1. Một số kết quả chuyến thăm Singapore và Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Từ ngày 1-7/12/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Singapore và Nhật Bản.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội kiến Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Singapore Seah Kian Peng. Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo hai nước khẳng định quan hệ Việt Nam -Singapore không ngừng phát triển, đạt nhiều dấu mốc quan trọng trên tất cả các lĩnh vực; nhất trí thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, sớm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới; đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước về hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; triển khai các hoạt động hợp tác giữa các ủy ban, cơ quan của Quốc hội, giữa các nghị sỹ hai nước. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phía Singapore quan tâm, có các chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam và người Việt Nam tại Singapore sinh sống, làm việc và học tập thuận lợi, góp phần phát triển quan hệ hai nước cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Singapore.
Trong trao đổi, tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí tăng cường trao đổi, tiếp xúc giữa các nghị sĩ, nhất là nghị sỹ trẻ và nữ nghị sỹ của hai nước; phát huy hơn nữa vai trò cầu nối quan trọng của Liên minh Nghị sỹ hữu nghị trong việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác doanh nghiệp và hợp tác giữa các địa phương; tiếp tục thúc đẩy trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Ủy ban chuyên môn; phối hợp hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác, đầu tư tại mỗi nước. Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Sekiguchi Masakazu đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp lên tầm cao mới trong những năm tới. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Nhật Bản tiếp tục triển khai hiệu quả vốn ODA thế hệ mới có tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam, đồng thời khẳng định Quốc hội Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Kết quả chuyến thăm chính thức Singapore và Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trên kênh nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Singapore, Nghị viện Nhật Bản đi vào thực chất và bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore, cụ thể hóa nội hàm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam với Singapore, Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.
2. Về tình hình Syria thời gian gần đây
Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2024, tình hình xung đột tại Syria liên tục leo thang. Ngày 8/12/2024, phiến quân Syria đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sau một cuộc tấn công chớp nhoáng chỉ kéo dài hai tuần.
Vào cuối tháng 11, các nhóm phiến quân, dẫn đầu bởi Hayat Tahrir al-Sham (HTS), đã mở rộng tấn công, giành quyền kiểm soát một số khu vực tại Aleppo và tỉnh Idlib, Syria. Tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống lại Chính quyền Syria. Tình hình trở nên căng thẳng khi các nhóm phiến quân tiếp tục tiến sâu vào khu vực này. Nga và Iran đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ quân sự và ngoại giao để duy trì quyền kiểm soát của chính phủ của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, dưới tác động của cuộc xung đột Ukraine cũng như tình hình xung đột tại dải Gaza, tình hình tại Syria liên tục diễn biến xấu. Tổng thống Bashar al-Assad bị liên minh các lực lượng đối lập Hồi giáo lật đổ. Ông Assad rời bỏ đất nước và sang tị nạn tại Nga sau khi nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) tiến hành tấn công chớp nhoáng, giành thắng lợi nhanh chóng trước quân đội Syria.
Diễn biến ở Syria khiến các nước Ả Rập bất ngờ và làm dấy lên lo ngại về làn sóng bất ổn mới trong khu vực. Ngoại trưởng của 5 quốc gia Ả Rập bao gồm Ai Cập, Qatar, Jordan, Iraq và Saudi Arabia, và những người đồng cấp Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ngày 07/12/2024 đã có cuộc họp tại Doha (Qatar) nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Trong bối cảnh lực lượng đối lập Syria giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, nhiều quốc gia cho biết đang theo dõi sát tình hình nước này. Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tại Syria, đồng thời cho biết đang theo dõi sát các diễn biến tại Trung Đông. Nga hối thúc tất cả các bên kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến chuyển giao quyền lực thông qua các biện pháp hòa bình. Trung Quốc bày tỏ hi vọng tình hình tại Syria sớm ổn định trở lại, đồng thời tích cực hỗ trợ những công dân Trung Quốc có nguyện vọng rời khỏi Syria được an toàn và duy trì liên lạc với các công dân vẫn ở lại đất nước này. Ngày 9/12/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu nhấn mạnh Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện nay và nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ hợp tác với tất cả các nhóm Syria, bao gồm cả trong quá trình do Liên hợp quốc dẫn đầu, để thiết lập một quá trình chuyển đổi từ chính quyền Assad sang một Syria độc lập, có chủ quyền và một hiến pháp mới. Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng cần nhiều nỗ lực tại Syria để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực trật tự sau 14 năm nội chiến.
Ngày 9/12/2024, Quốc hội Syria ra tuyên bố ủng hộ nguyện vọng của người dân về việc xây dựng một đất nước mới. Đến ngày 10/12/2024, Israel đã phát động một chiến dịch không kích quy mô lớn, nhằm vào các mục tiêu quân sự trên khắp Syria. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định các cuộc không kích nhằm tiêu diệt năng lực quân sự còn lại của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và ngăn chặn việc vũ khí rơi vào tay các phần tử khủng bố. Diễn biến tình hình tại Syria là đột biến mới nhất về chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông, tác động mãnh mẽ đến chiều hướng xung đột tại khu vực này.
3. Về tình hình chính trị tại Hàn Quốc
Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ trong bối cảnh các cuộc biểu tình, tụ họp đang lan rộng trên cả nước nhằm kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức sau quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật đêm 3/12 và sau đó được dỡ bỏ vào rạng sáng 4/12/2024.
Trong phát biểu gây bất ngờ trên truyền hình vào tối ngày 3/12/2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập “có các hoạt động chống nhà nước và âm mưu nổi loạn”. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980, Hàn Quốc áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, rạng sáng 4/12, chỉ vài giờ sau khi lệnh được ban bố, Quốc hội Hàn Quốc đã tổ chức phiên họp khẩn cấp với tỷ lệ đồng thuận 100%, thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ lệnh thiết quân luật. Sự kiện này đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này.
Ngày 5/12/2024, đảng Dân chủ (DP), lực lượng đối lập chính ở Hàn Quốc cho biết họ đang thúc đẩy việc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol về việc tuyên bố thiết quân luật vừa qua. DP và 5 đảng đối lập khác đã đệ trình việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol với lập luận rằng tuyên bố thiết quân luật của Yoon cấu thành hành vi vi phạm Hiến pháp và các luật khác. Đề xuất luận tội trên do 191 nhà lập pháp đối lập đưa ra. Trước đó, ngày 12/10/2024, Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật bổ nhiệm công tố viên đặc biệt thường trực để điều tra các cáo buộc hành vi của Tổng thống Yoon Suk-yeol liên quan đến nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành. Các chuyên gia đánh giá, quyết định của Tổng thống Yoon không chỉ là một sự cố đơn lẻ, mà có thể là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Đồng thời, sự bất ổn chính trị sẽ làm tổn hại đến lòng tin của Hoa Kỳ đối với Hàn quốc như một đối tác liên minh, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Donal Trump sẽ chính thức lên nắm quyền vào tháng 1/2024.
Tình hình kinh tế Hàn Quốc cũng đã phải gánh chịu những tác động khi tỉ giá đồng won Hàn Quốc so với đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng lao dốc trong phiên giao dịch ngày 09/12/2024, với chỉ số KOSPI giảm 2,78%, tương đương 67,58 điểm, xuống còn 2.360,58 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023.
Trước những lo ngại từ các diễn biến gần đây, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã gửi thông báo đến các phái đoàn ngoại giao tại Seoul, khẳng định tình hình an ninh trong nước vẫn ổn định; sự kiện xảy ra đêm ngày 3/12/2024 không gây ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch, kinh doanh hay cuộc sống của người dân. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng mong muốn các phái đoàn ngoại giao chia sẻ thông tin này đến các quốc gia, tránh những biện pháp phòng ngừa quá mức có thể tác động đến hoạt động kinh tế và du lịch tại quốc gia này. Đồng thời, khẳng định Hàn Quốc quyết tâm duy trì môi trường an toàn, ổn định để đảm bảo cuộc sống người dân và các hoạt động quốc tế không bị gián đoạn.
4. Về cuộc khủng hoảng trên chính trường Pháp
Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã bị buộc phải từ chức sau khi các nghị sĩ cánh hữu và cánh tả thống nhất bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại ông. Việc chính phủ Pháp sụp đổ đã đẩy nước Pháp vào tình trạng bất ổn sâu sắc hơn nữa, đồng thời tạo ra khoảng trống quyền lực ở châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Đức đang trong giai đoạn bầu cử và Mỹ chuẩn bị cho sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ngày 4/12/2024, đa số đại biểu trong Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu tán thành kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ, buộc Thủ tướng Michel Barnier phải từ chức. Với sự ủng hộ của các đại biểu thuộc đảng Tập hợp Quốc gia (RN), bản kiến nghị của liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) đã nhận được 331 phiếu bầu, vượt xa con số 288 cần thiết để được thông qua.
NFP đưa ra kiến nghị sau khi Thủ tướng Michel Barnier kích hoạt điều khoản 49.3 trong Hiến pháp để thông qua dự thảo Ngân sách An sinh xã hội năm 2025 mà không cần bỏ phiếu tại quốc hội. Động thái của cánh tả đã nhận được sự ủng hộ của đảng cực hữu RN - đảng cũng đưa ra một kiến nghị tương tự. Như vậy, phe cực hữu đã có sự thay đổi về lập trường: từ tuyên bố sẽ “để cho chính phủ tồn tại trong một năm” đến việc tán thành kiến nghị bất tín nhiệm của cánh tả lật đổ bộ máy hành pháp này chỉ sau gần 3 tháng.
Như vậy, Thủ tướng Barnier đã trở thành thủ tướng Pháp đầu tiên bị buộc phải từ chức bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962. Ông Michel Barnier cũng trở thành Thủ tướng có thời gian cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp, với chỉ 3 tháng tại nhiệm. Đây là một bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử chính trị hiện đại của Pháp. Sự việc đã khiến uy tín lãnh đạo của Tổng thống Emmanuel Macron thêm sụt giảm và đối mặt với sức ép lớn ngày càng lớn.
Theo các chuyên gia, với việc chính phủ sụp đổ, gần như chắc chắn rằng nước Pháp sẽ bắt đầu năm 2025 mà không có ngân sách mới. Việc thiếu ngân sách sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực giải quyết nợ mà Pháp đã cam kết với Liên minh châu Âu (EU). Bị đưa vào diện áp dụng thủ tục thâm hụt quá mức, nếu không tuân thủ cam kết, Pháp sẽ phải nộp mức phạt lên tới 0,05%.
Việc không sớm tìm được lối thoát chính trị cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Pháp. Bất ổn chính trị kéo dài kể từ khi giải tán quốc hội đã gây tâm lý lo lắng tiềm ẩn trong giới đầu tư, làm gia tăng khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Pháp - hiện đã vượt quá 80 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ năm 2012. Chi phí nợ của Pháp vốn đã rất cao có thể sẽ tiếp tục tăng thêm, khiến Pháp phải đi vay với giá cao, thậm chí gần bằng với Hy Lạp.
Cơ quan quan sát Tình hình kinh tế Pháp (OFCE) đã định lượng thiệt hại do bất ổn chính trị gây ra cho nền kinh tế Pháp ở mức 0,2 điểm GDP vào năm 2025, khiến dự báo tăng trưởng của nước này bị hạn chế ở mức 0,8% trong năm tới. Các doanh nghiệp sẽ giảm tốc độ đầu tư, và tăng trưởng có thể giảm xuống còn 0,5% trong năm 2025. Trong khi đó, các đảng cánh tả và cực hữu sẽ tranh thủ cơ hội này để phát động các cuộc biểu tình, tuần hành, đình công nhằm phản đối chính quyền Tổng thống Macron, đẩy nước Pháp vào một thời kỳ bất ổn mới, căng thẳng xã hội tiếp tục leo thang.
Các chuyên gia cho rằng, sự sụp đổ của chính phủ Pháp sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ và tác động nghiêm trọng tới tình hình chính trị và kinh tế khu vực châu Âu bởi vị thế cường quốc của Pháp trong EU, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng của Khối như khí hậu, an ninh, kinh tế và cạnh tranh thương mại...
Về kinh tế, tình trạng bất ổn tại Pháp cũng được cho là sẽ lan rộng sang các quốc gia khác thuộc khu vực đồng euro. Đồng euro đã mất 0,5% giá trị so với đồng đô la Mỹ ngay sau khi chính phủ Thủ tướng Barnier sụp đổ và tiếp tục sẽ chịu áp lực giảm giá, không chỉ vì tình hình tại Pháp mà còn do các bất ổn chính trị tương tự ở Đức. Thị trường tài chính khu vực đồng euro đang đối mặt với rủi ro lớn hơn, đặc biệt khi các nhà đầu tư quốc tế đang và sẽ chuyển hướng sang các thị trường an toàn hơn như Mỹ với Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng chính sách mang tính bảo hộ “Nước Mỹ trên hết”.
5. Một số diễn biến tình hình thế giới thời gian gần đây
- Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 26 của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) tổ chức ngày 8/12/2024 tại thủ đô Tehran (Iran). GECF có 12 thành viên chính thức, bao gồm Algeria, Bolivia, Ai Cập, Guinea Xích Đạo, Iran, Libya, Nigeria, Qatar, Nga, Trinidad và Tobago, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Venezuela. Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Mohsen Paknejad cảnh báo, căng thẳng và các mối đe dọa ở khu vực Tây Á, bao gồm cả ở Dải Gaza, Liban và Syria, làm suy yếu sự ổn định của khu vực và ảnh hưởng đến an ninh năng lượng toàn cầu. Hội nghị đã khẳng định các mục tiêu của GECF và tầm quan trọng của hợp tác đa phương nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến an ninh năng lượng, ổn định và bền vững. Đồng thời, khẳng định mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên cao kỷ lục vào năm 2023 và ghi nhận dự đoán rằng mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên toàn cầu sẽ tăng 34% vào năm 2050.
- Ngày 9/12/2024, Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu Copernicus nhấn mạnh, năm 2024 "chắc chắn" là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và là năm đầu tiên vượt "lằn ranh đỏ" vốn được vạch ra trong việc bảo vệ hành tinh khỏi tình trạng quá nóng đến mức nguy hiểm. căn cứ dữ liệu tạm thời về mức tăng gần 1,6 độ C, năm 2024 còn là năm dương lịch đầu tiên có nền nhiệt trung bình cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (từ năm 1850-1900) khi nhân loại bắt đầu sử dụng lượng lớn nhiên liệu hóa thạch. Tuyên bố của Copernicus phản ánh một năm mà các nước giàu và nghèo đều phải hứng chịu nhiều thiên tai nghiêm trọng do biến đổi khí hậu xuất phát từ nguyên nhân con người. Nhà khoa học Julien Nicolas tại Copernicus nhận định năm 2025 sẽ bắt đầu với nhiệt độ toàn cầu “ở mức gần kỷ lục” và điều này có thể kéo dài trong vài tháng tới.
Ban Tuyên giáo Trung ương