Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 11 năm 2024)

Thứ tư - 30/10/2024 12:09
Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 11 năm 2024) có các nội dung sau: Kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 và các hội nghị cấp cao liên quan; Tình hình xung đột tại Trung Đông; Kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; Một số diễn biến tình hình thế giới thời gian gần đây.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: TTXVN
 
1. Kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam
Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ ngày 30/9 - 7/10/2024).
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đồng thời thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ireland, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp và mong muốn nâng tầm, làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác phù hợp với tình hình mới và lợi ích của các nước.
Với lịch trình hoạt động dày đặc ở Mông Cổ, Ireland, Pháp, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn Việt Nam đã có gần 80 hoạt động phong phú, đa dạng trên cả bình diện song phương và đa phương. Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội các nước đã dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chân thành, nồng hậu và chu đáo với nhiều biệt lệ, cho thấy sự coi trọng cao và đặc biệt của các nước đối với vị thế, uy tín của Việt Nam; thể hiện sự tin cậy chính trị sâu sắc giữa Việt Nam với các nước và mong muốn cùng thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tạo nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với 3 nước, thể hiện qua việc thông qua 3 tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ, Đối tác chiến lược lĩnh vực giáo dục đại học Việt Nam - Ireland, nâng cấp quan hệ Việt Nam - Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện và ký kết 20 văn kiện, trong đó có 7 văn kiện hợp tác với Mông Cổ trong các lĩnh vực an ninh, tư pháp, giao thông vận tải, giáo dục và hợp tác địa phương, 3 văn kiện hợp tác với Ireland về giáo dục đại học, chuyển đổi hệ thống lương thực, kinh tế, thương mại và năng lượng; với Pháp, gần 10 văn kiện hợp tác giữa chính phủ, bộ, ngành, địa phương hai nước đã mở ra những cơ hội hợp tác hai nước trong nhiều lĩnh vực mới.
Đặc biệt, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thông báo mở Đại sứ quán Việt Nam tại Ireland sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng Việt Nam tại Ireland.
Tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương, trong đó có Pháp ngữ trong việc thúc đẩy hợp tác, ứng phó với các thách thức chung, cũng như tận dụng các cơ hội có được từ sự phát triển của khoa học, công nghệ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cùng lãnh đạo các nước Pháp ngữ thông qua “Tuyên bố Villers - Cotterêts” với cam kết mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững. Tại Hội nghị, Việt Nam được nhắc đến nhiều trong các thảo luận và được coi là hình mẫu phát triển trong Cộng đồng Pháp ngữ.
2. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 và các hội nghị cấp cao liên quan
Từ ngày 8-11/10/2024, dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch ASEAN 2024 Lào, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 - 45 và các hội nghị cấp cao liên quan với chủ đề “Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN” đã diễn ra tại Thủ đô Vientiane, Lào. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các hội nghị.
Hội nghị lần thứ 44-45 và các Hội nghị cấp cao liên quan diễn ra khi tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đạt kết quả tích cực, ghi nhận tỷ lệ thực hiện cao trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, đặc biệt là chính trị - an ninh đạt 99,6%. ASEAN duy trì đà tăng trưởng tích cực, tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn với tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp năm 2023 là 230 tỷ USD, đứng thứ hai sau Mỹ. Những kết quả trên góp phần củng cố nền tảng và tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN, hướng tới các mục tiêu về một Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm, gắn kết chặt chẽ, hợp tác sâu rộng hơn đến năm 2045.
Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh, hiện khu vực ASEAN và các khu vực khác trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, từ xung đột vũ trang cho đến những khó khăn về kinh tế - tài chính, biến đổi khí hậu và thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia… trong khi tình hình địa chính trị và địa kinh tế vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, ASEAN cần phải kiên định quyền tự chủ, thắt chặt hợp tác để đối phó với những thách thức một cách kịp thời và hiệu quả, đồng thời tận dụng hiệu quả mọi cơ hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, với việc Timor-Leste trở thành thành viên đầy đủ trong tương lai gần, ASEAN sẽ hội tụ tất cả các quốc gia Đông Nam Á, khẳng định mạnh mẽ sự đa dạng và tiềm năng to lớn của khu vực, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác mới với các đối tác.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự cảm kích trước những chia sẻ và sự ủng hộ của các nước ASEAN trong việc khắc phục hậu quả siêu bão Yagi gây ra ở các nước, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tình đoàn kết và tương thân tương ái tiếp tục là giá trị cốt lõi và cội nguồn sức mạnh của ASEAN. Với chủ đề ASEAN 2024 về “Thúc đẩy kết nối và tự cường”, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ASEAN cần lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá, và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để tiên phong dẫn dắt. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ các định hướng quan trọng cho ASEAN trong thời gian tới, đó là: (1) Tự cường và tự chủ chiến lược là nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động, vượt qua mọi thách thức. ASEAN cần giữ vững vai trò trung tâm, độc lập, cân bằng và ứng xử có nguyên tắc trong triển khai quan hệ đối ngoại, mở rộng và đa dạng hóa quan hệ với các đối tác trên cơ sở bảo đảm hiệu quả, thực chất và cùng có lợi; (2) Thúc đẩy kết nối bên trong kết hợp với kết nối bên ngoài, kết nối công - tư, kết nối đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là kết nối hạ tầng, thể chế và con người là đột phá chiến lược cho ASEAN; (3) Đổi mới sáng tạo là sức bật và động lực chính cho ASEAN bắt kịp, tiến cùng và vượt lên với khu vực và thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông báo, Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2025; khẳng định Việt Nam ủng hộ và phối hợp chặt chẽ cùng Malaysia trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025 tiếp tục đạt thành quả mới, đánh dấu 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho hợp tác ASEAN, đồng thời thể hiện sự hỗ trợ đặc biệt, thiết thực đối với Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024. Thông điệp chính của Việt Nam tại Hội nghị là khẳng định “thúc đẩy kết nối và tự cường” và dành ưu tiên cao nhất cho việc hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm; giữ vững lập trường, nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, các vấn đề quốc tế, khu vực.
3. Một số nét về tình hình kinh tế thế giới 9 tháng năm 2024
Căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở Ukraine và Trung Đông, gây thêm nhiều bất ổn và tác động tiêu cực đến lĩnh vực vận chuyển, các thị trường hàng hoá cơ bản và thị trường tài chính toàn cầu. Báo cáo về triển vọng kinh tế của OECD tháng 9/2024 nhận định, kinh tế toàn cầu đang bắt đầu ổn định nhờ thương mại mạnh mẽ và thu nhập thực tế được cải thiện. OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu là 3,2% cho cả năm 2024 và 2025, tăng nhẹ so với mức 3,1% vào năm 2023. Lãi suất cao hơn dự kiến và những bất ổn đang diễn ra liên quan đến thị trường năng lượng và chính sách biến đổi khí hậu tiếp tục là những rủi ro lớn đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Mỹ là nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào quá trình khởi sắc, Ấn Độ, Anh và Brazil sẽ tăng trưởng ở mức cao hơn kỳ vọng trước đó. Lạm phát toàn cầu đang có dấu hiệu giảm bớt. Lạm phát lõi ở các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025, tiến gần đến mục tiêu của các ngân hàng trung ương.
Chỉ số PMI sản xuất toàn cầu tháng 10/2024 cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục gặp khó khăn, cho thấy tình thế tăng trưởng kém vững chắc, thậm chí suy yếu ở nhiều khu vực, nguyên nhân chính do nhu cầu suy yếu và chi phí tăng cao. Những khu vực như châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục chịu sức ép nặng nề, trong khi một số quốc gia ở khu vực châu Á có triển vọng tích cực hơn.
Tháng 9/2024, dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ phản ánh những tín hiệu trái chiều về nền kinh tế. Lạm phát tiếp tục giảm, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng nhẹ 0,2%, chỉ số lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa thích, PCE lõi, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Fed. Chỉ số PMI dịch vụ cho thấy sự tăng trưởng chậm rãi nhưng ổn định, duy trì ở mức 51.5 điểm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, mức cao nhất trong nhiều năm, cho thấy khả năng tăng trưởng việc làm chậm lại.
Tại Châu Âu, nguy cơ suy thoái kinh tế đang gia tăng. Chỉ số PMI sản xuất khu vực Eurozone tháng 9 nằm dưới mức 50 (48.9), từ mức 51 điểm của tháng 8, đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 2 trượt xuống dưới mốc 50 điểm - ngưỡng phân cách giữa tăng trưởng và suy giảm, cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục suy giảm. Chỉ số CPI tháng 9 ở Đức chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái và thậm chí giảm 0,1% so với tháng trước. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày càng tin tưởng lạm phát sẽ giảm về mục tiêu 2%.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng khó khăn. Tháng 9/2024, Chỉ số PMI sản xuất tăng nhẹ lên 49,8 từ mức 49,1 vào tháng 8, cho thấy hoạt động của nhà máy chậm lại nhưng vẫn dưới ngưỡng 50 điểm. Trong khi đó, khu vực dịch vụ cho thấy sự sụt giảm mạnh hơn, với PMI dịch vụ giảm xuống 49,9, đánh dấu lần suy thoái đầu tiên kể từ tháng 12/2023, nguyên nhân do nhu cầu yếu hơn và sự gián đoạn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Doanh thu bán lẻ chỉ tăng 2,1% trong tháng 8 dù đây là tháng cao điểm du lịch mùa hè, giảm tốc từ mức tăng 2,7% của tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc trong tháng 8 tăng lên mức 5,3% (từ 5,2% của tháng 7), trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đang cao đáng báo động, ở mức 18,8%. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã đưa ra một số chính sách kích thích kinh tế mới nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024 và phục hồi các lĩnh vực quan trọng như bất động sản và thị trường tài chính.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, dự báo các điểm nóng xung đột chính trị, vũ trang tiếp tục leo lên một mức thang mới tại một số quốc gia, khu vực; thiên tai bất thường gây tác động tiêu cực, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề. Những bất ổn này dự báo làm tốc độ phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Dòng đầu tư quốc tế còn yếu do triển vọng tăng trưởng kinh tế chưa rõ rệt, xu hướng phân mảnh kinh tế, căng thẳng thương mại và địa chính trị, chính sách công nghiệp và đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang tái định hình các mô hình FDI. Châu Á vẫn là khu vực dẫn đầu về thu hút dòng vốn FDI, chiếm gần 50% tổng lượng vốn FDI toàn cầu năm 2023. Đặc biệt, nhóm các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên vẫn ghi nhận dòng vốn tăng trưởng năm thứ 3 liên tiếp, lên 226,3 tỷ USD năm 2023.
Hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu chưa có nhiều thay đổi. Chính sách tài khóa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng trung ương lớn như FED, ECB và BoE có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nếu tình trạng lạm phát được cải thiện. Chính sách tài khóa tại nhiều quốc gia có thể trở nên linh hoạt hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đối phó với các rủi ro vĩ mô, bao gồm các gói kích thích kinh tế và cải cách cơ cấu để nâng cao năng suất.
Với yếu tố này, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo là sẽ “hạ cánh an toàn”  nhờ sự lạc quan về bối cảnh tài chính, lạm phát có xu hướng giảm, cầu nội địa tại nhiều quốc gia phục hồi. Phần lớn các tổ chức nghiên cứu kinh tế lớn dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 ở mức tăng tương đương năm 2023.
4. Tình hình xung đột tại Trung Đông
Xung đột tại khu vực Trung Đông leo thang ngày càng rộng và khốc liệt. Đặc biệt là những xung đột, căng thẳng giữa Israel với Iran và lực lượng Hezbollah tại Li-băng. Quy mô và cường độ tấn công đáp trả giữa Israel và lực lượng Hamas, Hezbollah ở Li-băng và Yemen gia tăng. Những nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng tới nay vẫn bế tắc.
Căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đã leo thang lên mức độ nguy hiểm thời gian qua khi Israel tiến hành không kích khiến thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng đồng thời đưa binh sỹ vào miền Nam Liban. Sự kiện trên tiếp nối chuỗi các đợt tấn công của Israel nhằm vào Dải Gaza, Bờ Tây và Li-băng. Không chỉ tại Dải Gaza, Israel cũng tiếp tục tiến hành các cuộc không kích dữ dội vào Syria. Theo công bố của chính phủ Li-băng vào ngày 02/10, đã có hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương. Theo giới chức Libăng, xung đột đã khiến khoảng 1,2 triệu người ở nước này phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Hơn 400.000 người đã tìm nơi ẩn náu tại quốc gia láng giềng Syria. Đây là chiến dịch tấn công lớn nhất mà Israel thực hiện nhằm vào khu vực miền Nam Li-băng kể từ năm 2006.
Trước những hành động trên của Israel, Iran cho rằng đây là những hành động diệt chủng; khẳng định sẽ đoàn kết và hỗ trợ Li-băng, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả các hành động của Israel. Chính quyền Li-băng kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, cần có những động thái can thiệp mạnh mẽ hơn để giảm leo thang, giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Đồng thời, đề nghị các bên thực hiện nghiêm Nghị quyết 1701 năm 2006 về kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah và một số lực lượng dân quan Palestine tại đây, chỉ có quân đội của chính phủ Li-băng và lực lượng lâm thời Liên hợp quốc tại Li-băng (UNIFIL) được duy trì hiện diện quan sự tại miền Nam Li-băng.
Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh leo thang căng thẳng, khẩn trương đạt được lệnh ngừng bắn. Trong tuyên bố tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 8/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, Li-băng đang “trên bờ vực của cuộc chiến tranh toàn diện”. Nga và Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình, khẳng định ủng hộ lập trường của Li-băng và lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường. Đài phát thanh Israel Kan đưa tin, Mỹ đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với Israel để nước này không tấn công các mục tiêu của Iran nhằm tránh nguy cơ leo thang không kiểm soát được giữa hai quốc gia duy nhất có năng lực hạt nhân tại khu vực…
Theo các chuyên gia, những diễn biến tình hình khu vực Trung Đông đã khiến an ninh khu vực tiếp tục đối mặt với nguy cơ lan rộng; làm bùng phát làn sóng di cư, gây khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Đồng thời, làm gia tăng bất ổn về an ninh, an toàn, tác động đến thương mại, vận tải, logistics, giá dầu tại khu vực và toàn cầu.
5. Kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Ngày 27/9/2024, trong khuôn khổ Khoá họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam.
Phiên họp của Hội đồng Nhân quyền do Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Heidi Schroderus-Fox chủ trì. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt làm Trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Thuỵ Sĩ và đại diện một số bộ, ngành liên quan. Phiên họp thu hút sự quan tâm, đăng ký tham dự của khoảng 90 đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ (NGO) có quy chế tư vấn với Hội đồng - Kinh tế Xã hội Liên hiệp quốc (ECOSOC), trong đó có các tổ chức NGO của Việt Nam.
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã thông báo với Hội đồng Nhân quyền quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra tại Phiên đối thoại về báo cáo quốc gia vào tháng 5/2024, đạt tỷ lệ 84,7%, cao nhất trong 4 chu kỳ. Việt Nam tái khẳng định cam kết và chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và sự coi trọng đối với Cơ chế UPR và Hội đồng Nhân quyền. Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lập trường này được xây dựng trên cơ sở tiến hành xem xét, rà soát kỹ lưỡng các khuyến nghị với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan liên quan. Dự kiến một kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị này sẽ được xây dựng và triển khai với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan trên tinh thần đối thoại và hợp tác.
Thông tin cập nhật cho Hội đồng Nhân quyền về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam kể từ Phiên trình bày và đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam (tháng 5/2024), Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định, Việt Nam tiếp tục tăng cường khuôn khổ pháp luật về quyền con người, thông qua ban hành, sửa đổi một số văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Dù chịu tác động nặng nề của bão Yagi, đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục được dự báo tích cực và ổn định, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh là tiền đề vững chắc để bảo đảm quyền cho tất cả người dân. Bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương tiếp tục đạt được những bước tiến tích cực trong thời gian qua. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chia sẻ về chủ trương đặc xá 2024 cho hàng nghìn phạm nhân, tạo điều kiện để họ tái hoà nhập và đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc với những mất mát và thiệt hại sau bão tại Việt Nam đồng thời đánh giá cao sự tham gia nghiêm túc của Việt Nam trong toàn bộ tiến trình UPR, nhất là việc chấp thuận các khuyến nghị với tỉ lệ cao và xây dựng kế hoạch triển khai bài bản. Hoan nghênh những nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt đặt trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, các đại biểu ghi nhận các tiến bộ mọi mặt ở Việt Nam về hoàn thiện thể chế, pháp luật về quyền con người, phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới sáng tạo, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và quyền các nhóm dễ bị tổn thương. Nhiều nước khuyến khích Việt Nam phát huy kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong triển khai các khuyến nghị UPR. Một số tổ chức phi chính phủ nhấn mạnh đã được tạo điều kiện tham gia đóng góp vào tiến trình UPR ở Việt Nam, chia sẻ rằng thông qua tham gia UPR đã có nhiều đề xuất của mình được Chính phủ tiếp thu và triển khai trên thực tiễn, nhất là trong bảo đảm bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy phát triển bền vững.
Kết thúc phiên họp, Hội đồng Nhân quyền đã đồng thuận quyết định thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam, đánh dấu hoàn thành rà soát chu kỳ IV liên quan đến việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và bước sang giai đoạn thực hiện các khuyến nghị.
6. Một số diễn biến tình hình thế giới thời gian gần đây
- Đại hội đồng Liên hợp quốc (9/10) đã bầu 18 thành viên mới tham gia Hội đồng Nhân quyền, gồm 47 quốc gia thành viên, trong đó các ghế được phân bổ cho các nhóm khu vực để đảm bảo đại diện theo địa lý. Các quốc gia này sẽ có nhiệm kỳ kéo dài 3 năm, kể từ ngày 1/1/2025. Thông qua hình thức bỏ phiếu kín, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Benin, Bolivia, Colombia, Cộng hòa Cyprus, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Gambia, Iceland, Kenya, Quần đảo Marshall, Mexico, Bắc Macedonia, Qatar, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Thái Lan làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2025-2027.
- Liên quan đến việc lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 29/9/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Hành động nêu trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển. Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”.
Nhiều quốc gia như: Philippines, Liên minh Châu Âu (EU), Anh, Mỹ, Australia… đã bày tỏ quan ngại trước các thông tin về hành động nguy hiểm của tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam; kêu gọi việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, để đảm bảo hòa bình, ổn định và an toàn ở Biển Đông.
Ban Tuyên giáo Trung ương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây