Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 3 năm 2025)

Thứ năm - 27/02/2025 16:26
Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 3 năm 2025) có những nội dung sau: Một số nét nổi bật về tình hình khu vực, thế giới trong tháng 1/2025; Một số nét về tình hình chính trị tại Mỹ; Cạnh tranh công nghệ trí tuệ nhân tạo; Nga - Iran ký thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; Một số sự kiện thế giới đáng chú ý.
Tổng thống Mỹ Donal Trump phát biểu nhậm chức ngày 20/1/2025. Ảnh: TL
Tổng thống Mỹ Donal Trump phát biểu nhậm chức ngày 20/1/2025. Ảnh: TL
 
1. Một số nét nổi bật về tình hình khu vực, thế giới trong tháng 1/2025
Tháng 1/2025, tình hình thế giới và khu vực xuất hiện một số diễn biến mới, đáng chú ý, tác động đến bối cảnh toàn cầu và quan hệ quốc tế. Trong đó nổi bật là sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn; dấu hiệu hòa dịu tại một số điểm nóng và kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan song phục hồi chậm.
Với việc Tổng thống Mỹ Donal Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2025, Chính phủ Mỹ ban hành một loạt chính sách mới về đối nội và đối ngoại. Trong đó, đáng chú ý là việc áp thuế đối với Canda, Mexico và Trung Quốc; rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế thế giới, tạm dừng viện trợ nước ngoài, áp đặt trừng phạt đối với ICC. Nhằm ứng phó với các điều chỉnh chính sách của Mỹ, các quốc gia cũng đã tăng cường điều chỉnh chính sách. Trung Quốc thúc đẩy quan hệ với các nước châu Phi khi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã có chuyến thăm một số nước ở khu vực này; ra mắt Trung tâm nghiên cứu Cộng đồng chung vận mệnh tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế cạnh tranh chiến lược và duy trì tiếp xúc cấp cao, hợp tác trên một số lĩnh vực mà hai bên có chung lợi ích.
Quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây chưa có dấu hiệu hòa hoãn. Mỹ và EU tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga. Trong khi đó, Nga tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn đối với vấn đề Ukraine. Để ứng phó với các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo điều chỉnh cơ cấu tăng trưởng kinh tế, nhấn mạnh trọng tâm phát triển nền kinh tế cung ứng nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, mở rộng cơ hội việc làm và nâng cao năng lực công nghiệp.
Tại châu Á, tình hình chính trị tại Hàn Quốc tiếp tục căng thẳng khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị cơ quan Điều tra Chống tham nhũng đối với quan chức cấp cao thi hành lệnh bắt giữ. Nhiều quan chức cấp cao của nước này cũng đệ đơn từ chức. Tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ xung quanh vấn đề thử tên lửa của Triều Tiên.
Khu vực Trung Đông có diễn biến mang tính bước ngoặt khi Israel và lực lượng Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 15/1/2025. Ngày 9/2/2025, quân đội Israel đã hoàn tất việc rút quân khỏi hành lang Netzarim trên một tuyến đường cao tốc quan trọng ở vùng lãnh thổ này theo thỏa thuận ngừng bắn đang diễn ra. Theo thỏa thuận ngừng bắn giai đoạn đầu kéo dài 6 tuần, hai bên đã tiến hành nhiều đợt trao trả con tin, nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo ở Gaza và cho phép người di tản được trở về nhà của họ ở phía Bắc. Hiện tại, các bên đang hướng đến việc đàm phán ngừng bắn giai đoạn 2, cho phép nhiều con tin sẽ được trả tự do hơn. Mặt khác, xung đột giữa Israel và Hezbollah tiếp tục diễn biến phức tạp với việc Israel duy trì không kích vào lực lược này.
Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục giằng co trên thực địa nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong đàm phán. Quyết định đóng băng chi tiêu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) trong 90 ngày từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra những tác động sâu rộng tại Ukraine. Tuy nhiên, ngày 6/2/2025, lực lượng Ukraine đã phát động một loạt tấn công mới vào khu vực Kursk, tiến vào sâu 5km phía sau các tuyến phòng thủ của Nga, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Sudzha. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi cuộc tấn công ở Kursk là “một hoạt động rất quan trọng” và khẳng định đây sẽ là quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán tương lai. Ngày 7/2/2025, Liên bang Nga thông báo đã giành quyền kiểm soát Toretsk, một thị trấn công nghiệp quan trọng ở miền Đông Ukraine, nơi đã trở thành tâm điểm của chiến sự trong suốt 6 tháng qua.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 được dự báo khả quan hơn so với năm 2024. Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng ở mức 2.8%, tuy nhiên cho rằng, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với rủi ro từ căng thẳng thương mại, xung đột địa chính trị, nợ công tăng cao và áp lực về nhân khẩu học. Xu hướng bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng khi nhiều quốc gia chuẩn bị nhiều biện pháp để ứng phó với khả năng bị áp thuế từ Mỹ. Các quốc gia đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, trong đó nổi bật là trí tuệ nhân tạo.
2. Một số nét về tình hình chính trị tại Mỹ
Ngày 20/1/2025, ông Donal Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Trong diễn văn nhậm chức, ông tuyên bố “kỷ nguyên vàng” của nước Mỹ đã bắt đầu và khẳng định “nước Mỹ sẽ sớm vĩ đại hơn, mạnh mẽ hơn và phi thường hơn bao giờ hết”. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng trong chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ, tác động sâu rộng đến trật tự thế giới và đời sống người dân Mỹ.
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là việc cải tổ chính phủ với sự tham gia của tỷ phú Elon Musk với vai trò là lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (Doge). Chính quyền Trump đã phong tỏa chi tiêu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và các chương trình liên bang khác, đồng thời hủy bỏ các chính sách về biến đổi khí hậu trước đây, đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Các chính sách đối nội của Mỹ tập trung tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước với việc bãi bỏ các hạn chế với các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch, bãi bỏ khoản trợ cấp cho xe điện, khởi động điều tra các hoạt động thương mại, tiền tệ. Bên cạnh đó là đẩy mạnh hoạt động về an ninh, quốc phòng, trong đó nổi bật là vấn đề người nhập cư trái phép. Chính phủ Mỹ đã bắt đầu đưa người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp từ Mỹ đến một cơ sở giam giữ quân sự tại Vịnh Guantanamo, sau khi ông Trump công bố kế hoạch mở rộng cơ sở giam giữ người di cư tại căn cứ hải quân Mỹ ở Cuba.
Về đối ngoại, chính quyền của Tổng thống Donal Trump triển khai nhiều biện pháp cứng rắn về đa phương với việc rút khỏi hàng loạt các tổ chức, thỏa thuận quốc tế. Nổi bật là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế thế giới, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ngày 6/2/2025, Tổng thống Donal Trump ký sắc lệnh hành pháp áp đặt trừng phạt đối với Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Sắc lệnh cáo buộc ICC “lạm quyền” và tham gia vào các hành động “vô căn cứ” nhằm vào Mỹ và đồng minh thân cận ở Trung Đông. Theo sắc lệnh, Mỹ đã quyết định đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh các quan chức, nhân viên của ICC và thành viên gia đình của họ, cùng với mọi đối tượng được cho là đã giúp đỡ các cuộc điều tra của tòa án.
Về song phương, Tổng thống Donal Trump tuyên bố tạm dừng viện trợ nước ngoài, tái đưa Cuba vào danh sách tài trợ khủng bố. Đặc biệt là tăng cường sức ép kinh tế lên các nước láng giềng bằng việc áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 4/2/2025 để đối phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia về fentanyl (một loại thuốc giảm đau gây nghiện) và dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Trong đó, sản phẩm năng lượng từ Canada chỉ chịu thuế 10%, nhưng mặt hàng năng lượng nhập khẩu từ Mexico sẽ bị áp mức thuế 25%.
Cùng với đó, Tổng thống Donal Trump tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế khẩn cấp quốc tế để ủng hộ các mức thuế này. Tổng thống Donal Trump cũng cam kết sẽ áp thêm thuế đối với mặt hàng năng lượng, chất bán dẫn và các mặt hàng nhập khẩu khác trong tương lai gần. Ngoài việc áp đặt thuế với Canada, Mexico và Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donal Trump còn để ngỏ khả năng sẽ áp thuế đối với các sản phẩm của Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai. Ngay sau khi bị Mỹ áp thuế, Tổng thống Mexico yêu cầu Bộ trưởng Kinh tế nước này triển khai “Kế hoạch B” bao gồm các biện pháp cả thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ lợi ích đất nước. Về phía Canada, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 1/2/2025 tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% lên hàng hóa Mỹ. Mặc dù vậy, sau đó Tổng thống Donal Trump đã quyết định hoãn kế hoạch áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada trong vòng 30 ngày, sau khi đạt được thỏa thuận về các biện pháp kiểm soát biên giới và phòng chống tội phạm với hai quốc gia láng giềng.
Về phía Trung Quốc, nước này đã ra các tuyên bố phản đối về việc áp thuế của Mỹ, nêu rõ cách làm đơn phương tăng thuế quan của Mỹ vi phạm nghiêm trọng quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phá vỡ sự hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 15% đối với than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời áp thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số dòng xe ô tô từ ngày 10/2/2025; đồng thời áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số khoáng sản quan trọng và đưa hai công ty của Mỹ vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy. Trung Quốc đã nộp đơn khiếu nại lên WTO.
Về một số điểm nóng xung đột trên thế giới: Đối với tình hình tại dải Gaza, Tổng thống Donal Trump tuyên bố Mỹ sẽ “tiếp quản” và “sở hữu” Gaza, đồng thời tái định cư người dân Palestine trong quá trình này. Ông Donal Trump đề xuất phát triển vùng lãnh thổ bị tàn phá sau 15 tháng chiến tranh giữa Israel và Hamas thành “Riviera của Trung Đông”. Phát biểu này của ông Donal Trump đã vấp phải sự chỉ trích, phản đối gay gắt từ phong trào Hồi giáo Hamas và hàng loạt nước trên thế giới. Đối với tình hình tại Ukraine, Tổng thống Donal Trump tuyên bố đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine; đồng thời, cho biết muốn tiếp cận các mỏ khoáng sản đất hiếm của Ukraine để đổi lấy viện trợ quân sự trong tương lai. Đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellogg cho biết, Tổng thống Donald Trump đã tập hợp toàn bộ nhóm cố vấn an ninh quốc gia và các thành viên nội các để thảo luận về việc sử dụng “mọi yếu tố của sức mạnh quốc gia” để chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Trước những động thái gần đây của chính quyền Mỹ, các chuyên gia cho rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donal Trump vẫn đang trong giai đoạn định hình và chưa có cách tiếp cận rõ ràng đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang tích cực tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán trong tương lai. 
3. Cạnh tranh công nghệ trí tuệ nhân tạo
Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đang ngày càng trở nên khốc liệt. Với sự ra đời của mô hình trí tuệ nhân tạo DeepSeek, tác động của khoa học - công nghệ tới mọi mặt của đời sống quốc tế đang trở nên mạnh mẽ hơn. 
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu bùng nổ và gây chú ý kể từ sau sự kiện ra mắt của ChatGPT vào cuối năm 2022, đưa Nvidia trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới về phát triển AI. DeepSeek là một công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc thành lập từ năm 2023; chỉ hơn 1 năm sau khi hình thành, DeepSeek đã ra mắt sản phẩm cốt lõi DeepSeek-R1 vào ngày 20/1/2025, gây sốc cho giới công nghệ toàn cầu khi giới thiệu các mô hình AI có hiệu suất ngang tầm những Chatbot hàng đầu thế giới, nhưng với chi phí phát triển thấp hơn nhiều. Chỉ trong thời gian đầu DeepSeek ra mắt, giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip NVIDIA lao dốc.
Sự xuất hiện của DeepSeek thách thức vị thế hàng đầu ngành công nghiệp AI của Mỹ, đồng thời làm suy yếu luận điểm có thể kiềm chế Trung Quốc bằng cách kiểm soát xuất khẩu của nước này. Các biện pháp kiểm soát này được coi như động lực giúp Trung Quốc đổi mới và tạo ra các mô hình tương đương nhưng với giá rẻ hơn. DeepSeek và mạng xã hội TikTok mang đến sự đột phá thực sự khi thu hút lượng lớn người dùng phương Tây. Sự xuất hiện của DeepSeek đã khởi động làn sóng ra mắt các mô hình AI của Trung Quốc, với tuyên bố rằng các sản phẩm của họ tương đương với các công ty Mỹ nhưng hiệu quả gấp nhiều lần, với chi phí tối ưu hơn. Điều này đã làm dấy lên vấn đề về việc thay đổi chiến thuật trong cạnh tranh công nghệ. Theo đó, các công ty công nghệ Mỹ phải xem xét lại chiến lược phát triển, thay vì đầu tư phần cứng là các con chip siêu tốc độ đắt đỏ thì cần phải chuyển sang tối ưu thuật toán để giảm chi phí. Ngoài ra, đó còn là tăng cường khả năng dễ tiếp cận và mở rộng cơ hội phát triển sang các quốc gia có tiềm năng.
Công nghệ của DeepSeek với các phần mềm mã nguồn mở tạo ra các giá trị mới đánh dấu một bước ngoặt lớn và có thể trở thành cơ hội quan trọng cho khu vực châu Á. Indonesia và Ấn Độ đã công bố hợp tác (thông qua AIonOS và Indosat) để thành lập trung tâm về AI, tận dụng các mô hình của DeepSeek. Cơ sở điện toán AI sắp tới của Ấn Độ sẽ sử dụng các mô hình DeepSeek trên các máy chủ cục bộ để giải quyết các mối lo ngại liên quan việc bị kiểm soát dữ liệu. Trong khi đó, theo bà Kat Duffy, thành viên của Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) của Mỹ, Mỹ đang phát triển AI theo cách tiếp cận riêng, không đáp ứng được nhu cầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Thành công vượt bậc của DeepSeek đã làm dấy lên nỗi lo ngại trong cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ. Nhiều chuyên gia cảnh báo sản phẩm AI của Trung Quốc có thể rẻ hơn và ngày càng vượt trội hơn, từ đó đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trong cuộc đua công nghệ tiên tiến. Một số cơ quan chính phủ ở nhiều quốc gia đã chặn hoặc đang xem xét chặn DeepSeek trên thiết bị của nhân viên chính phủ. Hầu hết các quốc gia và khu vực đưa ra lệnh cấm DeepSeek đều viện dẫn lý do rủi ro an ninh và thiếu minh bạch về dữ liệu người dùng. Ngày 30/1/2025, Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Italy (Garante) yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu của người dùng Italy trên DeepSeek do thiếu minh bạch về quyền riêng tư. Ngày 31/01/2025, Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) chặn DeepSeek khỏi hệ thống và thiết bị của nhân viên. Ngày 6/2/2025, tờ Wall Street Journal đưa tin các nghị sĩ Mỹ đang lên kế hoạch đưa ra dự luật cấm DeepSeek trên các thiết bị chính phủ. Ngày 6/2/2025, chính phủ Australia cấm DeepSeek trên tất cả thiết bị của nhân viên chính phủ, viện dẫn rủi ro an ninh. Ngày 7/2/2025, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tuyên bố tạm thời cấm DeepSeek trên thiết bị của nhân viên do lo ngại về an ninh.
Theo các chuyên gia, với sự ra đời của DeepSeek, cuộc đua AI không còn chỉ xoay quanh việc công ty hay quốc gia nào phát triển các mô hình tiên tiến nhất; mà ngày càng phụ thuộc vào việc ai khai thác AI hiệu quả nhất. 
4. Nga - Iran ký thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Với việc ký thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Nga -Iran đã đạt đến một cấp độ hợp tác mới, đồng thời góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hai nước.
