1. Một số kết quả chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 và thăm chính thức Cộng hòa Chi-lê, Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cương
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile và Tổng thống Cộng hòa Peru, Chủ tịch nước Lương Cường dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima và thăm chính thức Cộng hòa Chi-lê, Cộng hòa Peru từ ngày 9-16/11/2024.
Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trên cương vị mới, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cả về song phương và đa phương. Về song phương, chuyến thăm góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, khai thác hiệu quả những dư địa hợp tác và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Chile, Peru, cũng như toàn khu vực Mỹ Latinh. Đồng thời, tạo những xung lực mới, đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Chile và quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Peru bước vào giai đoạn phát triển mới, năng động, thực chất, hiệu quả, đồng thời, khẳng định tâm thế mới, vai trò, vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Về đa phương, việc Chủ tịch nước Lương Cường tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực, tiếp tục củng cố vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu, nơi hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn APEC 2024 có chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”. “Trao quyền” là nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. “Bao trùm” là mọi người dân đều được tham gia và hưởng lợi từ quá trình đổi mới, chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế. Các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác APEC đều hướng đến “Tăng trưởng”, để APEC tiếp tục là đầu tàu và động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới. Các nội dung ưu tiên tập trung là: thương mại và đầu tư cho tăng trưởng toàn diện, kết nối; thương mại cởi mở, tự do và toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội, thúc đẩy kết nối, hòa nhập và đảm bảo tính bền vững lâu dài; đổi mới và số hóa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế; Tăng trưởng bền vững bao gồm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường an ninh lương thực để xây dựng khả năng phục hồi cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức khác.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024, Chủ tịch nước Lương Cường chia sẻ nhận định về tình hình thế giới và châu Á - Thái Bình Dương, qua đó nhấn mạnh, APEC cần xây dựng một hệ thống quản trị kinh tế quốc tế thuận lợi cho phát triển và góp phần giải quyết các yêu cầu lớn về bảo đảm môi trường quốc gia, người dân, có giải pháp căn cơ cho chuyển đổi xanh và bảo đảm các loại công nghệ đột phá. Cộng đồng doanh nghiệp có thể đóng góp hiệu quả trên một số mặt như: tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh, sản xuất; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tham gia tích cực vào quá trình định hình luật lệ, quy định cho các lĩnh vực mới và đóng vai trò cầu nối, gắn kết.
Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, Việt Nam kiên trì các nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt về độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới; tin tưởng vào giá trị của tự do thương mại, kết nối và hội nhập quốc tế; sẽ tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại trên tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trước những biến động của thế giới và những rủi ro về bảo hộ, phân mảnh, phân tách, Chủ tịch nước nhấn mạnh, APEC cần gánh vác trách nhiệm cầu nối, kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên để cùng xây dựng một hệ thống quản trị kinh tế quốc tế minh bạch, bình đẳng, bảo đảm lợi ích cân bằng cho tất cả các bên.
Phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội nghị đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của các lãnh đạo APEC và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Chile, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm chính thức với Tổng thống Chile Gabriel Boric Font, hội kiến và tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo cấp cao lãnh đạo các Đảng chính trị tại Chile. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Chile, một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Hai bên thông qua Tuyên bố chung nhằm là sâu sắc hơn nữa mối quan hệ toàn diện Việt Nam - Chile; ký kết một số văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, quốc phòng, hợp tác địa phương...; đồng thời thống nhất về việc tiếp tục thúc đẩy mở rộng hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trên những lĩnh vực có thể bổ trợ cho nhau như: bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, bền vững, chế biến nông sản, khai khoáng, đổi mới sáng tạo.
Trong chuyến thăm chính thức Peru, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm chính thức với với Tổng thống Dina Ercilia Boluarte Zegarra, hội kiến và tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Peru. Khẳng định Peru luôn là nước bạn bè gần gũi, đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng vai trò, vị thế của Peru và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trong thời gian tới. Hai bên thông qua Tuyên bố chung về việc tăng cường quan hệ song phương giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Peru; khẳng định ý chí của hai nước trong việc nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới và nhất trí bắt đầu thảo luận để sớm công bố chính thức việc này. Trong bối cảnh đó, hai bên đã trao đổi về ưu tiên mở Đại sứ quán Việt Nam thường trú tại Lima.
2. Kết quả chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Mianma - Việt Nam lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 8 (GMS 8) từ ngày 6-8/11/2024. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công lần thứ 10 (ACMECS 10), Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Mianma - Việt Nam lần thứ 11 (CLMV 11) từ ngày 6-8/11/2024. Đây là các hội nghị định kỳ của các cơ chế GMS, ACMECS và CLMV.
Tại các hội nghị, các nhà lãnh đạo, Trưởng đoàn các nước dự các hội nghị gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và lãnh đạo các tổ chức quốc tế đã xác định các phương hướng lớn cho hợp tác tiểu vùng: (1) Đặt hợp tác tiểu vùng Mekong vào dòng chảy phát triển của thế giới. Xác định tương lai của các nước Mekong gắn với năng lực đổi mới sáng tạo, cách mạng 4.0, tiến bộ khoa học - công nghệ, các Hội nghị khẳng định, hợp tác GMS, ACMECS và CLMV cần đặt trọng tâm vào chuyển đổi số, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các thành viên và xây dựng khuôn khổ chính sách phù hợp. Là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu cũng như xuất phát từ nhu cầu bảo vệ dòng sông chung Mekong quý giá, các nước tái khẳng định cam kết trong hợp tác về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, xây dựng các nền kinh tế xanh - tuần hoàn; (2) Tăng cường sức mạnh nội tại của các nền kinh tế. Với mục tiêu nâng cao tiềm lực và năng lực của các nền kinh tế, các khuôn khổ hợp tác GMS, ACMECS, CLMV cần ưu tiên thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, kết cấu hạ tầng cơ sở về giao thông, năng lượng và viễn thông, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, chú trọng tăng cường kết nối kinh tế nhằm mở rộng quy mô, tăng tính bổ trợ, hướng tới một tiểu vùng gắn kết và phát triển; (3) Củng cố đoàn kết và gắn kết giữa các nước thành viên để cùng ứng phó với những thách thức chung. Các nhà Lãnh đạo khẳng định quan hệ hợp tác hữu nghị, tình đoàn kết giữa các nước thành viên; nhất trí cùng nhau hiện thực hoá khát vọng chung, tầm nhìn chung về một tương lai tươi sáng với quyết tâm chung, tiếng nói chung và hành động chung. Đoàn kết và hợp tác mở rộng ra toàn ASEAN và với các đối tác phát triển khắp thế giới để tạo sự cộng hưởng sức mạnh và lan tỏa lợi ích.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh GMS 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ nhận định của mình về các bài học quý giá từ thành công của GMS; đồng thời đề xuất các hành lang kinh tế thế hệ mới với ba nội hàm chính: (1) hành lang của công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến kết nối đa chủ thể, đa lĩnh vực, đa giai đoạn; (2) hành lang của tăng trưởng kinh tế, vừa làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; (3) hành lang xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là động lực, là nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên và các đối tác phát triển để cùng xây dựng một tiểu vùng Mekong mở rộng đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển bền vững, thịnh vượng.
Tại Hội nghị ACMECS 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hợp tác ACMECS giai đoạn tới cần hội tụ tinh thần “05 chung”, đó là: khát vọng chung, tầm nhìn chung, quyết tâm chung, tiếng nói chung và hành động chung; đồng thời Thủ tướng đề xuất 6 nội dung để hợp tác ACMECS bứt phá trong giai đoạn tới.
