THÔNG TIN NỘI BỘhttp://noibo.kiengiang.dcs.vn/uploads/logo-dang-chuan.jpg
Thứ năm - 27/03/2025 15:20
Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 4 năm 2025) có những nội dung sau: Kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và thăm chính thức Cộng hòa Singapore của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân; Tình hình thương mại toàn cầu thời gian gần đây; Một số diễn biến tình hình Ukraine gần đây; Một số diễn biến tình hình thế giới thời gian gần đây.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Prabowo Subianto duyệt đội danh dự tại Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Indonesia. Ảnh: Báo Chính phủ.
1. Kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và thăm chính thức Cộng hòa Singapore của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Từ ngày 09 - 13/3/2025, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) Prabowo Subianto, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Thủ tướng Cộng hòa Singapore, Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân Singapore (PAP) Lawrence Wong, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và thăm chính thức Cộng hòa Singapore. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia, 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore. Đây là chuyến thăm Indonesia, Ban Thư ký ASEAN và Singapore đầu tiên của đồng chí Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ với Indonesia; thông báo về tình hình mọi mặt của Việt Nam và cả đất nước đang nỗ lực bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn tin cậy chính trị giữa hai nước; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, sớm xây dựng Chương trình hành động để khai thác hiệu quả và nâng tầm hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng - an ninh; mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế, thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế, phấn đấu sớm đạt 18 tỉ USD kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng; khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư thuận lợi vào thị trường của nhau, nhất là trong các lĩnh vực mới[4]; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành, mở rộng hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, hướng tới việc xây dựng quan hệ đối tác số, kinh tế số, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới[5]; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo, du lịch, kết nối hàng không. Tổng Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, không tiến hành các hoạt động có thể làm leo thang căng thẳng, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trên Biển Đông; nhất trí kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Đặc biệt, Lãnh đạo hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Indonesia lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Việt Nam là Đối tác Chiến lược toàn diện đầu tiên của Indonesia trong ASEAN. Tại buổi gặp làm việc với Tổng thư ký ASEAN và Ủy ban Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp hết sức mình cho sự phát triển của ASEAN trong 30 năm qua vì những mục tiêu lớn lao của ASEAN. Sau cuộc làm việc với Tổng thư ký ASEAN, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và có bài phát biểu chính sách quan trọng. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định ASEAN là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển và hội nhập của Việt Nam. Chia sẻ về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại. Trong đó xác định ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp, quan trọng hàng đầu, Việt Nam sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các công việc chung của hiệp hội với phương châm sáng tạo trong tư duy, đổi mới trong tiếp cận, linh hoạt trong triển khai, hiệu quả trong cách làm và quyết liệt trong hành động. Tại Singapore, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Lawrence Wong; hội kiến Tổng thống Tharma Shamugaratnam, Chủ tịch Quốc hội Seah Kian Peng; tiếp Bộ trưởng cao cấp, Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia Singapore Teo Chee Hean; gặp nguyên Thủ tướng, Bộ trưởng cao cấp Lý Hiển Long; thăm Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) và có bài phát biểu chính sách mang tựa đề “Chính sách phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và cơ hội hợp tác Việt Nam - Singapore”… Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ Việt Nam - Singapore lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên cam kết tiếp tục củng cố và tăng cường hợp tác cùng có lợi, tin cậy chính trị, phối hợp giải quyết các thách thức chung hiện nay trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, hai nhà lãnh đạo nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan xây dựng kế hoạch hành động để triển khai. Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và thăm chính thức Cộng hòa Singapore đã thành công tốt đẹp, đạt được tất cả các mục tiêu đề ra ở mức độ cao. Việc nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia và Singapore đưa Việt Nam trở thành Đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Indonesia và Singapore trong ASEAN, qua đó tăng cường tin cậy chính trị, mở ra không gian hợp tác rộng lớn và sâu sắc hơn, góp phần vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của Hiệp hội, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Nhìn chung, dư luận khu vực và quốc tế đều đánh giá cao Chuyến thăm, khẳng định đây là bước tiến đáng kể trong quan hệ giữa Việt Nam với hai nước trong ASEAN, đồng thời cho thấy sự chủ động và sẵn sàng nâng cao vị thế của đất nước trong giai đoạn mới. 2. Tình hình thương mại toàn cầu thời gian gần đây Những tháng đầu năm 2025, tình hình thương mại thế giới liên tục biến động do sự điều chỉnh chính sách thuế quan của một loạt các quốc gia nhằm đáp trả lại các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donal Trump. Ngày 10/3/2025, chính sách thuế quan của Trung Quốc với một loạt mặt hàng nông sản Mỹ chính thức có hiệu lực. Đây là biện pháp trả đũa mới nhất của Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan bổ sung 20% với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, thuế quan nông sản từ 10 - 15% của Trung Quốc được áp dụng với một loạt mặt hàng gồm ngũ cốc, bông, nông sản tươi, thịt gà và thịt bò... nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, ngày 08/3/2025, Trung Quốc đã áp thuế quan với một loạt nông sản nhập khẩu từ Canada, có hiệu lực từ ngày 20/3/2025 để trả đũa việc quốc gia Bắc Mỹ áp thuế quan với xe điện và nhôm thép Trung Quốc từ tháng 10/2024. Ngày 11/3/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang đánh giá lại kế hoạch tăng gấp đôi thuế đối với thép và nhôm đối với Canada lên 50% sau động thái tích cực từ phía Canada. Động thái này được cho là sự hòa dịu sau khi tỉnh Ontario đã tuyên bố sẽ đình chỉ khoản phụ phí 25% đối với điện xuất khẩu sang Mỹ, được cho là tuyên bố trả đũa với việc áp thuế điện xuất khẩu sang Mỹ. Những tuyên bố căng thẳng giữa Mỹ và Canada gần đây đánh dấu sự leo thang mới nhất trong cạnh tranh thương mại giữa hai quốc gia láng giềng và đang có nguy cơ gây ra bất ổn tại thị trường chứng khoán của Mỹ. Chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm sau khi ông Trump tuyên bố sẽ tăng gấp đôi mức thuế đối với thép, nhôm của Canada vào đầu ngày 11/3. Trong đó, chỉ số S&P 500 giảm 0,45% lúc 14 giờ 53 chiều tại New York, trong khi chỉ số Dow Jones cũng đã giảm 0,4%. Các nhà quan sát nhận định, những đòn đáp trả qua lại ngày càng căng thẳng của các bên đã nhấn mạnh tính chất “không có quy luật”, khó lường của nước Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump. Vào những ngày đầu sau nhậm chức, Tổng thống Donal Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa của Canada và Mexico, sau đó quyết định trì hoãn động thái này trong 1 tháng. Khi thuế quan với Canada có hiệu lực, chỉ vài ngày sau, Tổng thống Donal Trump lại tuyên bố miễn thuế cho các sản phẩm được bảo hộ theo Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ sau khi thị trường sụt giảm và sự thúc giục của các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Trong một tuyên bố gần đây, Tổng thống Donal Trump cảnh báo sẽ áp mức thuế quan cao hơn với Hàn Quốc và có thể yêu cầu Hàn Quốc trả nhiều tiền hơn cho lực lượng Mỹ đồn trú tại nước này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng yêu cầu Hàn Quốc trả 5 tỷ USD cho việc chia sẻ chi phí quốc phòng, đe dọa sẽ rút quân nếu không đạt được thỏa thuận này. Ban đầu Hàn Quốc phản đối mức tăng này, nhưng cuối cùng đã đồng ý trả 1 tỷ USD theo thỏa thuận mới có hiệu lực từ năm 2026. Nếu việc này tiếp diễn tại nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donal Trump, trong bối cảnh tình hình khủng hoảng chính trị hiện tại, Hàn Quốc sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới. 3. Một số diễn biến tình hình Ukraine gần đây Ngày 24/02/2025 đánh dấu tròn ba năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cuộc chiến tiêu hao kéo dài đã gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Với những điều chỉnh trong chính sách gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donal Trump, tình hình tại Ukraine đang có những biến đổi sâu sắc. Kể từ đầu năm 2024, cuộc xung đột tại Ukraine đã chuyển sang thế giằng co. Mặc dù Nga có dấu hiệu chiếm ưu thế nhưng vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn cục diện. Theo số liệu, quân đội Nga hiện kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine. Trong năm 2024, Nga mở rộng thêm được hơn 2000 km2, chiếm chưa đến 1% diện tích Ukraine. Đáng chú ý, quân đội Nga vẫn chưa giành lại được phần lãnh thổ tại Kursk mà Ukraine kiểm soát từ tháng 8/2024. Việc xung đột kéo dài đã gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Liên hợp quốc ước tính đã có hơn 11.700 người tử vong và hơn 24.600 người khác bị thương, cùng nhiều binh sĩ Nga, Ukraine tử trận hoặc bị thương trong xung đột. Bộ Quốc phòng Nga công bố số liệu ghi nhận trong cả năm 2024, quân đội Ukraine đã mất 593.410 binh sỹ trong chiến đấu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận con số thương vong của Ukraine trong cuộc chiến kéo dài gần 3 năm với Nga là hơn 45.000 người thiệt mạng và 390.000 người bị thương. Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 29/01 thông báo trên Facebook rằng 834.670 quân nhân Nga đã bị thương vong ở Ukraine trong khoảng thời gian từ ngày 24/02/2022 đến ngày 29/01/2025. Điều kiện để đàm phán hòa bình vấn đề Ukraine vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trong đó, thách thức lớn nhất trong quá trình đàm phán là sự khác biệt về điều kiện giữa hai bên. Ukraine yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ của mình, bao gồm cả Crimea, trong khi Nga lại yêu cầu Ukraine phải công nhận chủ quyền của họ đối với các vùng lãnh thổ đã sáp nhập và cam kết trung lập, không gia nhập NATO. Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh công khai ủng hộ Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga. Trong đó, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số người dân Ukraine ủng hộ đàm phán, mặc dù một bộ phận đáng kể phản đối nhượng bộ lãnh thổ. Kể từ khi tái đắc cử, Tổng thống Trump liên tục đưa ra tín hiệu cải thiện quan hệ với Nga, từ việc xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt năng lượng đến từ chối đảm bảo an ninh cho Nga. Đồng thời, liên tục có những trao đổi, đàm phán với cả hai bên để thúc đẩy một giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine. Trong đó, nổi bật là cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin vào ngày 12/02. Theo đó, hai bên nhất trí sẽ cử các nhóm bắt đầu đàm phán lập tức, khởi đầu bằng việc gọi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thông báo về cuộc điện đàm này. Ngày 11/3/2025, tại cuộc đàm phán Ukraine - Mỹ tại thành phố Jeddah (Saudi Arabia) hai bên đã ra Tuyên bố chung. Theo văn bản đăng trên trang web của Tổng thống Ukraine, Nga khẳng định sẵn sàng chấp nhận đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày mà Mỹ đưa ra tại cuộc gặp. Theo đó, lệnh ngừng bắn này có thể được gia hạn theo thỏa thuận chung của các bên, với điều kiện phía Nga chấp nhận và thực hiện đồng thời. Hai bên nhất trí chỉ định các nhóm đàm phán và bắt đầu đàm phán để đạt được hòa bình bền vững. Mỹ cam kết thảo luận các đề xuất cụ thể này với đại diện của Nga. Phái đoàn Ukraine một lần nữa nhấn mạnh, các đối tác châu Âu phải tham gia vào tiến trình hòa bình. Cũng theo tuyên bố chung sau cuộc gặp, tổng thống hai nước nhất trí sẽ ký kết sớm nhất có thể một thỏa thuận toàn diện về khai thác tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất của Ukraine nhằm củng cố nền kinh tế và đảm bảo thịnh vượng và an ninh lâu dài cho Ukraine. Đồng thời, Mỹ cũng thông báo sẽ nối lại viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine mà trước đó đã đình lại sau một tranh cãi căng thẳng và công khai giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào ngày 28/02/2025. Tuy nhiên, vài giờ sau cuộc đàm phàn, Nga đã triển khai cuộc không kích để đáp trả cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Ukraine vào Moskva (Nga) đêm ngày 11/3. Đánh giá động cơ cuộc tấn công của Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, hiện vẫn chưa có cuộc đàm phán nào giữa Nga và Ukraine nên không thể nói đến việc cản trở đàm phán. Cũng theo ông Peskov, xu hướng đàm phán giữa hai bên có thể bị ảnh hưởng đáng kể. 4. Một số diễn biến tình hình thế giới thời gian gần đây - Ngày 19/02/2025, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động mới nhằm ổn định đầu tư nước ngoài, với 20 biện pháp cụ thể ở 4 khía cạnh. Kế hoạch hành động hướng đến khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư vốn cổ phần vào Trung Quốc, đồng thời hướng dòng vốn nước ngoài chất lượng cao vào đầu tư dài hạn ở các công ty niêm yết công khai của Trung Quốc. Tờ Global Times (Trung Quốc) đưa tin, theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ cho phép các công ty đầu tư nước ngoài sử dụng khoản vay trong nước cho đầu tư vốn cổ phần bằng cách loại bỏ các hạn chế, khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia thành lập công ty đầu tư, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua bán và sáp nhập tại Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đã xuất hiện dấu hiệu cải thiện. Theo dữ liệu của MOFCOM, vào tháng 1, mức sử dụng thực tế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đạt 97,59 tỷ Nhân dân tệ (13,4 tỷ USD), giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 27,5% so với tháng 12/2024. - Liên minh châu Âu xây dựng chiến lược “6 trụ cột” để hỗ trợ ngành sản xuất nội khối, gồm: Giảm giá năng lượng, tạo ra nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, đảm bảo tiếp cận nguyên liệu quan trọng, phát triển quan hệ đối tác toàn cầu và đào tạo lại nhân lực. Mục tiêu đặt ra của kế hoạch trên là: “Tạo động lực kinh doanh mạnh mẽ hơn cho ngành công nghiệp châu Âu để đầu tư vào các dự án trung hòa carbon trong lĩnh vực công nghiệp nặng và công nghệ sạch”. Nhấn mạnh đến các biện pháp kích cầu đối với hàng hóa thân thiện với môi trường có xuất xứ “Sản xuất tại châu Âu” (Made in Europe), đồng thời tái khẳng định mục tiêu sản xuất 40% các thiết bị công nghệ sạch quan trọng ngay tại khu vực. - Theo nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Cục Khí tượng Kenya (KMD), Đại học Liên hợp quốc và các tổ chức khác thực hiện và công bố, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tình trạng hạn hán kéo dài, trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, khan hiếm nước và gián đoạn sinh kế trong khu vực, nhất là vùng Sừng châu Phi. Từ tháng 10/2020 đến đầu năm 2023, khu vực Đông Phi đã trải qua 5 mùa mưa liên tiếp không có mưa, dẫn đến tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ. Đợt khô hạn kéo dài này đã gây mất mùa, gia súc chết hàng loạt, thiếu nước và xung đột, buộc khoảng 4,3 triệu người dân trong khu vực cần đến viện trợ nhân đạo.