I. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC LIÊN BANG NGA VÀ ĐỒNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP LẦN THỨ BA ỦY BAN HỢP TÁC LIÊN NGHỊ VIỆN VIỆT NAM - LIÊN BANG NGA CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN
Từ ngày 8-10/9/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam - Liên bang Nga.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của đồng chí Trần Thanh Mẫn đến Liên bang Nga trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và cũng là chuyến thăm Liên bang Nga đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong năm 2024. Chuyến thăm là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được lãnh đạo hai nước thống nhất nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Việt Nam vào tháng 6/2024; cũng như định hướng thúc đẩy hợp tác được trao đổi, thống nhất giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng thống Putin trong cuộc điện đàm ngày 8/8/2024. Chuyến thăm góp phần quan trọng thúc đẩy và củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung, quan hệ hợp tác chặt chẽ, tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam với Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) nói riêng.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội đàm và cùng Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Hợp tác liên nghị viện; hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga và ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga; chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Rostov. Tại các cuộc tiếp xúc, làm việc, hai bên nhất trí đẩy mạnh, mở rộng hợp tác tương xứng với truyền thống và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; phát huy thành quả đạt được dựa trên sự tin cậy và các khuôn khổ hợp tác đã có; phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025; tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp để không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ, hợp tác thiết thực, hiệu quả thông qua các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thông tin về tình hình Việt Nam; khẳng định Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, thủy chung; trân trọng sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà Nhân dân Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay dành cho Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy hợp tác với Liên bang Nga trong các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, đầu tư; quốc phòng - an ninh; khoa học, giáo dục, đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch, y tế và hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Đồng thời, cho rằng hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao của Lãnh đạo Quốc hội, các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan của Quốc hội, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nhóm Nghị sĩ trẻ, Nhóm nữ nghị sĩ, các đại biểu Quốc hội của hai nước; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, cập nhật thông tin về hoạt động nghị viện của mỗi nước; tăng cường phối hợp giám sát và đôn đốc thực hiện các Thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký kết; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi; ủng hộ Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân hai nước tăng cường giao lưu, hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch V.I Matvienko chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Rostov.
II. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CẤP NHÀ NƯỚC TỚI VIỆT NAM CỦA TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC LÀO THOONGLOUN SISOULITH
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thoongloun Sisoulith và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-13/9/2024.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith được thực hiện tiếp ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước của đồng chí Tô Lâm đến Lào trên cương vị Chủ tịch nước hồi tháng 7/2024 là một minh chứng sống động, thể hiện tình cảm tốt đẹp, sâu đậm của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, gắn bó, thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam. Chuyến thăm thực hiện trong bối cảnh hai Đảng, hai nước đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết của mỗi Đảng và tích cực chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc của mỗi Đảng. Quan hệ Lào - Việt Nam đang phát triển hết sức tốt đẹp và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith đã hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Tại các buổi gặp, lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định: Quan hệ chính trị gắn bó, tin cậy giữa hai đảng, hai nước; chủ trương nhất quán của Việt Nam và Lào coi trọng đặc biệt quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước và Nhân dân hai nước, mong muốn phát triển lâu dài, ổn định, ngày càng hiệu quả, thực chất theo tinh thần Thỏa thuận cấp cao của lãnh đạo hai đảng, hai nước; sự ủng hộ mãnh mẽ, toàn diện lẫn nhau đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước ở mỗi bên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, chuẩn bị tốt Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là ASEAN, các liên kết kinh tế quốc tế và trên các vấn đề hai bên cùng quan tâm để tăng cường tin cậy chính trị trên cơ sở phù hợp với đường lối đối ngoại của mỗi nước.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith và Phu nhân đã thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào phát triển lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, mang lại sự phồn vinh cho Nhân dân mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
III. THẾ GIỚI CHUNG SỨC PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ
Trước sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, ngày 26/8/2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên “Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược” nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người. WHO khẳng định các đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước lân cận có thể kiểm soát và ngăn chặn được.
WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023. Đây là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh. Sau đó, đến ngày 14/8/2024, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ dịch bùng phát ở các nước châu Phi. Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước láng giềng với chủng đặc hữu Clade 1 và một biến thể mới được gọi là Clade 1b gây quan ngại toàn cầu do có khả năng dễ lây lan hơn qua tiếp xúc gần.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi ngày 23/8 cảnh báo, tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu lục này, cộng thêm những hạn chế trong công tác chẩn đoán bệnh và tỷ lệ tử vong cao đang tạo ra những thách thức lớn cho nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh này ở Lục địa Đen. CDC châu Phi nêu rõ những thách thức này cũng liên quan đến sự lây lan nhanh chóng dịch bệnh đậu mùa khỉ sang các quốc gia khác và làm giảm hiệu quả phối hợp các nỗ lực phòng chống dịch bệnh.
Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm 2024 đến ngày 23/8 đã ghi nhận tổng cộng 21.466 ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở 13 nước châu Phi, trong số này có 615 ca đã tử vong. Tuy nhiên, theo CDC châu Phi, những con số này có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì còn nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ khó phát hiện, những hạn chế trong việc giám sát, xét nghiệm và báo cáo về số ca mắc bệnh. CDC châu Phi cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong cao và sự kết hợp giữa căn bệnh này với HIV/AIDS sẽ gây ra quan ngại y tế rất lớn cho châu Phi.
Cơ quan y tế Thụy Điển ngày 15/8 xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể clade 1b tại quốc gia châu Âu này. Đây cũng là trường hợp đầu tiên ở bên ngoài châu Phi nhiễm biến thể mới này của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 22/8, Thái Lan đã xác nhận trường hợp được biết đến là ca đầu tiên ở châu Á nhiễm biến thể clade 1b của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Đây cũng là ca thứ hai nhiễm clade 1b được xác nhận bên ngoài châu Phi.
Trước khi khởi động kế hoạch chiến lược toàn cầu kiềm chế bệnh đậu mùa khỉ, WHO đã kêu gọi hành động chung toàn cầu để kiểm soát đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ mới này. Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả đòi hỏi phải có hành động toàn diện và phối hợp của quốc tế. WHO cho biết các đối tác của tổ chức như Liên minh vaccine (Gavi) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) có thể bắt đầu mua vaccine đậu mùa khỉ trước khi vaccine này được WHO cấp phép nhằm đẩy nhanh hơn việc đưa vaccine đến châu Phi. Đầu tháng 8/2024, WHO đã yêu cầu các nhà sản xuất vaccine gửi thông tin để có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt và cấp giấy phép khẩn cấp vào giữa tháng 9 tới.
Kế hoạch chiến lược toàn cầu kiềm chế bệnh đậu mùa khỉ của WHO dự kiến được thực hiện từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025, với kinh phí 135 triệu USD. Bằng cách phối hợp các nỗ lực toàn cầu, khu vực và quốc gia, kế hoạch nhằm tăng cường giám sát và phản ứng chiến lược, đảm bảo mọi người dân trên thế giới được tiếp cận công bằng với chẩn đoán và tiêm vaccine phòng bệnh, giảm lây truyền bệnh từ động vật sang người và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Theo đó, kế hoạch tiêm chủng nhắm đến những người có nguy cơ cao nhất, như những người tiếp xúc gần với ca bệnh và nhân viên y tế, qua đó cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Kế hoạch này cũng tập trung vào việc cung cấp định hướng chiến lược và hướng dẫn, cũng như đảm bảo các nhóm người dễ bị tổn thương trong các khu vực bị ảnh hưởng được tiếp cận điều trị y tế.
IV. DIỄN BIẾN MỘT SỐ XUNG ĐỘT, ĐIỂM NÓNG TRÊN THẾ GIỚI
Tình hình xung đột và điểm nóng trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ quốc tế.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã leo thang lên cấp độ mới khi Ukraine bất ngờ tấn công qua biên giới, tiến sâu vào tỉnh Kursk (6/8), một trung tâm hậu cần quan trọng của Nga, và tuyên bố kiểm soát hơn 1.000km2 lãnh thổ Nga. Đây là cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận sau 2,5 năm bùng phát xung đột giữa hai nước và cũng là lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ II, Nga bị quân đội nước ngoài tấn công vào lãnh thổ. Đáp trả lại hành động này, Nga đã nhanh chóng phản công đẩy lùi. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Ukraine đã mất 9.300 binh sỹ kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga. Tổng thống Nga Putin coi đây là hành động khiêu khích quy mô lớn và Nga kiên quyết đáp trả cứng rắn. Trước diễn biến tình hình, Hoa Kỳ và phương Tây tiếp tục công bố các gói cung cấp vũ khí và thiết bị mới nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine. Ngày 06/9/2024, các nước phương Tây công bố gói viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD. Điều nay khiến các nỗ lực trung gian hòa giải chưa đem lại kết quả và triển vọng sớm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine thêm bế tắc.