Dự Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tạo đột phá cho hợp tác CLMV để bắt kịp, tiến cùng và vươn lên; đồng thời đề xuất phương châm “03 cùng” trong định hướng hợp tác CLMV trong thời gian tới, gồm: Cùng quyết tâm để hợp tác CLMV ngày càng hiệu quả, thực chất; Cùng xây dựng trọng tâm hợp tác phù hợp với xu thế mới và bổ trợ hiệu quả cho các cơ chế tiểu vùng Mekong khác; Cùng huy động nguồn lực với nội lực là cơ bản, lâu dài, quyết định và ngoại lực là quan trọng, đột phá cho phát triển.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại các hội nghị, đã chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mekong, tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới.
Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước tham dự các Hội nghị; đồng thời có các hoạt động song phương với Trung Quốc tại tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh. Tại các cuộc làm việc, hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc tiếp xúc triển khai cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, thúc đẩy quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, trong đó có các địa phương Trung Quốc phát triển ngày càng hiệu quả, thực chất, bền vững. Đặc biệt, nhất trí triển khai các dự án lớn, biểu tượng hợp tác mới của quan hệ Việt - Trung, trong đó có đẩy nhanh hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Trung Quốc khẳng định sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam; nhất trí tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy hợp tác xây dựng và duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định ở khu vực. Đặc biệt, hai bên nhất trí kiểm soát tốt bất đồng, không để ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước, đồng thời phối hợp chặt chẽ phát triển biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển.
3. Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và dư luận của cộng đồng quốc tế
Ngày 7/11/2024, Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ cho biết, tất cả 50 bang của Mỹ đã hoàn thành công tác kiểm phiếu và công bố kết quả chung cuộc với chiến thắng thuộc về ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump.
Theo công bố kết quả bầu cử, ông Donald Trump đã giành chiến thắng với 312 phiếu đại cử tri, trong khi ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris nhận được 226 phiếu đại cử tri. Theo luật định, một ứng cử viên cần nhận tối thiểu 270 phiếu trên tổng số 538 phiếu đại cử tri để đắc cử Tổng thống Mỹ. Về số phiếu phổ thông, ông Trump nhận được 72,9 triệu phiếu, bà Harris với 68,2 triệu phiếu. Đây là lần đầu tiên ông giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn các ứng cử viên đảng Dân chủ. Hiện nước Mỹ đã bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới. Tổng thống đắc cử Trump đã thiết lập một nhóm tiếp quản quyền lực để bắt đầu tiến trình chuyển giao kéo dài 75 ngày. Kết quả bỏ phiếu đại cử tri sẽ được công bố vào ngày 6/1/2025 và ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol ngày 20/1/2025, chính thức trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Nhiều nước đã chúc mừng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ với Mỹ. Đáng chú ý, ngày 8/11/2024, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã chúc mừng ông Donald Trump về chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ca ngợi ông Trump vì sự dũng cảm khi đối mặt với một kẻ tấn công có vũ trang và nói rằng Nga sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Donal Trump. Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên quan tâm và với những người có thể đóng góp vào việc giải quyết xung đột ở Ukraine. Trong bài phát biểu đêm 6/11/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chúc mừng chiến thắng của ông Trump, cho rằng kết quả bầu cử Mỹ là hoàn toàn thuyết phục. Ông Zelensky nhấn mạnh, đối với Ukraine, điều vô cùng quan trọng là “hòa bình thông qua sức mạnh”, đồng thời mong muốn điều này trở thành nguyên tắc trong chính sách của tân Tổng thống Hoa Kỳ.
Về đối ngoại, chiến thắng của ông Trump trước Phó Tổng thống Kamala Harris đặt ra những câu hỏi về chính sách hỗ trợ của Mỹ với Ukraine trong tương lai. Trong các tuyên bố tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố, ông có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ. Các nhà dự báo chính sách cho rằng, ông Trump nhiều khả năng sẽ cắt giảm sự hỗ trợ cho Ukraine trong nỗ lực nhằm nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột với Nga, tìm cách đảo ngược các chính sách của chính quyền Tổng thống Biden về chống biến đổi khí hậu và rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Với Trung Đông, nhiều khả năng ông Trump sẽ duy trì chính sách của chính quyền tiền nhiệm như gây sức ép đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vận động đạt được lệnh ngừng bắn, kêu gọi giải pháp hai nhà nước.
