I. MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG CHUYẾN THĂM CẤP NHÀ NƯỚC TỚI CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO VÀ VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, từ ngày 11 - 13/7/2024.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới. Chuyến thăm góp phần tăng cường sự gắn kết, hợp tác truyền thống, hiệu quả giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia.
Chủ tịch nước Tô Lâm đã có 32 hoạt động, với các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, gặp gỡ với tất cả lãnh đạo cấp cao hai nước, thăm các cơ sở kinh tế, gặp, nói chuyện với học sinh, sinh viên, cộng đồng bà con kiều bào tại hai nước.
Tại Lào, hai bên nhất trí cao về các biện pháp tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước. Đặc biệt là Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025. Các nhà lãnh đạo nhất trí hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân của hai nước, nhất là thế hệ trẻ; đẩy mạnh hợp tác địa phương, nhất là giữa các tỉnh biên giới. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc và tiểu vùng sông Mekong.
Tại Campuchia, hai bên nhất trí triển khai mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế -thương mại - đầu tư, quốc phòng - an ninh, hợp tác biên giới, nguồn lao động, giao lưu nhân dân; tích cực hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Hai bên hoan nghênh các cơ quan liên quan của hai nước đã phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác, phát triển, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các tỉnh biên giới, phát triển kinh tế khu vực biên giới.
Trong khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, ủng hộ Lào hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN và AIPA 2024; Tiểu vùng Mekong mở rộng; hợp tác quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong vì lợi ích cộng đồng người dân trên lưu vực và ở cả ba nước.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công về mọi mặt, là dấu ấn mới trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong việc không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia.
II. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC HÀN QUỐC CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH
Nhận lời mời của Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Han Duck Soo và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc, từ ngày 30/6 đến 3/7/2024. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Hàn Quốc kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp. Tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp được triển khai thường xuyên. Hai nước hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 86 tỷ USD (tháng 4/2024), đối tác lớn thứ hai về hợp tác ODA, thứ ba về hợp tác lao động, thương mại và là thị trường cung cấp khách du lịch lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023. Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc có khoảng hơn 270.000 người, đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm, hội kiến với các Lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc; dự và phát biểu tại 3 diễn đàn, gồm: Diễn đàn doanh nghiệp, Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa, Diễn đàn lao động Việt Nam - Hàn Quốc; và 2 tọa đàm, gồm: Tọa đàm với lãnh đạo các Tổ chức kinh tế Hàn Quốc, Tọa đàm với các nhà tri thức, khoa học Hàn Quốc về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính có các cuộc tiếp đại diện lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc; thăm Đại sứ quán và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc; thăm gia đình đa văn hóa Việt - Hàn; phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul và thăm Nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Tập đoàn Samsung tại thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi.
Lãnh đạo hai nước thống nhất ra Thông cáo báo chí với các nội dung lớn về tiến triển của quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc kể từ khi nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022 và các nội dung hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực hợp tác mới... Các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước đã ký kết 40 văn bản hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đối số, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hợp tác giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác văn hóa, du lịch…
Hàn Quốc cam kết hỗ trợ Việt Nam 30 triệu USD trong 4 năm để thực hiện dự án nghiên cứu và phát triển R&D, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Dự án Viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST); khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào tháng 4/2025.
III. DƯ LUẬN QUỐC TẾ VỀ KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CẤP NHÀ NƯỚC TỚI VIỆT NAM CỦA TỔNG THỐNG LIÊN BANG NGA VLADIMIR PUTIN
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước Việt Nam, từ ngày 19 - 20/6/2024. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (16/6/1994 - 16/6/2024).