Cuộc xung đột tại dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 28/8/2024, Israel đã bắt đầu một cuộc chiến ở Bờ Tây, được gọi là “Chiến dịch Trại Hè”. Đây là cuộc tấn công lớn nhất của Israel tại Bờ Tây kể từ năm 2002. Theo Tổ chức phi lợi nhuận Giám sát Nhân quyền Euro-Med Kể từ tháng 10/2023, 660 người Palestine tại Bờ Tây đã thiệt mạng do các cuộc tấn công có hệ thống và quy mô lớn của quân đội Israel. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), từ ngày 27/8 đến ngày 2/9/2024, các lực lượng Israel đã giết chết 30 người Palestine tại Bờ Tây. Đây là con số tử vong hàng tuần cao nhất kể từ tháng 11/2023. Tính đến ngày 6/9, con số này đã tăng lên 39 người Palestine thiệt mạng. Ngoài ra, OCHA báo cáo rằng từ ngày 7/10/2023 đến ngày 2/9/2024, 652 người Palestine đã thiệt mạng ở Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem. Phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva ngày 9/9, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk yêu cầu cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần một năm qua ở Dải Gaza và nhấn mạnh “việc chấm dứt cuộc chiến ở Gaza và ngăn chặn xung đột lan rộng trong khu vực là ưu tiên tuyệt đối và cấp bách”. Đồng thời, kêu gọi các quốc gia không chấp nhận tình trạng này và yêu cầu Israel tuân thủ các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như Tòa án Công lý quốc tế. Tuy nhiên, các cuộc công kích, tấn công trả đũa lẫn nhau giữa các lực lượng đang làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông, Biển Đỏ và tác động tiêu cực tới giá năng lượng, lương thực, vận tải quốc tế. Nỗ lực trung gian hòa giải vẫn chưa tạo được tiến triển tích cực nào.
Tình hình Venezuela hậu bầu cử tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Ngày 7/9, Chính phủ Venezuela công bố quyết định thu hồi "ngay lập tức" quyền đại diện của Brazil cho lợi ích của quốc gia Argentina và các công dân Argentina trên lãnh thổ Venezuela do “những bằng chứng liên quan đến việc cơ sở vật chất của Đại sứ quán Argentina đang được sử dụng để lên kế hoạch khủng bố”. Venezuela cắt đứt quan hệ ngoại giao với Argentina và trục xuất toàn bộ nhân viên ngoại giao Argentina cuối tháng 7 vừa qua sau khi Chính phủ Argentina không thừa nhận kết quả bầu cử tổng thống Venezuela với chiến thắng thuộc về Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro. Ngày 8/9, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết ứng cử viên đối lập tranh cử tổng thống Venezuela, Edmundo Gonzalez Urrutia đang trên đường tới Tây Ban Nha trên một máy bay quân sự. Trước đó, ngày 2/9, Tòa án Venezuela ban hành lệnh bắt giữ ông Edmundo Gonzalez với cáo buộc ông có âm mưu tiếm quyền, làm giả tài liệu công, kích động chống pháp luật và âm mưu chống lại nhà nước Venezuela. Hiện nay, Venezuela đang tiếp tục đối mặt với phản ứng của nhiều nước không công nhận kết quả bầu cử.
V. MỘT SỐ SỰ KIỆN THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
- Quyền lợi mới của Palestine tại Đại hội đồng Liên hợp quốc: Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cấp cho phái đoàn Palestine một số quyền mới trong một nghị quyết. Theo đó, bắt đầu từ phiên họp Đại hội đồng lần thứ 79 (ngày 10/9), phái đoàn này có một ghế tại Đại hội đồng; có thể đệ trình các đề xuất và sửa đổi. Tuy nhiên, Đại hội đồng vẫn loại trừ khả năng phái đoàn Palestine được bỏ phiếu hoặc trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an.
Chiều ngày 10/9/2024, Đặc phái viên Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour đã hiện diện tại một bàn có biển ghi "Nhà nước Palestine".
Phát biểu về sự kiên này, Đại sứ Ai Cập Osama Mahmoud Abdelkhalek Mahmoud nhấn mạnh: "Đây không chỉ là vấn đề thủ tục. Đây là thời khắc lịch sử đối với chúng tôi (Đại hội đồng Liên hợp quốc)".
Sau khi xung đột nổ ra ở Dải Gaza, tháng 4/2024, chính quyền Palestine đã khởi động lại nỗ lực xin gia nhập đầy đủ Liên hợp quốc. Việc gia nhập đầy đủ không chỉ cần Đại hội đồng bỏ phiếu thông qua mà cần có khuyến nghị của Hội đồng Bảo an.
Tháng 5/2024, phần lớn các thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định Palestine xứng đáng được hưởng tư cách thành viên chính thức, song Mỹ đã phủ quyết. Trong khi đó, Phó Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Jonathan Miller lên tiếng phản đối quyết định trên.
- Một số tình hình kinh tế thế giới: Đồng USD đã giảm hơn 2% so với các đồng tiền chủ chốt khác vào tháng 8/2024, đánh dấu mức giảm hàng tháng lớn nhất trong năm nay và làm dịu nỗi lo ở các nền kinh tế đang chịu sức ép tiền tệ. Xu hướng giảm của đồng USD đa phần được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế lớn nhất thế giới suy yếu. Mặt khác, Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Trong báo cáo dài 400 trang trình bày tại Ủy ban châu Âu (EC), cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi kêu gọi một khoản đầu tư khổng lồ trị giá 800 tỷ euro (hơn 883 tỷ USD) mỗi năm; nhấn mạnh EU cần phải thực hiện các bước mạnh mẽ để cải thiện năng suất và tăng trưởng kinh tế, điều đang khiến EU tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc.
Ban Tuyên giáo Trung ương