I. MỘT SỐ CUỘC BẦU CỬ TRÊN THẾ GIỚI GẦN ĐÂY
Theo Tạp chí The Economist, năm 2024 là “năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử” với hơn 2 tỷ người ở khoảng 50 quốc gia sẽ tham gia vào tiến trình lựa chọn ra những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất. Trong số các cuộc bầu cử diễn ra ở khắp các châu lục, nhiều cuộc bầu cử quan trọng, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Kết quả bầu cử tại Ấn Độ: Ngày 7/6/2024, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chính thức được bầu làm lãnh đạo Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA). NDA do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Modi lãnh đạo đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử quốc gia. Năm nay là lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của ông Modi, đảng BJP dựa vào hỗ trợ từ các đồng minh nhỏ hơn để thành lập chính phủ. Tối 9/6/2024, ông Narendra Modi đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ tại Phủ Tổng thống (Rashtrapati Bhawan) ở Thủ đô New Delhi, dưới sự chủ trì của Tổng thống Draupadi Murmu. Ông Modi trở thành người thứ hai, sau cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru, được bầu giữ chức Thủ tướng 3 nhiệm kỳ liên tiếp.
Trong hai nhiệm kỳ của ông Modi, đất nước Ấn Độ với 1,4 tỷ dân đã trở thành nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm đầu thế giới, có những bước tiến vượt bậc về lĩnh vực công nghệ và vũ trụ. Ông Modi từng đề cập về tầm nhìn của Ấn Độ trong 1.000 năm tới và muốn đưa quốc gia Nam Á thành nước phát triển vào năm 2047. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tồn tại tình trạng nghèo đói và thất nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, cùng khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Việc tiếp tục khẳng định vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế cũng như giải quyết các vấn đề khó khăn trong nước như tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao, giá cả leo thang... sẽ là những thách thức chờ đón ông Modi trong nhiệm kỳ thứ 3.
Kết quả bầu cử tại Mexico: Cuộc tổng tuyển cử năm 2024 là sự kiện bầu cử có quy mô lớn nhất trong lịch sử Mexico, thu hút gần 100 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu tại hơn 170.000 hòm phiếu trên toàn bộ 32 bang của nước này. Đây cũng là cuộc tổng tuyển thu hút số lượng lớn quan sát viên quốc tế, với hơn 1.300 người đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Mexico cho phép những người đang trong thời gian tạm giam và người di cư được tham gia bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử, với tổng số lượng lên đến hàng chục nghìn người. Theo kết quả kiểm phiếu chính thức do Viện Bầu cử quốc gia Mexico (INE) công bố, cựu Thị trưởng Mexico City, bà Claudia Sheinbaum đã giành chiến thắng áp đảo trước hai ứng cử viên còn lại với cách biệt tới 32,3 điểm phần trăm so với đối thủ liền kề là ứng cử viên Xóchitl Gálvez, trở thành tổng thống đắc cử nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất trong lịch sử Mexico và là nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia này.