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên trao đổi sâu rộng về nhiều nội dung và phương hướng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nga trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ; các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hai bên đã ra “Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở những thành tựu của 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga”, thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo và nhân dân hai nước nhằm đưa hợp tác song phương ngày càng hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, xứng tầm Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của cả nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Truyền thông Nga và các hãng thông tấn, báo chí lớn, uy tín trên thế giới dành sự quan tâm cao, chú ý đặc biệt đến chuyến thăm với các tuyến tin, bài, hình ảnh cập nhật thông tin liên tục. Dư luận quốc tế nhấn mạnh “Việt Nam là quốc gia thứ ba Tổng thống Putin đến thăm kể từ khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5” và Tổng thống Nga Putin được người dân Việt Nam chào đón nồng nhiệt; nhấn mạnh, mối quan hệ của Việt Nam với Nga rất gần gũi và có từ nhiều thập kỷ trước.
Đáng chú ý, Financial Times ngày 20/6 có bài viết: “Chiến thắng ngoại giao cây tre của Việt Nam với các chuyến thăm của Biden, Tập Cận Bình và bây giờ là Putin” nhấn mạnh Việt Nam đã “cân bằng sự cạnh tranh địa chính trị bằng một phong thái mà các quốc gia khác không có được”; chuỗi ba chuyến thăm cho thấy Việt Nam thành thạo trong việc thu hút đầu tư sản xuất từ các công ty, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đang khéo léo quản lý các mối quan hệ quốc tế.
Thông tin về chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Nga V.Putin được lan tỏa rộng rãi, tích cực trên các trang báo và truyền thông Nga. Thông tin trước, trong và sau chuyến thăm liên tục được cập nhật. Báo chí Nga đăng nhiều nội dung về các nhà ngoại giao Nga và Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm, trong đó đề cao tầm quan trọng và sự ưu tiên của hai bên đối với quan hệ Việt Nam - Nga và kỳ vọng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước sau chuyến thăm. Các tin, bài trên báo chí Nga cũng nhấn mạnh lịch sử tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Nga, Việt Nam luôn ghi nhớ, biết ơn sự hỗ trợ to lớn của Nga trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Liên quan đến một số vấn đề khu vực và quốc tế, báo chí Nga khẳng định, hai nước nhất trí “không tham gia bất kỳ liên minh hoặc hiệp ước nào với các nước thứ ba làm tổn hại đến độc lập, chủ quyền của hai bên, thậm chí sẽ không hành động chống lại bên thứ ba”.
IV. MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024; DỰ BÁO THỜI GIAN TỚI
6 tháng đầu năm 2024, thế giới tiếp nối các xu hướng địa chính trị của năm 2023 với mức độ phức tạp, khó lường và thách thức hơn. Những vấn đề nổi cộm trong quan hệ quốc tế vẫn không tìm được giải pháp đột phá và thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng tác động khiến các quốc gia tiếp tục điều chỉnh chính sách, nâng cao tự chủ chiến lược.
Kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng tốc độ tăng trưởng chậm, không đồng đều và tiếp diễn tình trạng phân mảnh địa kinh tế. Chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu tháng 5 đã tăng lên mức 52,6 điểm (cao nhất kể từ tháng 12 năm 2021). Các dấu hiệu phục hồi được thể hiện rõ nét ở từng quốc gia, với tốc độ tăng trưởng sản lượng tăng nhanh ở Mỹ, Trung Quốc và Anh, trong khi mức độ thu hẹp đang giảm bớt ở Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung Euro. Tuy nhiên, xu hướng hồi phục tăng trưởng còn mong manh, nhất là khi những trở ngại đối với tăng trưởng toàn cầu vẫn hiện hữu; chính sách tiền tệ đang kéo dài trạng thái thắt chặt và bất ổn kinh tế gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Ngoài ra, giá cả lương thực, năng lượng và chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao khiến lạm phát toàn cầu dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng áp lực giá cả vẫn tiếp tục gia tăng, chưa về mức mục tiêu mà các quốc gia mong muốn và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Lạm phát lương thực đã ảnh hưởng đến một số quốc gia có thu nhập thấp, nặng nề hơn nhiều so với mức trung bình thế giới. IMF dự báo, lạm phát toàn cầu năm 2024 ở mức 5,9%, so với mức 6,8% năm 2023.
Nhiều cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới đã và đang diễn ra, góp phần định hình cách thức hợp tác quốc tế cũng như xác định lại vai trò lãnh đạo trong cộng đồng quốc tế. Tại Nga, Tổng thống Putin đã tái đắc cử nhiệm kỳ 5 với số phiếu áp đảo (chiếm 87,28%). Ngay sau khi nhậm chức, ông Putin đã có những cải tổ quan trọng về chính phủ; đẩy mạnh chính sách đối ngoại “hướng Đông” và Học thuyết đối ngoại 2023 nhằm phá vỡ thế bao vây, trừng phạt của Mỹ, phương Tây. Tại châu Âu, nhiều quốc gia có sự biến động về lãnh đạo cấp cao cũng như tổ chức nội các. Khối Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu tiếp tục giữ được vị thế là lực lượng chính trị lớn nhất trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) với 189 ghế. Cùng với sự vươn lên của nhóm trung hữu EPP, những quyết sách của châu Âu trong thời gian tới được dự báo sẽ tập trung chủ yếu vào tăng cường sự thống nhất trong việc ủng hộ Ukraine và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng EU. Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narenda Modi tái đắc cử nhưng đảng cầm quyền mất đa số trong Quốc hội. Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ tiếp tục diễn biến sôi động với sự đối đầu giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donal Trump.
Các cuộc xung đột, điểm nóng tiếp tục diễn ra, không loại trừ nguy cơ leo thang, gây bất ổn đối với an ninh thế giới. Cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục ở thế giằng co quyết liệt trên thực địa, triển vọng đàm phán vẫn rơi vào bế tắc khi không có sự thoả hiệp, nhượng bộ nào giữa hai bên. Hoa Kỳ và các nước phương Tây tiếp tục cam kết viện trợ cho Ukraine nhưng cũng gặp khó khăn do sự chia rẽ trong chính trị nội bộ. Xung đột Israel - Palestine tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng có xu hướng hạ nhiệt với các nỗ lực thúc đẩy đàm phán ngừng bắn. Đáng chú ý đã có những dấu hiệu tích cực đối với việc công nhận tư cách đầy đủ của Nhà nước Palestine tại Liên hợp quốc. Tình hình bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng khi Triều Tiền tuyên bố từ bỏ mục tiêu thống nhất hai miền và liên tiếp triển khai các vụ thử tên lửa, phóng vệ tinh cũng như tăng cường quân đội tại khu vực phi quân sự. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp trên thực địa, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Philippine. Mỹ tiếp tục gia tăng can dự và hiện diện tại khu vực thông qua các hoạt động tập trận, diễn tập song và đa phương với các đồng minh, đối tác. Các điểm nóng và xung đột trên toàn cầu đã thúc đẩy xu hướng gia tăng chi tiêu quân sự và cảnh báo răn đe. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh về nguy cơ hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục đối đầu, cạnh tranh gay gắt. Các nước lớn gia tăng tập hợp lực lượng, thúc đẩy các sáng kiến, cơ chế do mình dẫn dắt. Đáng chú ý là sự mở rộng của khối BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) với 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia cho thấy mong muốn về tăng cường tiếng nói và quyền tự chủ của nhóm nước này trong các vấn đề toàn cầu, ủng hộ một trật tự quốc tế vô tư, công bằng, đa dạng và đa cực hơn, thay cho trật tự bị chi phối bởi các cường quốc kinh tế phương Tây.
Các chuyên gia dự báo nửa cuối năm 2024, tình hình thế giới và khu vực vẫn sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Cạnh tranh nước lớn và sự phân tuyến trong quan hệ quốc tế có thể gay gắt hơn. Các điểm nóng và các vấn đề an ninh phi truyền thống (an ninh nguồn nước,lương thực, năng lượng…) tiếp tục diễn tiến. Kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng và điều chỉnh chính sách của các nước lớn sẽ tạo cơ hội cho các nước Đông Nam Á có cơ hội thu hút được nhiều nguồn lực để phát triển. Mặt khác, việc tái định hình các khuôn khổ hợp tác và xu thế bảo hộ thương mại được cho là sẽ gia tăng.
V. HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH TỔ CHỨC HỢP TÁC THƯỢNG HẢI
Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra từ ngày 3 - 4/7/2024, tại thủ đô Astana, Kazakhstan. Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh nhóm họp theo hình thức “SCO+”. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các nước thành viên, như: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Với chủ đề “Tăng cường đối thoại đa phương - phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững”, Hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, hướng đến việc củng cố hợp tác kinh tế, chiến lược an ninh và kết nạp thêm thành viên mới.
Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) thành lập vào năm 2001, hướng tới việc trở thành một cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả, đóng vai trò trọng yếu tại khu vực Á - Âu. Từ mục tiêu ban đầu là chống khủng bố, SCO đã mở rộng lĩnh vực hợp tác, tập trung nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế và năng lượng. Các quốc gia thành viên SCO tăng cường hợp tác trong các sáng kiến kinh tế khu vực, như sự hội nhập của Sáng kiến Vành đai Con đường do Trung Quốc khởi xướng và Liên minh kinh tế Á - Âu do Nga dẫn đầu, đồng thời duy trì an ninh khu vực là một trong những ưu tiên hàng đầu. SCO hiện có 9 quốc gia thành viên, 3 quốc gia quan sát viên và 14 đối tác đối thoại. Hiện tổ chức này đang bao phủ một vùng lãnh thổ rộng lớn với hơn 60% diện tích lục địa Á - Âu, gần một nửa dân số thế giới và khoảng 1/4 tổng lượng kinh tế toàn cầu.
Một phần quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh lần này là việc Belarus chính thức gia nhập SCO, nâng tổng số thành viên lên 10. Điều này không chỉ làm tăng sự đa dạng về mặt địa chính trị mà còn củng cố chiều sâu chiến lược của tổ chức này. Đây được xem là một bước tiến quan trọng của khối, hướng tới một trật tự quốc tế mới mà Nga đang ủng hộ.
Trong tuyên bố chung (Tuyên bố Astana) đưa ra sau Hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên SCO nhấn mạnh, những rủi ro và thách thức an ninh hiện tại có tính chất toàn cầu chỉ có thể giải quyết thông qua việc xây dựng một thế giới đa cực, thúc đẩy hợp tác đa phương, cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu và các nỗ lực phối hợp giải quyết mối đe dọa an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống. Đồng thời, Tuyên bố
Astana kêu gọi một hệ thống thương mại quốc tế “cởi mở, minh bạch, công bằng, toàn diện, không phân biệt đối xử và đa phương”. Các thành viên SCO không tán thành chủ nghĩa bảo hộ, những biện pháp trừng phạt đơn phương và các hạn chế thương mại khác vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và gây bất lợi cho quan hệ kinh tế quốc tế. Các nhà lãnh đạo SCO cam kết chính phủ của họ sẽ không tham gia vào “bất kỳ quyết định nào nhằm can thiệp” vào công việc nội bộ của các quốc gia khác hoặc những quyết định “đi ngược với luật pháp quốc tế”.
Tổ chức SCO hiện đang tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững, nhằm mang lại tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuyên bố Astana kêu gọi chuyển giao các công nghệ xanh có liên quan cho các quốc gia đang phát triển; nhấn mạnh việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch cần được cân bằng và tính đến lợi ích của các nhà sản xuất và người tiêu dùng năng lượng.
Các nhà lãnh đạo SCO ủng hộ việc duy trì không gian vũ trụ không có vũ khí, nhấn mạnh sự cần thiết phải ký kết một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm tăng cường tính minh bạch và cung cấp những bảo đảm đáng tin cậy cho việc ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ. Các đại diện SCO ký kết chương trình hợp tác chống khủng bố, chống ly khai và thông qua chiến lược chống ma túy đến năm 2029...
Ban Tuyên giáo Trung ương