Những năm gần đây, quan hệ Nga - Iran đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Nga ủng hộ Iran gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải). Vào tháng 12/2023, Iran đã ký Hiệp định thương mại tự do toàn diện với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), có hiệu lực năm 2025. Tháng 1/2024, Iran chính thức gia nhập BRICS, cùng Ai Cập, Ethiopia và UAE. Nga - Iran đang thảo luận kế hoạch xây dựng Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam - một tuyến đường thương mại xuyên lục địa mới nhằm nối Biển Baltic với Ấn Độ Dương. Tuyến đường dài 3.508 dặm, bao gồm hệ thống đường thủy, đường sắt và đường bộ, kéo dài từ thành phố Saint Petersburg đến Biển Caspi, từ đó đến thủ đô Tehran (Iran) rồi đến thành phố Mumbai (Ấn Độ), nhằm mục đích bảo vệ các liên kết thương mại giữa Nga và Iran khỏi sự can thiệp của phương Tây, cũng như thiết lập các liên kết mới với các thị trường ở châu Á. Hai bên đang thực hiện nhiều dự án chung như dự án hợp tác trên biển Caspian, dự án nhà máy điện nguyên tử… Iran cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba của Nga sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Với việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Nga và Iran nhất trí hỗ trợ hợp tác thương mại và kinh tế trong mọi lĩnh vực cùng quan tâm, hợp tác chặt chẽ trong việc tiến hành tập trận quân sự chung. Hai nước nhất trí hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, cũng như các thách thức, mối đe dọa khác. Bên cạnh đó, Nga và Iran cam kết sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt mà các nước thứ ba áp đặt cho hai nước và đảm bảo không áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương. Thay vào đó, hai nước cam kết nỗ lực giải quyết các xung đột thông qua biện pháp ngoại giao, dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc.
Phát biểu tại họp báo sau ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga rất coi trọng việc tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và láng giềng tốt đẹp với Iran, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và cân nhắc lợi ích của nhau. Theo ông Vladimir Putin, thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện Nga - Iran đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, nhằm tăng cường hợp tác song phương lâu dài trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư và nhân đạo, tạo ra các điều kiện cần thiết cho sự phát triển ổn định và bền vững của Nga và Iran. Về phần mình, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định, thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là về quan hệ thương mại và kinh tế.
Giới chuyên gia dự báo, Thỏa thuận này, cộng với sự xích lại gần nhau giữa Iran và Trung Quốc sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền nhằm hình thành mối liên kết chặt chẽ Iran - Nga - Trung Quốc và có thể là sự tham gia của cả Triều Tiên trong tương lai.
5. Một số sự kiện thế giới đáng chú ý
- Quy mô ngành trí tuệ nhân tạo của thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đạt 55 tỷ USD trong năm 2024: Ông Trương Hồng Đào, Phó Giám đốc Ủy ban Kinh tế và Công nghệ thông tin Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết, quy mô ngành trí tuệ nhân tạo (AI) của Thượng Hải đạt hơn 400 tỷ Nhân dân tệ (55 tỷ USD) trong năm 2024, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Để thúc đẩy ứng dụng AI trong các ngành nghề, Thượng Hải đã ban hành “Kế hoạch triển khai trí tuệ nhân tạo để định hình Thượng Hải” vào tháng 12/2024. Kế hoạch triển khai AI để định hình Thượng Hải gồm 22 biện pháp, trong đó tập trung vào các ngành như tài chính, sản xuất, giáo dục, y tế, du lịch văn hóa và quản trị đô thị, tạo điều kiện áp dụng rộng rãi công nghệ AI để cải thiện trình độ thông minh hóa và hiệu quả dịch vụ trong các ngành. Thượng Hải cũng có kế hoạch thu hút các nhóm và nhà khoa học đổi mới hàng đầu trong nước và quốc tế để phát triển mô hình lớn; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quản trị AI toàn cầu và định vị ngành công nghiệp AI của Thượng Hải trên trường quốc tế.
- Tổng thống Panama Jose Raul Mulino ra thông báo về việc nước này chính thức rút khỏi sáng kiến về cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc (6/2). Động thái trên được đưa ra sau khi Mỹ gây sức ép về việc giảm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kênh đào Panama. Dù rút khỏi BRI, Tổng thống Mulino tuyên bố, Panama sẽ không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và cho biết đã thông báo cho phía Trung quốc trước 90 ngày theo quy định về quyết định không gia hạn tham gia sáng kiến này. Đồng thời, Tổng thống Panama cũng phủ nhận cáo buộc trong các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donal Trump cho rằng Trung Quốc đang kiểm soát Cơ quan quản lý kênh đào Panama. Đồng thời, bác bỏ tuyên bố của Mỹ về việc nước này có một thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Donal Trump, trong đó có việc không thu phí các tàu của Mỹ đi qua kênh đào Panama.
- Pháp sẽ đầu tư 109 tỷ euro vào trí tuệ nhân tạo: Ngày 9/2/2025, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, Pháp sẽ "tăng tốc" trong nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) với khoản đầu tư lên tới 109 tỷ euro trong những năm tới. Quyết định này được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hành động về Trí tuệ nhân tạo diễn ra vào ngày 10 và 11/2 tại Paris. Khoản tiền này gồm có đầu tư tư nhân và nước ngoài. Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình France 2, Tổng thống Pháp cho rằng, nước Pháp cần nắm bắt được "kỷ nguyên tiến bộ mới" này để khẳng định khả năng và không bị phụ thuộc vào nước khác vì AI sẽ mang lại những khả năng thay đổi rất lớn để sống, học tập và được chăm sóc tốt hơn. Theo ông Emmanuel Macron, AI sẽ là những trợ lý đắc lực, chứ không thể thay thế được kỹ năng và công việc của con người. Thí dụ, về lĩnh vực y tế, việc sử dụng AI sẽ giúp phòng ngừa bệnh tốt hơn, phát hiện bệnh đơn giản hơn nhiều và điều trị chính xác hơn nhiều.
- Dịch cúm mùa 2024-2025 đang lan rộng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia trên thế giới, gây ra những lo ngại lớn về sức khỏe cộng đồng và tạo sức ép nặng nề lên hệ thống y tế toàn cầu. Từ châu Âu, nơi dịch cúm bùng phát mạnh mẽ tại Bỉ, cho đến Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ gia khác, số ca mắc cúm và tử vong tăng đột biến. Các quốc gia này đang vật lộn để kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu các tác động tiêu cực lên xã hội. Tại Mỹ, dịch cúm cũng đang ở mức báo động. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), đã có ít nhất 24 triệu ca mắc cúm và 13.000 ca tử vong. Tại Bỉ, tình hình dịch cúm mùa 2024-2025 rất nghiêm trọng, với số ca mắc bệnh gia tăng mạnh, làm hệ thống y tế rơi vào tình trạng báo động. Số lượt khám cúm trong tuần cuối tháng 1 đã tăng gấp đôi so với mùa trước, với tỷ lệ người đến khám lên tới mức kỷ lục 1.199/100.000 dân.
- Nga: Vaccine phòng ung thư có thể được cấp miễn phí cho bệnh nhân sau 2,5 năm nữa. Ngày 9/2/2025, Hãng tin TASS của Nga dẫn lời ông Andrey Kaprin, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu y khoa quốc gia Nga về ung thư cho biết, các bác sĩ Nga có thể bắt đầu điều trị bệnh nhân bằng vaccine mRNA được cá nhân hóa để điều trị ung thư sau 2,5 năm nữa, nhưng trước tiên các nghiên cứu trên người và thử nghiệm độc tính cần phải hoàn tất thành công. Ông Andrey Kaprin cho biết vaccine sẽ được tiêm miễn phí cho bệnh nhân. Theo ông, các tình nguyện viên đã được tuyển để tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine mRNA để điều trị ung thư. Trước đó, ông Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya thông tin, theo kế hoạch trình lên Bộ Y tế Nga, vaccine này dự kiến ​​sẽ được cấp phép sử dụng vào tháng 8 năm nay, để có thể bắt đầu tiêm cho bệnh nhân vào tháng 9 như một phần của thử nghiệm lâm sàng.
Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây