Thông tin trong nước (số tháng 11 năm 2024)

Thứ tư - 30/10/2024 12:00
Thông tin trong nước (số tháng 11 năm 2024) có các nội dung sau: Một số nét về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2024; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Kế hoạch triển khai Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Tăng cường công tác thực thi pháp luật khi tham gia giao thông; Tích cực triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội; Một số tiêu chí phân loại hợp tác xã.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2024 của Việt Nam tăng cao và ổn định.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2024 của Việt Nam tăng cao và ổn định.
 
1. Một số nét về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2024
Cơn bão Yagi mạnh nhất trong 30 năm qua, gây ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Bắc của nước ta. Tuy nhiên, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự điều hành quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 của nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2024 tăng cao ổn định, quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82%, cao hơn so với mục tiêu và cùng kỳ năm trước. Cơ cấu nền kinh tế duy trì ổn định, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,10%; khu vực dịch vụ chiếm 42,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,46%.
- Vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhờ lãi suất cho vay giữ xu hướng giảm, các chính sách về miễn giảm, giãn, hoãn thuế tiếp tục được triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.Tính chung 9 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
- Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kỷ lục, 9 tháng năm 2024 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan, xuất siêu ở mức cao. 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2024 tăng nhẹ, CPI 9 tháng gần sát cận dưới mức điều hành mục tiêu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước và 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước sát với cận dưới mức điều hành lạm phát theo kế hoạch (4-4,5%).
- Ngân sách nhà nước đảm bảo các nhu cầu chi tiêu và trả nợ theo quy định. Hoạt động ngân sách được đảm bảo cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
- Trong quý III năm 2024, tình hình đời sống nhân dân vẫn được duy trì ổn định. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Tính đến ngày 25/9/2024, đã thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội 19,6 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 4 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là gần 26,6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là 1,84 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, ngành bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 26,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ, thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng…
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần: Quyết tâm cao độ - Nỗ lực hết mình - Hành động quyết liệt - Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, trong đó chú trọng một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tập trung khắc phục hậu quả, phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2024 khoảng trên 7%.
Thứ ba, đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng.
Thứ tư, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội. Tăng cường kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thứ năm, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Thứ sáu, tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao.
Thứ bảy, tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội.
Thứ tám, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; chuẩn bị chu đáo phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
2. Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao
Ngày 16/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu một số phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể dục, thể thao như sau:
Phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gồm: Mạng lưới bảo tàng; mạng lưới thư viện; mạng lưới cơ sở điện ảnh; mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn; mạng lưới cơ sở triển lãm văn hóa, nghệ thuật; mạng lưới trung tâm văn hóa ở trong nước; trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật; làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa.
Trong đó, về mạng lưới bảo tàng, hoàn thiện và mở rộng mạng lưới bảo tàng với hạt nhân là các bảo tàng quốc gia. Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa các tài liệu, hiện vật, bảo vật quốc gia, tăng cường kết nối, liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các bảo tàng quốc gia với bảo tàng chuyên ngành và các bảo tàng cấp tỉnh. Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động để xây dựng bảo tàng thành trung tâm thông tin về khoa học, văn hóa, lịch sử và điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách tham quan và trải nghiệm. 
Đối với mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc gia và quốc tế, mang bản sắc đặc trưng của địa phương và vùng miền, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của các dân tộc Việt Nam. 
Hình thành các trung tâm nghệ thuật biểu diễn tại các đô thị lớn, các địa phương đóng vai trò trung tâm vùng và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; gắn kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch; từng bước tạo dựng các thương hiệu quốc gia. Nghiên cứu, xây dựng mới 4 công trình trọng điểm đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm: Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia gồm: mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; mạng lưới trung tâm hoạt động thể thao; mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao; mạng lưới cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên. Trong đó, đối với mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao, theo Quy hoạch sẽ xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện và nâng cao thành tích tại các đại hội thể thao châu lục và thế giới. 
Nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện quốc gia trọng điểm thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (nếu phù hợp) để phục vụ huấn luyện vận động viên cho các môn thể thao trọng điểm, xác định mục tiêu huy chương tại Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao thế giới. Tổ chức phân bố mạng lưới các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và trung tâm vệ tinh tại các khu vực, địa phương phù hợp với điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất..., đáp ứng yêu cầu huấn luyện chuyên sâu và tổ chức thi đấu các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm; được sắp xếp hợp lý về tổ chức bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đầu tư các trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao có quy mô, tiêu chuẩn chuyên ngành của công trình đạt cấp I, II, III đáp ứng yêu cầu huấn luyện, giảng dạy và tổ chức thi đấu quốc tế, quốc gia.  
Để thực hiện các mục tiêu, phương hướng nêu trên, Quy hoạch đưa ra 8 giải pháp thực hiện, bao gồm: giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển; giải pháp về giáo dục, tuyên truyền; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động.
3. Kế hoạch triển khai Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Ngày 25/9/2024, Thủ tướng ký Quyết định số 1043/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trọng việc triển khai thi hành luật, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành luật trên phạm vi cả nước. Nâng cao nhận thức về luật và trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân trong việc thi hành luật.
Nội dung của kế hoạch gồm: Biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tập huấn chuyên sâu về luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của luật. Cụ thể, trong quý IV/2024, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan biên soạn tài liệu chung phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của luật. Bộ Công an biên soạn tài liệu tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an. Bộ Giao thông vận tải biên soạn tài liệu tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Giao thông vận tải.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở tài liệu tập huấn chuyên sâu của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, biên soạn tài liệu tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩCông an, cán bộ, công chức của các sở, ban hành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của luật với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và nhân dân.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho học sinh của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; biên soạn và tổ chức giảng dạy kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho học sinh tại cơ sở giáo dục trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo cơ quan quản lý trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện xe gắn máy để phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức hướng dẫn thực hành kỹ năng lái xe gắn máy an toàn.
Trước ngày 15/11/2024, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng văn bản hướng dẫn về phạm vi hoạt động của xe thô sơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ tại địa phương; hoạt động của xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở vật liệu xây dựng, phế thải; quy định về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn địa phương quy định tại khoản 6 Điều 35, khoản 4, khoản 5 Điều 44, khoản 2 Điều 47, khoản 2 Điều 48 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trung tâm chỉ huy giao thông; hệ thống cơ sở dữ liệu về điểm giấy phép lái xe; kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với người bị trừ hết giấy phép lái xe; xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; đăng ký xe toàn trình; hệ thống quản lý đấu giá biển số; quản lý hệ thống tín hiệu giao thông; xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
4. Tăng cường công tác thực thi pháp luật khi tham gia giao thông
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa, ứng xử khi tham gia giao thông, góp phần làm cho hoạt động giao thông văn minh và an toàn hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức) thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, gây bức xúc trong nhân dân (Riêng trong năm 2023 và quý I năm 2024, lực lượng công an đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và xác minh gửi thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý đối với trên 7.600 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn).
Tại Chị thị 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, Thủ tướng yêu cầu:
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xác định việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa rất quan trọng để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội.
Khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định; việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm và định kỳ hàng năm (trước ngày 15/10) trao đổi kết quả xử lý kỷ luật với cơ quan gửi thông báo vi phạm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý. Quán triệt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông. Quá trình xử lý phải tiến hành xác minh, nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm phải được thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Đối với các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn gây tai nạn giao thông, có hành vi chống đối, gây rối trật tự công cộng, cản trở hoạt động thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng, phải khẩn trương củng cố hồ sơ, điều tra, phối hợp với các cơ quan viện kiểm sát, tòa án xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại chỉ thị này phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương, trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vinh dự, trách nhiệm và yêu cầu về tiên phong, gương mẫu trong chấp hành pháp luật về giao thông; đồng thời, vận động bạn bè, người thân chấp hành và không lợi dụng uy tín, vị trí công tác để can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông của các lực lượng chức năng, nhất là vi phạm nồng độ cồn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, gồm cả giám sát từ Nhân dân về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tham gia giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang.
Các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, tích cực tham gia phát hiện và góp ý, phê phán trước công luận về hành vi vi phạm pháp luật giao thông của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn…
5. Tích cực triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ngày 3/10/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách xã hội theo Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới; tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 theo Quyết định số 05/QĐ-TTg, ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan khẩn trương: Xây dựng, trình ban hành các nghị định về tổ chức, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở; rà soát, hoàn thiện các quy định về hoạt động tín dụng chính sách nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững; cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý, bảo đảm nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho phép tăng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp cận nguồn vốn ODA và mở rộng các hình thức huy động vốn nhằm tăng cường nguồn lực để thực hiện mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới; nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh kế cho người dân có mức sống trung bình, làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về tín dụng, tài chính, lao động, tiền lương nhằm tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội có khả năng tự chủ, phát triển ổn định, lâu dài, bền vững, đủ năng lực để thực hiện hiệu quả hơn tín dụng chính sách xã hội nhưng phải phù hợp quy mô, khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng.
Các địa phương cần tiếp tục quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội.
Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, phân tích, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy, gần dân, phục vụ người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đạt được, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, khắc phục những hạn chế, tồn tại, nỗ lực hơn nữa, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, đáp ứng sự tin tưởng của Nhân dân, khẳng định được sứ mệnh và trách nhiệm xã hội to lớn trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…
6. Trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm
Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2023 được ban hành theo Quyết định số 1011/QĐ-TTg, ngày 20/9/2024. Theo Quyết định, tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2023 trên toàn quốc là 3.491 cơ sở. Trong đó có 2.864 cơ sở công nghiệp, 18 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 70 đơn vị vận tải, 539 công trình xây dựng.
Thành phố Hà Nội có 242 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gồm: Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty TNHH Canon Việt Nam...
Tỉnh Thái Nguyên có 64 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gồm: Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), Công ty cổ phần xi măng Quán Triều...
Thành phố Đà Nẵng có 59 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gồm: Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng, Công ty cổ phần Thép Đà Nẵng, Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu...
Tỉnh Lâm Đồng có 16 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gồm: Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV, Nhà máy gạch ngói Lâm Viên, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai, Nhà máy Thủy điện Đại Ninh...
Tỉnh Bình Dương có 334 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gồm: Công ty TNHH MTV Công nghiệp Masan, Công ty cổ phần Thép VAS Tuệ Minh, Công ty TNHH Lốp Kumbo Việt Nam, Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á...
Thành phố Hồ Chí Minh có 333 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gồm: Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Từ Dũ, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty TNHH Aeon Việt Nam...
Thành phố Cần Thơ có 75 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gồm: Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô, CN Công ty PEPSICO Việt Nam tại Cần Thơ, Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu miền Tây, Công ty TNHH Lương thực Thành Lợi...
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương thông báo cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn và tổ chức quản lý, theo dõi thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương kiểm tra, rà soát, lập danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn; tổng hợp gửi Bộ Công Thương trước ngày 1/2 hàng năm.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là thành viên thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình thực hiện các nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, thực hiện báo cáo uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở đặt trụ sở, đồng thời báo cáo tập đoàn, tổng công ty để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương.
Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP, ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
7. Một số tiêu chí phân loại hợp tác xã
Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2024/NĐ-CP, ngày 12/9/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã; trong đó quy định cụ thể các tiêu chí phân loại hợp tác xã như sau:
Nghị định quy định lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã được xác định theo ngành nghề kinh doanh chính mà hợp tác xã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã được phân loại theo 4 nhóm lĩnh vực căn cứ vào các ngành kinh tế được xác định theo quy định của pháp luật về thống kê như sau: Lĩnh vực nông nghiệp gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; ngành khai thác muối. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng gồm: khai khoáng (trừ khai thác muối); công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; xây dựng. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm gồm ngành: hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ và lĩnh vực khác gồm: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nghệ thuật vui chơi và giải trí; hoạt động dịch vụ khác.
Phân loại quy mô hợp tác xã dựa vào 3 tiêu chí: Số lượng thành viên, tổng nguồn vốn, doanh thu. Số lượng thành viên chính thức của hợp tác xã được xác định tại thời điểm ngày 14/12 của năm trước liền kề được cập nhật trên Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã theo quy định của pháp luật về nội dung thông tin, việc cập nhật, khai thác và quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã.
Phân loại hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp: Hợp tác xã quy mô lớn có từ 300 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 50 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 10 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô vừa có từ 200 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 10 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 05 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô nhỏ có từ 50 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 2 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 1 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ bao gồm các hợp tác xã không thuộc các loại hợp tác xã trên.
Phân loại hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: Hợp tác xã quy mô lớn có từ 100 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 80 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô vừa có từ 50 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 15 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 10 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô nhỏ có từ 20 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 2 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ gồm các hợp tác xã không thuộc các loại hợp tác xã trên.
Phân loại hợp tác xã trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm: Hợp tác xã quy mô lớn có từ 1.000 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 200 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 50 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô vừa có từ 500 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô nhỏ có từ 100 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 50 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 10 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ bao gồm các hợp tác xã không thuộc các loại hợp tác xã trên.
Phân loại hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và lĩnh vực khác: Hợp tác xã quy mô lớn có từ 200 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô vừa có từ 100 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 20 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 10 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô nhỏ có từ 20 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 5 tỷ đồng trở lên hoặc tổng nguồn vốn từ 2 tỷ đồng trở lên. Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ bao gồm các hợp tác xã không thuộc các loại hợp tác xã trên. Trường hợp hợp tác xã thỏa mãn các tiêu chí phân loại quy mô hợp tác xã ở nhiều mức khác nhau thì quy mô hợp tác xã được xác định theo mức quy mô lớn nhất.
Ban Tuyên giáo Trung ương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây