất là trợ cấp tiền mặt được cải tiến theo hướng minh bạch và có sự tham gia của các cấp chính quyền và người dân, do vậy đã làm tăng tính cam kết và hiệu lực thực hiện. Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm hỗ trợ kịp thời người dân khi gặp rủi ro, thiên tai. Giai đoạn 2014-2019, tổng số gạo Chính phủ hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia là 215.111 tấn; năm 2020, tổng số gạo hỗ trợ là 35.278 tấn; năm 2021, tổng số gạo hỗ trợ là 163.744 tấn, đặc biệt hỗ trợ cho người thiếu đói vì đại dịch Covid-19. Giai đoạn 2017-2021, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 4.822 tỷ đồng cho người dân khôi phục sản xuất, góp phần ổn định đời sống sau thiên tai, dịch bệnh. Giai đoạn 2012-2020, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam thực hiện hỗ trợ từ thiện nhân đạo cho trên 133 triệu lượt người với tổng kinh phí trên 28,5 ngàn tỷ đồng.
Hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục được nâng cấp, củng cố. Cả nước hiện có 425 cơ sở trợ giúp xã hội (190 cơ sở công lập và 235 cơ sở ngoài công lập), trong đó có 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 149 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 32 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 23 trung tâm công tác xã hội. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội khác nhau, trong đó đối tượng là người lớn, trẻ em khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn (46,5%); đối tượng là trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi chiếm 19,3%; đối tượng là trẻ em và người lớn nhiễm HIV/AIDS chiếm 1,4%. Đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp dịch vụ cho khoảng 30% đối tượng cần trợ giúp xã hội như tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội.
Phát triển các mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng như mô hình chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng; các mô hình hỗ trợ các đối tượng đặc biệt như “Ngôi nhà tạm lánh” cung cấp dịch vụ tạm lánh, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình; mô hình “Ngôi nhà bình yên” bảo vệ chăm sóc phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về… Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật, trong đó mô hình nhà dưỡng lão đã được triển khai ở nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn.
IV. NGĂN CHẶN NHẬP LẬU, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT; KIỂM SOÁT TỐT DỊCH BỆNH, PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BỀN VỮNG, BẢO ĐẢM NGUỒN CUNG THỰC PHẨM
Để ngăn chặn triệt để, chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm chi phí, hạ giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và bảo đảm nguồn cung sản phẩm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại Chỉ thị số 29/CT-TTg, ngày 6/12/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, công an, ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,... để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam; chỉ đạo, triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nhất là người dân ở khu vực biên giới về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo quy định của pháp luật về thú y, chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (tại các chương trình, kế hoạch quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các công điện, chỉ thị đã ban hành) và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn thịt.
Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg, ngày 22/3/2021 và Quyết định số 889/QĐ-TTg, ngày 25/7/2023) để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; chỉ đạo các cơ quan chức năng, ủy ban nhân dân các cấp thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng để chủ động chỉ đạo các biện pháp phù hợp, tổ chức ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những sai phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi và tiêm vắc xin.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, Thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường; có giải pháp kiểm soát, giảm thiểu chi phí trung gian, tăng lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, thao túng thị trường, đẩy giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi trong nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tổ chức công tác truyền thông về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do nhập lậu vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt để tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, đồng thời kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, hạ giá thành chăn nuôi, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm động vật sản xuất trong nước.
V. MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM, THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN
Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua, các chính sách, chương trình và giải pháp tạo việc làm đã được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Giai đoạn 2012-2019, bình quân giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 1,5-1,6 triệu người/năm, giảm xuống còn 1,3 triệu người/năm trong 2 năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp chung luôn duy trì ở mức dưới 3% và dưới 4% đối với khu vực đô thị trong giai đoạn 2012-2020. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%, cao hơn 1,94% so với khu vực nông thôn; tỷ lệ thất nghiệp của nữ là 3,28%, của nam là 3,17%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (8,55%), gấp gần 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Năm 2021, do tác động của giãn cách và đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào nên nhiều doanh nghiệp trong khu vực chính thức và hoạt động sản xuất kinh doanh phi chính thức bị thu hẹp hoặc phá sản dẫn đến cắt giảm việc làm nghiêm trọng làm cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ việc làm. Giai đoạn 2012-2021, đã hỗ trợ việc làm cho 1.485.155 lao động. Đến tháng 4/2022, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đạt 45.750 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 4.611 tỷ đồng, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách huy động là 20.175 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 20.944 tỷ đồng.
Cả nước hiện có 83 trung tâm dịch vụ việc làm. Giai đoạn 2012-2021, mỗi năm các trung tâm đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 2 triệu lượt lao động. Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt kết quả tích cực. Hiện nay, có khoảng 600.000 lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng và có thu nhập ổn định; gửi về nước lượng kiều hối khoảng 3,5 tỷ đôla Mỹ/năm.
Giai đoạn 2012-2020, mở rộng được nhiều thị trường mới, chất lượng lao động được nâng cao, hoạt động của các doanh nghiệp đưa người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng dần vào nề nếp. Trong giai đoạn 2020-2021, hoạt động này gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Số lao động đi làm việc năm 2020 là 78.641 người, năm 2021 là 45.058 người, năm 2022 khoảng 90.000 người.
Tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy việc làm và thu nhập của người dân. Giai đoạn 2012 - 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,2 lần (từ 2 triệu đồng/tháng lên 4,25 triệu đồng/tháng), tốc độ tăng khoảng 10%/năm; tốc độ tăng thu nhập nông thôn cao hơn thành thị, góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn, các vùng miền.
Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của nhóm 20% dân số giàu nhất và 20% dân số nghèo nhất đang được thu hẹp, nhưng chưa ổn định, từ 9,3 lần năm 2012 lên 10,2 lần năm 2019 và xuống còn 8,07 lần năm 2020. Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người lớn nhất là các hộ thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc (9,7 lần). Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, tỷ trọng thu nhập từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, từ 46,1% năm 2012 lên 55,5% năm 2020.
VI. TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Sau 10 năm (2013-2023) thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng:
Nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng đã có chuyển biến mạnh mẽ; hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát. Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân; cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ được duy trì vững chắc, chất lượng ngày càng nâng cao; công tác xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh.
Chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên có nhiều tiến bộ; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quan tâm thực hiện; triển khai thực hiện xã hội hóa trong biên soạn và phát hành sách giáo khoa; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn được thế giới ghi nhận. Giáo dục đại học có chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, hiệu quả và mức độ tiếp cận của người dân.
Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả hơn; đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp đánh giá kết quả quá trình học với kết quả cuối năm học. Thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đi vào nề nếp, hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên được quan tâm hơn, ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên được tăng cường, ngày càng hiệu quả. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai rộng 73 khắp trong toàn ngành giáo dục.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo, từng bước đảm bảo số lượng và khắc phục bất hợp lý về cơ cấu; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo mới; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, vẫn còn những hạn chế chưa được khắc phục triệt để hoặc chậm được khắc phục, như: Công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả chưa cao. Quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn phân tán, sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo còn hạn chế. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chậm tiến độ; kết quả đổi mới phương pháp dạy và học theo chương trình mới ở nhiều cơ sở giáo dục hiệu quả chưa cao, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội ít có sức hút đối với người học. Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo. Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền, còn có sự chênh lệch giữa vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với vùng thuận lợi…
Để tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW cũng như các chủ trương về phát triển giáo dục và đào tạo được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền nhằm tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là đối với cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo và người học trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo và quản trị nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác bảo đảm đồng bộ, phù hợp với chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo nêu tại Nghị quyết 29-NQ/TW, nhất là về đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước và việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức.
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Tăng cường giáo dục thể chất, rèn luyện kỹ năng lao động, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, năng lực tự học cho học sinh, sinh viên; chú trọng xây dựng môi trường học đường an toàn, hạnh phúc, lành mạnh, thân thiện để trẻ em, học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực.
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo. Đổi mới nội dung, chương trình xóa mù chữ, chống tái mù chữ; phát triển các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Thứ năm, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương; bảo bảm đảm đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập chất lượng cao ở vùng có điều kiện thuận lợi; khuyến khích phát triển các mô hình trường học mới như trường học hạnh phúc, trường học xanh, trường học thông minh.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài trong ngành Giáo dục, bảo đảm các điều kiện về vật chất và tinh thần để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, yên tâm công tác, cống hiến, thu hút được người giỏi vào ngành Giáo dục và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phát triển.
Thứ bảy, bảo đảm nguồn lực tài chính đầu tư phát triển giáo dục. Tiếp tục đổi mới cơ cấu sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ lệ chi đầu tư cho giáo dục. Đổi mới các quy định về quản lý và sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, quản lý và sử dụng tài sản công đối với nghiên cứu khoa học theo hướng khoán kết quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ tám, đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, nhất là đào tạo các giảng viên trình độ tiến sĩ.
VII. PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
Ngày 16/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 189/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Mục tiêu của Chương trình nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết của Chính phủ tạo sự thống nhất trong nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội và các mô hình thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách mới/vượt trội để tạo đột phá phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ trong một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường.
Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng Đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực nông nghiệp và Đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực công thương.
Xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao; Đề án hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi và Đề án ươm tạo doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hoá sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học; xây dựng Đề án hợp tác quốc tế về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học gồm chính sách mua, bán, chuyển giao, trao đổi công nghệ; mô hình phát triển kinh tế sinh học.
Các bộ, cơ quan Trung ương và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nhiệm vụ được giao chủ trì tại Chương trình hành động của Chính phủ, xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ.
VIII. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHUYÊN CANH LÚA CHẤT LƯỢNG CAO VÀ PHÁT THẢI THẤP GẮN VỚI TĂNG TRƯỞNG XANH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2030
Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, nêu rõ các mục tiêu, địa bàn và lộ trình thực hiện: 
Mục tiêu đến năm 2025: Về quy mô, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 ha. Về canh tác bền vững, tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Về tổ chức lại sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích. Trên 200.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%. 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%; xây dựng thương hiệu và xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Mục tiêu đến năm 2030: Về quy mô, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu ha. Về canh tác bền vững, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Về tổ chức sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích. Trên 1.000.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%. 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Xây dựng thương hiệu và xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Địa bàn triển khai: Tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long, với diện tích một triệu ha.
Tiêu chí lựa chọn vùng tham gia đề án: Tiêu chí về quy hoạch và cơ sở hạ tầng, được quy hoạch là đất chuyên trồng lúa trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, phù hợp với quy hoạch cấp tỉnh và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích liền mảnh tối thiểu là 50 héc-ta. Có hệ thống hạ tầng thủy lợi được đầu tư cơ bản; hạ tầng điện, viễn thông và hậu cần đảm bảo hỗ trợ tốt cho sản xuất, chế biến kinh doanh lúa gạo. Tiêu chí canh tác bền vững và tăng trưởng xanh là vùng được đề xuất hiện có trên 20% diện tích canh tác lúa đã áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ tiêu chuẩn SRP hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận. Trên 70% diện tích canh tác lúa đã sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương. 100% hộ trong vùng cam kết thu gom rơm khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng.
Tiêu chí về tổ chức sản xuất là diện tích đã liên kết đạt trên 30% tổng diện tích, trong đó có 50% số hộ trong vùng tham gia liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp. Trên 40% hộ trong vùng đã được tập huấn quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận; có tổ chức khuyến nông tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.
Tiêu chí doanh nghiệp tham gia liên kết là doanh nghiệp tham gia Đề án phải có liên kết với hợp tác xã hoặc tổ chức nông dân ít nhất về bao tiêu sản phẩm. Doanh nghiệp cam kết tham gia Đề án và có năng lực để tổ chức, giám sát quá trình sản xuất lúa gạo ở vùng liên kết.
IX. NÂNG CAO PHÚC LỢI XÃ HỘI TOÀN DÂN, BẢO ĐẢM MỌI NGƯỜI DÂN ĐƯỢC TIẾP CẬN, THỤ HƯỞNG CÁC DỊCH VỤ XÃ HỘI CƠ BẢN CÓ CHẤT LƯỢNG
Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/ 2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng như sau:
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời. Nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng hoá mô hình, chương trình đào tạo, phương thức học tập phù hợp với người học. Chú trọng phát triển mạng lưới trường lớp, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, bãi ngang, ven biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư.
Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hội nhập, bảo đảm điều kiện tiếp cận và chăm sóc sức khoẻ cho mọi người dân hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Chú trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ em; khám sức khoẻ định kỳ cho Nhân dân; quản lý các bệnh mạn tính đối với người cao tuổi.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, di sản văn hóa dân tộc, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt là nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi tập trung đông người lao động... Nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với phát triển văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.
Thực hiện chính sách, pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân theo hướng bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận và bảo vệ người dân, đặc biệt là trẻ em, nhóm yếu thế được an toàn trên môi trường mạng. Tăng cường phổ cập dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, công nghệ số.
Nêu cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương trong thực hiện chủ trương của Đảng và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, bảo đảm cho người dân có chỗ ở thích hợp, chất lượng và an toàn, có sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập.
Bảo đảm nhu cầu thiết yếu về nước sạch sinh hoạt theo quy chuẩn cho người dân, nhất là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bãi ngang, ven biển, hải đảo, vùng thường xuyên bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước.
Phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đa dạng, liên thông, liên tục, chuyên nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu và tăng khả năng tiếp cận cho các nhóm đối tượng, nhất là công nhân, người có hoàn cảnh khó khăn, người di cư, đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội hiểu biết pháp luật, có phẩm chất đạo đức, tận tâm, hoạt động chuyên nghiệp…
Ban Tuyên giáo Trung ương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây