Văn bản mới (số tháng 4 năm 2025)

Thứ năm - 27/03/2025 15:22
Văn bản mới (số tháng 4 năm 2025) có những nội dung sau: Nghị định số 23/2025/NĐ-CP ngày 21/02/2025 của Chính phủ quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy; Nghị định 44/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 của Chính phủ về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
1. Nghị định số 23/2025/NĐ-CP ngày 21/02/2025 của Chính phủ quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy
Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, trừ chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.
Nghị định nêu rõ, chứng thư chữ ký điện tử được phân loại như sau:
- Chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia tự cấp cho mình tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy.
- Chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy, bao gồm: chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
- Chứng thư chữ ký số công cộng là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao.
- Chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là chứng thư chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng cấp.
Theo Nghị định, thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là 25 năm.
Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy được quy định: Chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu có hiệu lực tối đa là 05 năm; chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có hiệu lực tối đa là 10 năm.
Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số công cộng tối đa là 03 năm.
Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng trong trường hợp chữ ký điện tử chuyên dùng được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là 10 năm.
Nghị định nêu rõ, khi cấp, phát hành chứng thư chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký số, cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng, các tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy phải tuân thủ quy định về định dạng chứng thư chữ ký điện tử, định dạng chứng thư chữ ký số theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký số trên thông điệp dữ liệu; không sử dụng rào cản kỹ thuật, công nghệ để hạn chế việc kiểm tra hiệu lực chữ ký số.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2025.
2. Nghị định 44/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 của Chính phủ về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Nghị định quy định rõ các nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng. Theo đó, lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.
Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
Thực hiện tách bạch tiền lương, thù lao của Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên với tiền lương của Ban điều hành.
Nghị định quy định Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành được xác định theo các phương pháp: (1) Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân; (2) Xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động ít nhất bằng thời gian dự kiến áp dụng đơn giá tiền lương ổn định.
Nghị định nêu rõ, tùy theo nhiệm vụ, tính chất ngành nghề, điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp quyết định lựa chọn một trong hai phương pháp xác định quỹ tiền lương nêu trên.
Về phân phối tiền lương, Nghị định quy định người lao động và Ban điều hành được trả lương theo quy chế trả lương do doanh nghiệp ban hành, trong đó: Tiền lương của người lao động được trả theo vị trí chức danh hoặc công việc, gắn với năng suất lao động và mức đóng góp của từng người vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiền lương của Ban điều hành được trả theo chức danh, chức vụ và kết quả sản xuất, kinh doanh, trong đó mức tiền lương của Tổng giám đốc, Giám đốc (trừ trường hợp Tổng giám đốc, Giám đốc được thuê làm việc theo hợp đồng lao động) tối đa không vượt quá 10 lần so với mức tiền lương bình quân của người lao động.
Khi xây dựng quy chế trả lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật lao động, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để kiểm tra, giám sát và công khai tại doanh nghiệp trước khi thực hiện.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025. Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01/01/2025. 
 ----------------------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, HN 2001, T15, tr225.
[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 14 (1963-1965), tr 577.
[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 15 (1966-1969), tr 131.
 [4] Kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái xe điện, thương mại điện tử, giao hàng thông minh, thanh toán số, thiết kế và gia công phần mềm cho các nhà máy sản xuất, xây dựng giải pháp công nghệ mới dựa trên công nghệ AI, các sản phẩm halal.
[5] Kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đối số…

Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây