I. DƯ LUẬN QUỐC TẾ VỀ VIỆC ĐỒNG CHÍ TÔ LÂM ĐƯỢC BẦU GIỮ CHỨC TỔNG BÍ THƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Ngày 3/8/2024, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, với số phiếu 100% tuyệt đối.
Ngay sau khi đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đã gửi điện/thư chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẵn sàng cùng đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn dắt xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, cùng phát huy tình hữu nghị truyền thống, củng cố lòng tin chính trị, đi sâu trao đổi chiến lược, thúc đẩy hợp tác thực chất, đem lại nhiều hạnh phúc hơn cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Tổng thống Liên bang Nga V. Putin cho rằng, kết quả bầu cử khẳng định uy tín chính trị cao của đồng chí Tô Lâm.
Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tin tưởng dưới sự lãnh đạo tài tình của Tổng Bí thư, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn và phát triển nhanh trên mọi lĩnh vực và giữ vững vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith khẳng định sẽ sát cánh cùng với đồng chí Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục củng cố và vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần phát triển vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đại tướng Raúl Castro Ruz và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez nhấn mạnh mong muốn tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ tốt đẹp và tình cảm anh em giữa hai Đảng đã được các lãnh đạo lịch sử Fidel Castro Ruz và Hồ Chí Minh kính yêu xây đắp.
Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un chúc Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tô Lâm, sẽ đạt được tiến triển to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tin tưởng việc Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước và mong muốn tiếp tục cùng Tổng Bí thư đưa mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam lên một tầm cao mới trong thời gian tới.
Cũng nhân dịp này, lãnh đạo nhiều chính đảng cũng đã gửi thư, điện chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Truyền thông các nước đã đưa tin đậm nét về sự kiện trên: Báo chí Lào đồng loạt đăng tin chúc mừng, đăng toàn văn thư chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào. Các cơ quan thông tấn, báo chí chính thống của Trung Quốc, trong đó có Tân Hoa xã, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Nhân dân Nhật báo, đồng loạt đưa tin về sự kiện, trích đăng phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong đó khẳng định kế thừa và phát huy những thành tựu cách mạng; cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam. Truyền thông Nhật Bản nhận định Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được kỳ vọng sẽ kế thừa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng Cộng sản Việt Nam phát động thời gian qua, cũng như tiếp tục chính sách ngoại giao cân bằng. Nhiều hãng, trang tin, tờ báo như AFP (Pháp), TASS (Nga), báo “Bangkok Post” (Thái Lan), The Straits Times (Singapore)... nhấn mạnh phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc họp báo sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương về việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều cơ quan báo chí khu vực Mỹ Latinh đăng tải thông tin về kết quả bầu Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam và công tác cán bộ tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nêu bật quyết tâm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp nối di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bảo vệ lợi ích dân tộc, thống nhất, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Các báo điện tử chính thống của Cuba, như Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba - ACN, Prensa Latina (PL) và Cubadebate đều dẫn nguyên văn lời chúc mừng của Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm…
Dư luận, truyền thông quốc tế bày tỏ thái độ tích cực, ủng hộ kết quả bầu tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn nhận và đánh giá cao sự ổn định, vững chắc nền chính trị của Việt Nam, sự tiếp nối, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong thời kỳ chuyển tiếp giữa các thế hệ lãnh đạo. Đồng thời bày tỏ sự quan tâm tới chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới thời kỳ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
II. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CẤP NHÀ NƯỚC TỚI ẤN ĐỘ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH
Từ ngày 30/7 đến 1/8/2024, nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm, tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao Ấn Độ, các tập đoàn lớn của Ấn Độ, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ và Hội đồng các vấn đề quốc tế của Ấn Độ. Các cuộc gặp, tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ với Lãnh đạo Ấn Độ khẳng định tình cảm hữu nghị gắn bó và mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt giữa hai nước cũng như sự coi trọng và ủng hộ lẫn nhau trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước. Hai bên khẳng định tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong các lĩnh vực truyền thống như quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, văn hóa - giáo dục và mở rộng những lĩnh vực hợp tác mới về kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, gia tăng thương mại và đầu tư hai chiều, đẩy mạnh và làm sâu sắc hợp tác về khoa học - công nghệ; sẵn sàng hợp tác, chung tay xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có các yếu tố nền tảng quan trọng, đó là: Quan hệ truyền thống tốt đẹp; tin cậy chính trị cao; thị trường rộng mở; văn hóa, văn minh, lịch sử tương đồng, ý tưởng tương thông; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí tăng cường hợp tác trên tinh thần “Năm hơn”: Tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh sâu sắc hơn; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn; hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn; hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn. Đồng thời đề xuất các ưu tiên để cụ thể hóa tinh thần “5 hơn” đó.
Hai bên thông qua Tuyên bố chung về việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, ký 9 văn kiện trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, tài chính, y tế, văn hóa, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2024-2028.
III. KẾT QUẢ BẦU CỬ TỔNG THỐNG VENEZUELA
Ngày 2/8/2024, Hội đồng bầu cử Quốc gia Venezuela công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống ở nước này, theo đó Tổng thống Nicolas Maduro đã giành chiến thắng, với hơn 51% số phiếu bầu.
Trong khi đó, ứng cử viên đối lập Edmundo González Urrutia, đại diện cho Hội nghị bàn tròn thống nhất dân chủ (MUD), một liên minh tập hợp những người theo chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội Thiên chúa giáo, xã hội và bảo thủ, giành được 44,2% số phiếu bầu.
Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Venezuela tuyên bố ông Maduro giành chiến thắng. Ông Maduro sẽ giữ cương vị Tổng thống Venezuela nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, nâng tổng số năm cầm quyền lên 18 năm với sự hậu thuẫn của đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV). Tuy nhiên, ứng cử viên của phe đối lập Edmundo González Urrutia tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử.
Kết quả bầu cử của Venezuela đang tạo nên sự chia rẽ trong quan điểm của các nước. Trong khi lãnh đạo một số quốc gia gồm: Nga, Trung Quốc, Iran, Syria, Cuba, Nicaragua, Bolivia... đã gửi thông điệp chúc mừng Tổng thống N. Madurro, thì các nước: Hoa Kỳ, Brazil, EU kêu gọi Venezuela công khai thống kê chi tiết kết quả bầu cử; một số quốc gia Mỹ Latinh đề nghị kiểm tra phiếu bầu, tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử vì nghi ngờ có gian lận. Trung tâm Carter (Mỹ) cho rằng cuộc bầu cử tại Venezuela "không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính toàn vẹn của bầu cử". Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Brazil Luiz Inacio Lula da Silva điện đàm và cho rằng Venezuela cần đưa ra "dữ liệu bỏ phiếu đầy đủ, minh bạch và chi tiết". Các nguồn tin cho biết, Mỹ đang cân nhắc ban hành các lệnh cấm vận mới đối với Venezuela và sẽ áp dụng nếu ông Maduro không đáp ứng các đề nghị của Mỹ về việc phải minh bạch hơn trong việc kiểm phiếu. Các lựa chọn đang cân nhắc có thể gồm việc cấm vận các cá nhân hoặc lệnh cấm đi lại của Mỹ đối với các quan chức Venezuela, trong đó có những người liên quan cuộc bầu cử.
Trước tình hình hậu bầu cử căng thẳng tại Venezuela, Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi minh bạch hoàn toàn trong cuộc bầu cử của Venezuela và khuyến khích công bố kết quả bầu cử kịp thời và phân tích từng điểm bỏ phiếu có tranh cãi.
Đáp trả các động thái trên, Chính phủ Venezuela đã trục xuất Đại sứ của các nước: Argentina, Chile, Costa Rica, Peru, Panama, Cộng hòa Dominicana và Uruguay về nước bởi hành vi “can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela”. Ngoại trưởng Venezuela Yván Gil tuyên bố, Chính phủ Venezuela sẽ “đảm bảo mọi hành động pháp lý và chính trị để buộc tôn trọng, bảo tồn và bảo vệ quyền tự quyết bất khả xâm phạm” của quốc gia Nam Mỹ, cũng như “sẽ đối đầu với mọi hành động đe dọa bầu không khí hòa bình và cùng tồn tại mà người dân Venezuela đã phải rất nỗ lực thực hiện”. Các chuyên gia quốc tế nhận định diễn biến trên lặp lại những gì đã xảy ra sau khi ông Maduro công bố chiến thắng ở cuộc bầu cử tổng thống cách đây 6 năm; đồng thời dự báo tình hình Venezuela thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, chính trị và nội bộ xã hội tiếp tục sẽ bị phân rẽ sâu sắc, gây ảnh hưởng lớn tới việc duy trì an ninh và ổn định xã hội.
IV. MỘT SỐ NÉT VỀ TÌNH HÌNH TRUNG ĐÔNG
Khu vực Trung Đông trở nên căng thẳng chưa từng có sau 2 vụ ám sát xảy ra chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ, nhằm vào hai quan chức cấp cao của phong trào Hamas tại Gaza và lực lượng Hezbollah ở Liban.
Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh bị sát hại tại Thủ đô Tehran, sau khi tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran. Trong khi đó, quân đội Israel thông báo Fuad Shukr, chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah và là cánh tay phải của thủ lĩnh Hassan Nasrallah, đã tử vong khi Israel không kích vào miền Nam Thủ đô Beirut (Liban). Các vụ việc xảy ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Hamas kéo dài gần 10 tháng, khiến khoảng 40.000 người thiệt mạng ở Dải Gaza và 1.400 người thiệt mạng ở Israel.
Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ sát hại, trong những phản ứng đầu tiên, Lãnh tụ tối cao Iran, ông Ali Khamenei tuyên bố “bổn phận” của Iran là phải trả thù và đã ra lệnh tấn công trực tiếp vào Israel. Thủ lĩnh Hezbollah, ông Hassan Nasrallah cũng tuyên bố các vụ ám sát đã vượt qua “lằn ranh đỏ” khiến cuộc chiến giữa hai bên đã “bước sang giai đoạn mới”. Thủ tướng Israel Netanyahu không tuyên bố chịu trách nhiệm và không bình luận về vụ việc. Các cuộc tấn công này làm gia tăng nguy cơ mở rộng quy mô xung đột tại dải Gaza và làm giảm cơ hội đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Trước nguy cơ xảy ra xung đột ở cả khu vực Trung Đông, các nước đang dồn lực chạy đua ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc đối đầu giữa Israel với Hamas và Hezbollah lan rộng. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi “tất cả các bên” chấm dứt hành động leo thang và chấp nhận một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Liên đoàn Arab, Trung Quốc, Jordan, Ai Cập... kêu gọi các bên kiềm chế, cảnh báo hậu quả tàn khốc của một cuộc chiến khu vực. Các nước lớn như Trung Quốc, Nga; các nước trong khu vực gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar, Iraq, Palestine; lực lượng Hamas, Hezbollah, Houthi và các lực lượng kháng chiến tại Iraq đã lên án hành động này. Trước nguy cơ bạo lực lan rộng, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Jordan đã khuyến cáo công dân rời khỏi Lebanon và Iran. Thụy Điển cũng thông báo đóng cửa Đại sứ quán của nước này tại Beirut và kêu gọi công dân rời Lebanon. Nhiều hãng hàng không phương Tây đã đình chỉ các chuyến bay đến khu vực này.
Ban Tuyên giáo Trung ương