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP): Từ ngày 6 - 9/6/2024, khoảng 450 triệu công dân của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu để bầu chọn 720 đại biểu cho nhiệm kỳ 5 năm của Nghị viện châu Âu (EP). Theo dư luận, các nhóm chính thống, thân châu Âu sẽ giữ được đa số, nhưng ảnh hưởng của họ bị thách thức hơn bao giờ hết, khi các đảng theo chủ nghĩa dân tộc và cực hữu đang giành được số ghế kỷ lục. Ngày 6/6/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ lo ngại về việc Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ bị cản trở bởi sự hiện diện đông đảo của phe cực hữu trong Nghị viện châu Âu (EP) sau cuộc bầu cử này. Ngay sau đó, Tổng thống Macron tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp sớm sau khi đảng Mặt trận Quốc gia (FN) theo đường lối cực hữu đánh bại liên minh ôn hòa của ông trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng khó khăn, các đảng cầm quyền tại nhiều nước châu Âu không đưa ra các quyết sách thuận lòng dân, phe cực hữu và dân túy đã tận dụng cơ hội để nhanh chóng vươn lên trở thành một lực lượng chính trị có tiếng nói trọng lượng hơn. Trên thực tế, xu hướng các đảng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu trỗi dậy mạnh mẽ đã xuất hiện từ những năm gần đây khi các đảng cực hữu lên nắm quyền tại Hungary và Italy; tham gia vào chính phủ ở Phần Lan và Slovakia; giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tại Hà Lan (11/2023). Có nhiều nguyên nhân tạo nên xu hướng này, trong đó có sự bất mãn của một bộ phận xã hội, gồm những người làm công ăn lương, thất nghiệp, túng thiếu, trình độ thấp, nông dân, công nhân... Nhiệm kỳ mới sẽ có rất nhiều thách thức đặt ra cho EP và hai thể chế còn lại, gồm Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, trong đó có các vấn đề về nâng cao chủ quyền công nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế, củng cố quyền tự chủ về quốc phòng, ứng phó với tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc, điều chỉnh mối quan hệ với Mỹ trong trường hợp tỷ phú - cựu Tổng thống Donald Trump trở lại nắm quyền, quản lý xung đột tại Ukraine và ngăn chặn Nga, giải quyết tình trạng thâm hụt quá mức đối với các quốc gia thành viên…
II. HỘI NGHỊ QUAN CHỨC CẤP CAO HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (ASEAN)
Từ ngày 6 - 8/6/2024, tại Vientiane (Lào) diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (SOM ASEAN) và chuỗi các hội nghị liên quan, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Đỗ Hùng Việt.
Tại Hội nghị SOM ASEAN, các nước đánh giá tích cực về những tiến triển trong xây dựng Cộng đồng ASEAN và trong triển khai Kế hoạch tổng thể trụ cột chính trị - an ninh ASEAN 2025; tiếp tục cụ thể hóa ưu tiên của ASEAN năm 2024 trên 9 lĩnh vực, trong đó có tăng cường kết nối và tự cường thông qua đẩy mạnh hội nhập, kết nối kinh tế, phát triển bao trùm, bền vững, chuyển đổi số…
Các nước cũng nhất trí sớm đánh giá cuối kỳ Kế hoạch tổng thể trụ cột chính trị - an ninh 2025, làm cơ sở để các nước tiếp tục xây dựng Chiến lược triển khai Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN 2045, văn kiện định hướng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN trong 20 năm tới.
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nước chia sẻ quan ngại về những biến động nhanh chóng, phức tạp trong môi trường an ninh thế giới và khu vực; nhấn mạnh ASEAN cần duy trì đoàn kết, thống nhất, phát huy tự chủ chiến lược và vai trò trung tâm trong các nỗ lực thúc đẩy xử lý các vấn đề tác động trực tiếp tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực như Biển Đông, Myanmar.
Các hội nghị đã kiểm điểm tình hình hợp tác và thống nhất định hướng phát triển các khuôn khổ liên quan trong thời gian tới, đồng thời rà soát chuẩn bị cho các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3/EAS/ARF và các Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và EAS tại Lào lần lượt vào tháng 7/2024 và tháng 10/2024. Các đối tác cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cùng ASEAN ứng phó hiệu quả với các thách thức chung và định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch và đề cao luật pháp quốc tế. Các nước đánh giá cao vai trò và đóng góp quan trọng của tiến trình ASEAN+3, với ASEAN đóng vai trò chủ đạo, đối với tiến trình liên kết và hợp tác khu vực tại Đông Á; nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch Công tác Hợp tác ASEAN+3, làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác hiện có, nhất là thương mại, đầu tư, tài chính, giao lưu nhân dân, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như: đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xe điện, năng lượng sạch và tăng trưởng xanh.
Trong chuỗi các Hội nghị quan chức cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, đã tham dự cuộc họp Ban điều hành Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ ExCom); cuộc họp lần thứ 17 Nhóm công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về Timor Leste (ACCWG-TL); Hội nghị SOM ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Phát biểu tại các cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị các nước ưu tiên củng cố và phát huy vai trò của các khuôn khổ ASEAN+3, EAS và ARF với ASEAN đóng vai trò trung tâm, đóng góp tích cực cho việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định, thuận lợi cho nỗ lực thúc đẩy hợp tác thiết thực, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển tiểu vùng, bao gồm tiểu vùng Mekong, hướng tới tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững… Trong vai trò đồng chủ trì Cuộc họp Nhóm giữa kỳ ARF về Cứu trợ thiên tai (ISM-DR) giai đoạn 7/2023 - 7/2026, Thứ trưởng đã chia sẻ kế hoạch các hoạt động sẽ được triển khai thời gian tới; đồng thời thông báo một số hoạt động Việt Nam sẽ đồng chủ trì trong năm giữa kỳ 2024 - 2025.
Chia sẻ quan ngại của các nước về tác động của các điểm nóng tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định các nước cần đề cao tham vấn, đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, đặc biệt các nước lớn, cần phát huy vai trò tích cực, trách nhiệm, đóng góp cho các nỗ lực giảm căng thẳng, tìm giải pháp cho các vấn đề.
Về vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn cùng các nước xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị các đối tác tôn trọng và ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, đặc biệt là các nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thượng tôn luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; ủng hộ các nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
III. DIỄN ĐÀN KINH TẾ QUỐC TẾ SAINT PETERSBURG
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg lần thứ 27 (Spief 2024), diễn ra từ ngày 5 - 8/6/2024 tại “thủ đô phương Bắc” nước Nga, là sự kiện thường niên quan trọng nhằm gắn kết các đối tác kinh doanh của Nga và cung cấp nền tảng cho các thỏa thuận song phương, đồng thời có tham vọng đưa ra hướng giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay.
Sự kiện này thu hút hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Chủ đề của SPIEF 2024 là “Nền tảng đa cực - hình thành các trung tâm tăng trưởng mới”, tập trung vào các vấn đề như chuyển đổi sang nền kinh tế thế giới đa cực, mục tiêu và nhiệm vụ của Nga trong chu kỳ kinh tế mới, xây dựng xã hội lành mạnh và ứng dụng công nghệ cho phát triển.
Tại phiên toàn thể của Diễn đàn, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu quan trọng. Ông Putin nhận định, các nước khu vực châu Á và châu Phi đang ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, chính hai khu vực này sẽ quyết định hướng phát triển tương lai vào giữa thế kỷ XXI. Về vị trí của nền kinh tế Nga trên thế giới, Tổng thống Putin cho biết nước này đặt mục tiêu trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, là một trong những nước tham gia chính vào thương mại thế giới bất chấp mọi trở ngại và lệnh trừng phạt. Các quốc gia thân thiện với Nga chiếm 3/4 kim ngạch thương mại của nước này. Nga cũng tiếp tục hợp tác hiệu quả với các đối tác trong Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU). Đồng thời, đề cao vai trò của BRICS, cho biết Khối này đang xúc tiến xây dựng hệ thống thanh toán độc lập, không phụ thuộc vào phương Tây, không chịu sức ép chính trị, không bị lợi dụng và bị can thiệp từ bên ngoài; khẳng định BRICS có tiềm năng để mở rộng và Nga luôn hoan nghênh các nước tham gia liên minh này.
Trong thông điệp gửi tới SPIEF 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, sự đoàn kết, hợp tác và hành xử có trách nhiệm của tất cả các quốc gia để cùng vượt qua những thách thức chung; tầm quan trọng của việc hợp tác dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đồng thời, đưa ra các đề xuất:
Thứ nhất, phát triển các hành lang giao thông liên quốc gia từ Đông sang Tây và từ Bắc tới Nam để hình thành các tuyến hành lang mới, kết nối các trung tâm kinh tế trên toàn châu lục.
Thứ hai, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư. Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa Liên minh kinh tế Á - Âu với ASEAN, mong hai bên sớm nghiên cứu khả năng xây dựng một hiệp định thương mại tự do.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Trong đó, các quốc gia đi trước trong tiến trình này cần chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam.
IV. VIỆT NAM ĐƯỢC BẦU LÀM PHÓ CHỦ TỊCH ĐẠI HỘI ĐỒNG CÔNG ƯỚC 2003
Ngày 11/6/2024, tại phiên khai mạc của Kỳ họp lần thứ 10 Đại hội đồng Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể (Công ước 2003) tổ chức tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Việt Nam đã được các nước thành viên tín nhiệm cao bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003.
Đại hội đồng Công ước 2003 là cơ quan quyền lực cao nhất của UNESCO trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, gồm đại diện của 183 nước thành viên. Việt Nam chính thức tham gia Công ước 2003 vào ngày 5/09/2005, trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới gia nhập Công ước quan trọng này. Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, hiệu quả, thiết thực. Các quốc gia thành viên Công ước 2003 đánh giá cao những kinh nghiệm của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở phương diện lý luận, luật pháp và thực tiễn.
Đại hội đồng Công ước là cơ chế then chốt thứ 6 của UNESCO mà Việt Nam tham gia. Điều này cho thấy vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, đặc biệt là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới. Sự kiện này khẳng định sự đúng đắn trong triển khai chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta về đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, cũng như Chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2030.
Đối với Việt Nam, việc đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003 là cơ hội để tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO về văn hóa; đóng góp hiệu quả và sâu sắc hơn vào cơ chế toàn cầu này. Đồng thời, tranh thủ các điều kiện, nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong hợp tác văn hóa ở toàn cầu.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể, không ngừng xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật pháp quốc gia. UNESCO và các nước thành viên cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả Công ước, ưu tiên chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển, các quốc gia châu Phi, nhóm đảo nhỏ đang phát triển, thúc đẩy tham gia và đóng góp của cộng đồng, phụ nữ và thanh niên.
V. MỘT SỐ VẤN ĐỀ THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
- Kiểm soát lạm phát trong thời gian tới: Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo giai đoạn cuối cùng trên con đường đưa lạm phát xuống ngưỡng 2% có thể đặc biệt khó khăn. ECB đã cắt giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục xuống 3,75%, tuy nhiên, ngân hàng Trung ương châu Âu không thực hiện bất kỳ cam kết nào nhằm nới lỏng chính sách hơn nữa sau khi số liệu lạm phát và tăng trưởng tiền lương trong những tuần gần đây vượt dự kiến. Ông Robert Holzmann, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo và là thành viên Hội đồng ECB nói rằng, lạm phát khó kiểm soát hơn dự báo của ECB. Các nhà kinh tế cho rằng, lãi suất bằng hoặc trên 3% đều hạn chế tăng trưởng kinh tế, vì vậy chính sách của ECB sẽ tiếp tục kìm hãm nền kinh tế Eurozone trong năm tới.
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Các bộ trưởng khoa học, công nghệ và đổi mới thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có biện pháp và phối hợp hành động để khai thác các lợi ích của trí tuệ nhân tạo (AI). Tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng khoa học, công nghệ và đổi mới ASEAN lần thứ 20 tổ chức tại tỉnh Siem Reap (Campuchia) nêu rõ: Hội nghị công nhận tiềm năng ứng dụng của AI là động lực chính đối với sự tiến bộ và đổi mới lĩnh vực công nghệ, đồng thời xác định nhu cầu phối hợp hành động và hợp tác để khai thác lợi ích của AI, chủ động giải quyết các tác động xã hội, kinh tế và đạo đức liên quan. Hội nghị lưu ý, AI có khả năng tác động đáng kể đến nền kinh tế ASEAN, giúp tăng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) từ 10 - 18%, tương đương trị giá khoảng 1 tỷ USD vào năm 2030. Nhân dịp này, một nhóm công tác đã được thành lập trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cấp cao về kỹ thuật số ASEAN về quản trị AI, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến quản trị AI, gồm quản lý AI tạo sinh và thúc đẩy việc sử dụng AI một cách an toàn, có trách nhiệm, đạo đức.
- Trung tâm Việt Nam học thứ hai tại Thái Lan được mở tại Đại học Hoàng gia Udon Thani, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của người Thái Lan đối với đất nước Việt Nam và ngôn ngữ tiếng Việt, đồng thời cho thấy nỗ lực của các cơ quan đại diện Việt Nam nhằm quảng bá tiếng Việt tại các cơ sở giáo dục ở Thái Lan. Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thái Lan Chu Đức Dũng tin tưởng việc thành lập Trung tâm Việt Nam học tại Đại học Hoàng gia Udon Thani sẽ góp phần tạo nguồn nhân lực cho các công việc liên quan đến Việt Nam, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng trong các cơ quan chính quyền, các tổ chức doanh nghiệp hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam trong công tác giảng dạy, làm ăn buôn bán, phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch...
Ban Tuyên giáo Trung ương