Sau khi ông Donald Trump tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, kinh tế thế giới lập tức đã có những chuyển biến. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng giảm thuế doanh nghiệp. Tỉ giá đồng USD đang có chiều hướng tăng và điều này dẫn tới giá dầu thế giới cũng như giá vàng thế giới có chiều hướng giảm do chịu sức ép từ việc tăng giá từ đồng USD. Tại thị trường châu Á và châu Âu, các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nghiệp đang lo ngại với chính sách thuế quan trong các tuyên bố cam kết của ông Trump khi vận động tranh cử. Cụ thể:
Về kinh tế, trọng tâm ưu tiên của ông Trump đối với các vấn đề thương mại quốc tế sẽ là chính sách thuế quan chứ không phải chính sách công nghệ. Ông Trump từng phát biểu đề xuất giảm thuế doanh nghiệp đối với sản xuất trong nước, miễn tính thuế với nhiều loại thu nhập và bãi bỏ cơ chế tín dụng thuế năng lượng xanh. Ông tuyên bố sẽ bù đắp những khoản cắt giảm đó nhờ thúc đẩy tăng trưởng và đánh thuế hàng nhập khẩu với mức thuế quan mới 10-20% đối với hầu hết hàng hóa nước ngoài và mức thuế cao hơn nhiều đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh sẽ giảm nhập cư bất hợp pháp, vốn là gánh nặng với nền kinh tế Mỹ. Trong dự báo vào tháng trước, IMF cho biết thuế quan, cùng với phần còn lại của chương trình nghị sự kinh tế của ông Trump, gồm việc thắt chặt các quy định về nhập cư, gia hạn cắt giảm thuế và tăng chi phí vay toàn cầu, sẽ khiến sản lượng kinh tế toàn cầu giảm 0,8% trong năm 2025 và 1,3% vào năm 2026.
4. Diễn biến tình hình bán đảo Triều Tiên
Tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng khi Triều Tiên tuyên bố đẩy mạnh năng lực hạt nhân, chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực. Hàn Quốc duy trì lập trường cứng rắng, tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gia tăng trong thời gian qua. Giữa tháng 10, Triều Tiên đã kích nổ mìn, phá hủy nhiều đoạn thuộc tuyến đường Gyeongui và Donghae nối liền với Hàn Quốc. Các tuyến đường là thành tựu của thời kỳ quan hệ hai bên giảm căng thẳng.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục tiếp diễn khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ngày 31/10, cho rằng binh sĩ Triều Tiên có mặt tại Nga và sẽ tham gia cuộc xung đột tại Ukraine. Trang Reuters dẫn lời ông Blinken, có khoảng 10.000 quân Triều Tiên đang ở Nga, trong đó có tới 8.000 quân ở vùng Kursk. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cáo buộc việc Nga hiện huấn luyện binh lính Triều Tiên về pháo, máy bay không người lái và các hoạt động bộ binh cơ bản, cho thấy họ “hoàn toàn có ý định” sử dụng lực lượng này trên chiến trường.
Ngày 1/11, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận nước này đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-19 một ngày trước đó và đã đạt được trạng thái “không thể đảo ngược” trong việc phát triển các phương tiện phóng vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Sean Savett nói rằng Mỹ lên án mạnh mẽ vụ phóng thử, gọi đây là hành vi vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol yêu cầu có các biện pháp nghiêm khắc để đối phó “sự khiêu khích” của Triều Tiên, đồng thời ban hành lệnh cấm xuất khẩu sang Bình Nhưỡng nguyên liệu để sản xuất tên lửa dùng nhiên liệu rắn.
Quân đội Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận không quân chung ở phía Nam Bán đảo Triều Tiên trong ngày 3/11 với sự tham gia của ít nhất một máy bay ném bom B-1B. Đây là cuộc tập trận không quân thứ hai giữa 3 bên trong năm nay và diễn ra ngay sau cuộc thử tên lửa của Triều Tiên.
Như một hành động đáp trả, Sách trắng trên do Viện Nghiên cứu Nhà nước kẻ thù của Triều Tiên biên soạn và được KCNA công bố vào ngày 3/11 đã chỉ trích những phát biểu của ông Yoon về chiến tranh, cho là “liều lĩnh, từ bỏ các yếu tố của một thỏa thuận liên Triều, tham gia việc lên kế hoạch chiến tranh hạt nhân với Mỹ và tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nhật Bản và NATO”; “Những động thái quân sự ngày càng tồi tệ của họ chỉ dẫn đến hậu quả mang tính nghịch lý là thúc đẩy (Triều Tiên) tích trữ vũ khí hạt nhân với tốc độ cấp số nhân và phát triển hơn nữa khả năng tấn công hạt nhân của mình”.
Có thể thấy là cuộc đối đầu giữa Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục leo thang mức độ quyết liệt. Sau khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ được công bố với chiến thắng thuộc về ứng cử viên đảng Cộng hòa Donal Trump, một số nhà phân tích đưa đưa ra dự đoán về khả năng diễn ra một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong nhiệm kỳ tới đây của ông Trump. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều xung đột, điểm nóng leo thang căng thẳng lên cấp độ mới cùng với việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên không còn là một mục tiêu có thể đạt được một cách thực tế, hội nghị giữa hai bên khó có thể xảy ra.
5. Một số diễn biến tình hình thế giới thời gian gần đây
- Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở Văn phòng đại diện tại Ukraine. Ông Patrick Turner, người đứng đầu Văn phòng đại diện của NATO ở thủ đô Kiev (Ukraine), ngày 5/11, đã đến Kiev để bắt đầu công việc và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov. Theo Thông cáo của NATO, ông Turner sẽ là điều phối viên hợp tác giữa NATO với chính quyền Ukraine. Ông sẽ điều phối các nỗ lực của NATO và cung cấp cho liên minh những đánh giá và khuyến nghị về tình hình ở Ukraine.
- Đức đang lâm vào tình trạng hỗn loạn chính trị do liên minh 3 đảng của chính quyền Thủ tướng Scholz bị tan rã, xuất phát từ việc ông cách chức Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, lãnh đạo của đảng FDP. Đảng FDP tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền và rút 3 bộ trưởng khỏi Nội các. Chính phủ liên minh ba bên đầu tiên trong lịch sử nước Đức đã sụp đổ sau một loạt bất đồng, đặc biệt là liên quan đến cách thức thúc đẩy nền kinh tế đang chững lại. Theo một kết quả thăm dò công bố ngày 8/11, khoảng 65% cử tri Đức mong muốn tiến hành bầu cử càng sớm càng tốt. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức đang gây thêm khó khăn cho ngành công nghiệp nước này. Tình hình càng trở nên căng thẳng sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, làm dấy lên lo ngại về hàng rào thuế quan đối với các nhà sản xuất châu Âu, và các căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang.
- Tổng thống Putin cảnh báo thách thức toàn cầu trong 20 năm tới; cảnh báo việc phương Tây kêu gọi giáng một đòn chiến lược vào Nga và vi phạm các thỏa thuận của mình bằng cách mở rộng sang phía Đông châu Âu có thể dẫn tới một thảm kịch toàn cầu. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng đề cập đến sự ra đời của một trật tự thế giới mới sau khi quá trình cạnh tranh diễn ra mà không thể hoà giải. Tổng thống Nga cho rằng, một trật tự thế giới đa cực mới nổi phải là trật tự không có bá quyền, không có quốc gia hay dân tộc nào thua thiệt. Với lí do trên, ông ca ngợi BRICS là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác thực sự mang tính xây dựng trong môi trường quốc tế mới. Tổng thống Putin chỉ ra, ngay cả trong số các thành viên NATO cũng có những nước quan tâm đến việc hợp tác chặt chẽ với BRICS.
Ban Tuyên giáo Trung ương