1. Chuyến thăm chính thức Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào. Kỳ họp được tổ chức tại thủ đô Vientiane, Lào từ ngày 9 - 10/1/2025.
Chuyến thăm nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ sâu sắc, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam. Đây cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong năm 2025. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển tích cực. Hai bên duy trì mối quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy và thường xuyên trao đổi các chuyến thăm. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại hai chiều trong 10 tháng năm 2024 đạt hơn 1,7 tỷ USD (tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023) và dự kiến đạt 2 tỷ USD trong năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao nhất của Lào; gặp các nguyên lãnh đạo cấp cao Lào; làm việc với lãnh đạo một số cơ quan của Lào và tham dự các sự kiện chung Việt Nam - Lào.
Đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhận thấy, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ quán triệt sâu sắc chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, cùng nỗ lực, quyết tâm cao của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương, hai nước đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các Thỏa thuận cấp cao, mang lại nhiều thành tựu trong hợp tác giữa hai bên. Hai bên nhất trí tăng cường thúc đẩy, đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn nữa, định hướng tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào; duy trì và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác; tổ chức có hiệu quả các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao với nhiều hình thức linh hoạt; cải tiến và nâng cao tính thiết thực, hiệu quả hợp tác ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương; hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện. Hai bên thống nhất tăng cường kết nối hai nền kinh tế và kết nối kinh tế giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại Việt Nam - Lào. Trong đó tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Chính phủ Lào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào.
Việt Nam và Lào tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tiếp tục thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2025 tăng từ 10 - 15% so với năm 2024, hướng tới sớm đạt kim ngạch 5 tỷ USD; thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông; coi nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Hai bên tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành 1.160 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào.
Hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước, gồm: Biên bản Kỳ họp lần thứ 47; Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam năm 2025; Hiệp định giữa hai Chính phủ về mua bán điện than; Kế hoạch hợp tác năm 2025 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
2. Tổng quan một số nét chính tình hình thế giới năm 2024
Năm 2024 chứng kiến nhiều biến động của tình hình thế giới. Xu thế hợp tác cùng phát triển trong quan hệ quốc tế đang gặp nhiều thách thức do bối cảnh xung đột, đối đầu gia tăng. Nhiều điểm nóng xung đột cũ tiếp tục diễn biến phức tạp, đồng thời, một số cuộc xung đột mới đã bùng nổ. Nền kinh tế thế giới trong năm 2024 bị chi phối sâu sắc bởi các cuộc xung đột và sự cạnh tranh của các cường quốc trên thế giới.
Cuộc xung đột tại dải Gaza tiếp tục kéo dài và mở rộng. Ngay từ đầu năm 2024, Israel đã tiến hành những cuộc không kích quy mô lớn vào Gaza, gây thương vong lớn cho thường dân và nhận phải sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Các chiến dịch do Israel triển khai đã lan rộng kéo theo sự tấn công đáp trả của Iran và lực lượng Hamas. Điều này đã khiến xung đột leo thang và gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại khu vực. Tính đến giữa năm 2024, chiến sự đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường ở dải Gaza và Liban. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về ngừng bắn liên tục thất bại, khiến tình hình ngày càng căng thẳng và phức tạp hơn. Người dân dải Gaza đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với hàng triệu người bị ảnh hưởng, thiếu thốn lương thực, thuốc và các dịch vụ y tế cơ bản. Các tổ chức quốc tế và các nước phương Tây liên tục kêu gọi chấm dứt bạo lực, nhưng dường như chưa tìm thấy giải pháp trong cuộc xung đột này.
Xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ ba liên tiếp. Việc Ukraine phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào vùng Kursk của Nga, nhằm mở rộng chiến dịch phản công và tạo sức ép đối với quân đội Nga, đã tác động lớn tới cuộc xung đột, gia tăng quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Chính quyền Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục viện trợ cả về tài chính lẫn vũ khí cho Ukraine, đồng thời, duy trì hơn 20 ngàn lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên tới đỉnh điểm khi Triều Tiên phá hủy các công trình biểu tượng cho sự hàn gắn hai miền và liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa. Hàn Quốc và Triều Tiên đã có những tuyên bố cho thấy khả năng hàn gắn mối quan hệ hai bên là rất thấp. Ngày 17/10/2024, Hội đồng Nhân dân Tối cao, tức Quốc hội Triều Tiên đã sửa đổi Hiến pháp, trong đó chỉ định Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”.
Năm 2024, tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục chu kỳ phục hồi. Lạm phát mặc dù đã hạ nhiệt từ mức 6% năm 2023 xuống còn 4,5%, nhưng tiến trình vẫn còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng yếu, đầu tư đình trệ và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức và Nhật Bản đang đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao cùng sự sụt giảm nhu cầu nội địa, khiến triển vọng tăng trưởng trở nên kém khả quan hơn. Những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn, nổi bật là Ấn Độ, các quốc gia ở Đông Nam Á và Bắc Phi với tốc độ trung bình trên 6%.
Năm 2024 là một trong những năm thế giới có nhiều cuộc bầu cử nhất từ trước đến nay và khủng hoảng chính trị cũng diễn ra tại nhiều quốc gia. Trong đó, thu hút sự quan tâm nhiều nhất là bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11/2024 với chiến thắng thuộc về ứng cử viên Donald Trump. Việc Tổng thống Donald Trump đắc cử cùng những tuyên bố gần đây làm dấy lên những lo ngại trên toàn cầu về thương mại, đầu tư và ngoại giao. Trong khi đó, các cuộc bầu cử ở châu Âu chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cánh hữu và các phong trào chủ nghĩa dân tộc, phản ánh sự thay đổi lớn trong bối cảnh chính trị của khu vực. Các quốc gia lớn như Pháp, Đức lâm vào tình trạng bất ổn chính trị nghiêm trọng.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ diễn tiến với sự tập trung phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ trong công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Hai cường quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc lẫn nhau cũng như tăng cường định hình vị thế dẫn đầu. Mặt khác, các nỗ lực hợp tác quốc tế cũng được thúc đẩy nhằm kiểm soát rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ. Nổi bật là ngày 21/3/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng hình thức đồng thuận một nghị quyết mang tính bước ngoặt về việc thúc đẩy các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) “an toàn, bảo mật và đáng tin cậy”.
3. Một số thành tựu đối ngoại nổi bật của Việt Nam trong năm 2024
Công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2024 đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt nhiều kết quả tích cực. Việt Nam tiếp tục là một “điểm sáng” hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á.
Đối ngoại cấp cao diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và đạt nhiều kết quả thực chất. Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tiến hành 60 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương; đón 25 đoàn Lãnh đạo các nước thăm Việt Nam. Các chuyến thăm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ được nâng cấp. Hơn 170 thỏa thuận hợp tác được ký kết, tạo thêm thế và lực cho đất nước tiếp tục phát triển, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong năm 2024, Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Malaysia và Pháp; nâng cấp Đối tác chiến lược với Brazil; thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Mông Cổ, UAE. Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Malawi, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước châu Phi, có quan hệ ngoại giao với 194 nước, tạo dựng khuôn khổ quan hệ với 32 đối tác hàng đầu, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, đưa hợp tác với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định và lâu dài. Trước những biến động lớn trên thế giới, công tác đối ngoại đã xử lý đúng đắn quan hệ với các đối tác, duy trì đường biên giới trên bộ hòa bình, ổn định và hợp tác, đạt được tiến triển trong đàm phán với các nước, thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Công tác ngoại giao kinh tế có nhiều đột phá, góp phần tạo thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước, đặc biệt là ngoại giao khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo (thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn như NVIDIA); lần đầu tiên Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Halal toàn quốc; ký CEPA với UAE, nâng tổng số FTA Việt Nam đã ký kết và tham gia lên 17 FTA, tích cực thúc đẩy đàm phán FTA với các thị trường tiềm năng như MERCOSUR, EFTA.
Ngoại giao đa phương tiếp tục được nâng tầm. Vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào việc giữ gìn hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Trong đó, Việt Nam lần đầu tiên đề xuất và tổ chức thành công Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF); lần đầu tiên được chọn đăng cai Lễ mở ký Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng trong năm 2025 (Công ước Hà Nội). Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực, chủ động trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, các cơ chế tiểu vùng Mekong; đồng thời phát huy vai trò và tiếng nói tích cực tại các diễn đàn quan trọng khác như BRICS, APEC, G20, các diễn đàn liên nghị viện (UPU, IPU, APPU). Tại các tổ chức mà Việt Nam đang đảm nhiệm các trọng trách như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và sáu trong số bảy cơ chế điều hành quan trọng của UNESCO, Việt Nam đã thể hiện năng lực đóng góp của mình, đưa ra nhiều sáng kiến được ủng hộ rộng rãi. Đồng thời sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình, an ninh mạng… ngày càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam chính thức công bố tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện tốt chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước với gần sáu triệu đồng bào, huy động nguồn lực cho phát triển với hàng nghìn dự án đầu tư và hàng chục tỷ USD kiều hối. Bảo hộ công dân tích cực bảo vệ an ninh, an toàn, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là tại các vùng chiến sự, thiên tai, mất ổn định, sơ tán hàng nghìn công dân về nước. Thông tin đối ngoại quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, thành tựu đổi mới của đất nước ra thế giới.
4. Một số dự báo tình hình quốc tế năm 2025
Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định “Thế giới đang trong giai đoạn thay đổi có tính thời đại. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ tạo ra sự bùng nổ về thông tin, văn hóa, nhận thức, hành động... thúc đẩy hình thành một trật tự thế giới mới” . Trong năm 2025, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều vấn đề của năm 2024 chưa được giải quyết ổn thỏa.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 ở mức 3,3%. Quỹ Tiền tệ quốc (IMF) dự báo là 3,2%. Riêng với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển xuống 4,8% trong năm 2025. Riêng khu vực Đông Nam Á dự báo mức tăng trưởng là 4,5%. Nguyên nhân chính là hiệu suất kém ở một số nền kinh tế và triển vọng tiêu dùng yếu. Dự báo rủi ro đáng kể nhất đối với thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ là chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Các cuộc chạy đua phát triển công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo dự báo sẽ tăng trong năm 2025. Liên hợp quốc tuyên bố năm 2025 là “Năm Quốc tế về Khoa học và Công nghệ Lượng tử (IYQ). Các cường quốc sẽ vừa tìm cách tận dụng các thành tựu công nghệ, vừa ngăn chặn sự phát triển công nghệ của các nước khác thông qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hay quản lý khoáng sản thiết yếu.
Cạnh tranh giữa các cường quốc và xu hướng tập hợp lực lượng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2025. Các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump dự báo sẽ mang đến những thay đổi sâu sắc không chỉ tại Mỹ mà còn đối với các mối quan hệ quốc tế, trong đó nổi bật là quan hệ với các nước đồng minh châu Âu. Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ đẩy cao chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Các cuộc xung đột dự báo vẫn tiếp diễn trong năm 2025. Xung đột Nga -Ukraine, chiến sự giữa Israel và các lực lượng Hồi giáo, nội chiến tại Syria… đang là các điểm nóng phức tạp trên thế giới. Tuy nhiên, các cuộc xung đột này có tìm được các giải pháp hòa bình hay không phụ thuộc vào diễn biến thực địa, tình hình nội bộ các bên tham chiến và áp lực từ cộng đồng quốc tế trong đó Mỹ có vai trò quan trọng.
5. Một số sự kiện thế giới đáng chú ý
- Khủng hoảng nhân đạo tại Sudan: Ngày 6/1/2025, Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) bày tỏ quan ngại về sự gia tăng mạnh mẽ tình trạng bạo lực với dân thường trong bối cảnh xung đột. Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, hơn 30 triệu người, trong đó hơn một nửa là trẻ em, đang cần viện trợ tại Sudan, đồng thời kêu gọi khoản hỗ trợ 4,2 tỷ USD từ cộng đồng quốc tế. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 06/01/2025, bà Edem Wosornu, quan chức của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) nhấn mạnh khủng hoảng nhân đạo ở Sudan đang ở mức nghiêm trọng, đe dọa tính mạng hàng triệu người, do đó, nhu cầu nhân đạo tại nước này đòi hỏi phải huy động sự hỗ trợ quốc tế chưa từng có. Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và nông nghiệp LHQ (FAO) Beth Bechdol hối thúc các quốc gia thành viên hành động nhiều hơn về mặt ngoại giao và tài chính. Bà Edem Wosornu đề nghị cộng đồng quốc tế cung cấp thực phẩm, nước, nơi trú ẩn, thuốc và hỗ trợ nông nghiệp cho các cộng đồng gặp khó khăn trong khu vực.
- Tình hình tại Triều Tiên: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên đăng tải bản tin xác nhận Tổng cục Tên lửa Triều Tiên đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa siêu thanh mới vào ngày 06/01/2024 tại một bãi phóng ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng. Đáng chú ý, với hệ thống đẩy của tên lửa siêu thanh mới này, Triều Tiên đã sử dụng vật liệu composite sợi carbon mới, đồng thời, tích hợp “phương pháp toàn diện và hiệu quả mới dựa trên các công nghệ đã tích lũy được” cho hệ thống điều khiển dẫn đường và bay. Triều Tiên khẳng định, việc phóng thử nghiệm không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến sự an toàn của các nước láng giềng.
- Tình hình chính trị tại Canada: Ngày 6/1/2025, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Tự do (LP) cầm quyền, nhưng sẽ vẫn tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu chính phủ. Uy tín của ông Justin bắt đầu giảm sút từ 2 năm qua do các vấn đề chi phí sinh hoạt tăng cao và thiếu hụt nhà ở.
Ban Tuyên giáo Trung ương