1. Nghị định số 155/2024/NĐ-CP, ngày 10/12/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn
Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Thực hiện không đúng phạm vi hoạt động dự báo, cảnh báo theo nội dung giấy phép; cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo cho đối tượng không đúng theo nội dung giấy phép; sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung giấy phép. Phạt tiền từ 25 đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có giấy phép; hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn khi giấy phép đã hết hạn từ 06 tháng trở lên. Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không tuân thủ quy định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện việc dự báo lưu lượng đến hồ, khả năng gia tăng mực nước hồ chứa theo quy định của pháp luật về an toàn đập, hồ chứa; ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn ba lần liên tiếp trong 01 tháng đối với mỗi loại bản tin không đủ độ tin cậy.
Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cố ý cung cấp sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; cố ý vi phạm quy định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mà không nêu rõ nguồn gốc bản tin. Hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có nguồn gốc bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi truyền, phát không đầy đủ nội dung bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn. Hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
2. Nghị định 164/2024/NĐ-CP, ngày 25/12/2024 quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra Công an nhân dân
Về chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân, Nghị định nêu rõ: Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra công an nhân dân giúp thủ trưởng công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra Công an nhân dân phân chia thành 2 nhóm: Cơ quan thanh tra công an nhân dân và cán bộ thanh tra chuyên trách, kiêm nhiệm. Cụ thể, cơ quan thanh tra công an nhân dân gồm: Thanh tra Bộ Công an; thanh tra công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công an huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và công an các đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên, bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách; công an các đơn vị có quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ, bố trí cán bộ thanh tra kiêm nhiệm. Số lượng cán bộ thanh tra chuyên trách, cán bộ thanh tra kiêm nhiệm tại các đơn vị do thủ trưởng đơn vị quyết định.
Ban Tuyên giáo Trung ương