Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 8/2023)

Thứ hai - 31/07/2023 16:39
Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 8/2023) có một số nội dung sau: Kết quả chuyến thăm Trung Quốc và tham dự Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Hiệp định về biển cả - Văn kiện thứ 3 thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982); Hoa Kỳ tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO); Một số diễn biến chính về tình hình bạo loạn tại Pháp...
Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

I. KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM TRUNG QUỐC VÀ THAM DỰ HỘI NGHỊ DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH
Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25-28/6/2023.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, diễn ra vào thời điểm Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (tháng 6/2008-6/2023), trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước duy trì cục diện phát triển và đạt nhiều thành quả tích cực mới. 
Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện:
Một là, trong các cuộc gặp, các đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều khẳng định hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị hai Đảng, hai nước, thể hiện thành ý, thiện chí trong việc làm sâu sắc hơn nữa các mặt hợp tác giữa hai bên, nhất là trên kênh Đảng, trong các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, việc phát triển quan hệ với Việt Nam là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ lâu dài với Việt Nam.
Hai là, hai bên nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng. Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Ba là, hai bên đạt nhiều nhất trí quan trọng về duy trì giao lưu, tiếp xúc thường xuyên qua kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, giữa các bộ, ngành, địa phương, nhân dân hai nước. Nhất trí khôi phục các hoạt động giao lưu nhân dân, qua đó tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống hữu nghị của hai Đảng, hai nước.
Cũng trong thời gian này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn Việt Nam đãtham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện:
Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ nhiều quan điểm, cách tiếp cận, những định hướng, giải pháp hữu hiệu, thiết thực, kịp thời, xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của Việt Nam, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thông điệp của Thủ tướng về ba yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế là bảo đảm hòa bình, ổn định, đoàn kết, hợp tác quốc tế, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, đặc biệt là khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các động lực tăng trưởng và phát huy tiềm năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá cao và trở thành định hướng thống nhất cao tại Hội nghị WEF.
Thứ hai, sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục góp phần thúc đẩy thực chất quan hệ giữa Việt Nam và WEF. Việc hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2026, tập trung vào những lĩnh vực khả thi như: chuyển đổi xanh, tài chính xanh, chuyển đổi số... đã tạo nền tảng để tăng cường quan hệ hai bên trong giai đoạn mới.
Thứ ba, sự tham gia của Việt Nam tại hội nghị với nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi cởi mở, thân tình của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu đã góp phần tiếp tục truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu về những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, những mục tiêu và định hướng phát triển của Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nước ngoài hiểu sâu sắc hơn về chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư, qua đó tăng cường niềm tin và đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp. Chuyến thăm đã tạo được dấu ấn tốt với chính giới, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về vai trò, vị thế của Việt Nam, tiềm năng và triển vọng kinh tế Việt Nam. Những đóng góp thiết thực của Việt Nam tại Hội nghị WEF không chỉ góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - WEF, mà còn tăng cường hơn nữa việc thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong thời gian tới, công tác thông tin, tuyên truyền cần tập trung một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với việc củng cố và tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thứ hai, qua các đánh giá của cộng đồng chính giới, báo chí quốc tế tiếp tục thông tin, tuyên truyền khẳng định vị thế quốc tế, triển vọng kinh tế của Việt Nam; tăng cường thông tin, quảng bá về môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.
Thứ ba, chủ động đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội nhằm gây phương hại tới quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; kiểm soát có hiệu quả trước các thông tin tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Việt Nam.
II. HIỆP ĐỊNH VỀ BIỂN CẢ - VĂN KIỆN THỨ 3 THỰC THI CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN (UNCLOS 1982)
Vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ngoài vùng tài phán quốc gia (Hiệp định về Biển cả). Văn kiện này góp phần quan trọng trong việc củng cố hệ thống các văn kiện dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) trong quản trị các vùng biển và đại dương, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tất cả các quốc gia.
 Đây là văn kiện thứ 3 thực thi UNCLOS, sau văn kiện về đàn cá di cư và văn kiện nhằm thực thi Phần XI của Công ước. Hiệp định gồm 17 Chương, 76 Điều, 2 Phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề gồm: (i) Chia sẻ lợi ích nguồn gien biển; (ii) Thiết lập vùng bảo tồn biển; (iii) Đánh giá tác động môi trường; (iv) Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; (v) Vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của Hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính...
Hiệp định về đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định về Biển cả), ghi nhận nguyên tắc nền tảng về việc nguồn gien biển là di sản chung của nhân loại, là cơ sở để mọi lợi ích thu được từ nguồn gien biển cần được chia sẻ công bằng với tất cả các quốc gia. Đáng chú ý, lần đầu tiên “thông tin chuỗi số hóa về nguồn gien”, được coi là một “tài sản số” gắn liền với nguồn gien biển và lợi ích liên quan có thể được chia sẻ cho toàn thể nhân loại theo một cơ chế được Hiệp định xác định. Trong bối cảnh khả năng tiếp cận, khai thác tài nguyên gien biển giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển còn cách biệt, văn kiện này đánh dấu sự thỏa hiệp giữa các nhóm nước có lợi ích khác nhau trong việc thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gien biển ngoài vùng tài phán quốc gia, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ, đồng thời bảo đảm công bằng trong chia sẻ lợi ích từ việc khai thác và sử dụng bền vững nguồn gien biển phong phú. Các nước thành viên UNCLOS đánh giá việc thông qua văn bản của Hiệp định là một “chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và của những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương”.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn đàm phán, khẳng định Hiệp định thể hiện sự cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc đạt được một văn kiện nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia. Hiệp định này sẽ củng cố hơn nữa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), là khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển; tăng cường chủ nghĩa đa phương. Đồng thời, là một dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế, góp phần thực hiện Thập kỷ Liên hợp quốc về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững, thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.
III. HOA KỲ TÁI GIA NHẬP TỔ CHỨC GIÁO DỤC, KHOA HỌC VÀ VĂN HÓA LIÊN HỢP QUỐC (UNESCO)
Tại phiên họp toàn thể bất thường của UNESCO ngày 30/6/2023, các nước thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ sự trở lại của Hoa Kỳ, với 132 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 15 phiếu trắng. Với kết quả này, Hoa Kỳ đã chính thức tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đảo ngược quyết định rút khỏi tổ chức này dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donal Trump.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) được thành lập vào tháng 11/1945 và chính thức đi vào hoạt động năm 1946. Hiện tổ chức này có 193 thành viên và 12 quan sát viên.
Là một trong những thành viên sáng lập UNESCO, Hoa Kỳ từng là quốc gia đóng góp chính cho ngân sách của UNESCO cho đến năm 2011, thời điểm UNESCO chấp thuận Palestine là một nhà nước thành viên. Sau sự kiện này, Hoa Kỳ ngừng đóng góp tài chính cho UNESCO. Bởi theo Đạo luật Ủy quyền quan hệ đối ngoại được thông qua năm 1990, Hoa Kỳ sẽ cắt hỗ trợ cho bất kỳ tổ chức nào của Liên hợp quốc coi Tổ chức Giải phóng Palestine có vị thế như các quốc gia thành viên khác. Năm 2017, Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi UNESCO do Israel và chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng về các quyết định của UNESCO, trong đó có việc xếp thành cổ Hebron ở khu bờ Tây bị chiếm đóng vào danh sách di sản thế giới thuộc Palestine (tháng 10/2017). Quyết định rút khỏi UNESCO chính thức có hiệu lực năm 2018. UNESCO sau đó đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, bắt buộc cắt giảm nhiều hoạt động, phải dựa vào các khoản đóng góp tự nguyện của các quốc gia khác.
Việc Hoa Kỳ quay trở lại UNESCO, với cam kết trả dần khoản nợ hơn 500 triệu USD cũng như những gói tài trợ mới không chỉ giúp cho tổ chức này có thêm ngân sách mà còn tăng cường vai trò, mở rộng các chương trình hoạt động của mình. Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng, việc Hoa Kỳ quay trở lại UNESCO sẽ giúp tổ chức này ở vị thế mạnh mẽ hơn để thực hiện sứ mệnh của mình. Tháng 3/2023, khi dự thảo ngân sách cho năm tài khoá 2024 được công bố, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề nghị khoản tiền 150 triệu USD trong ngân sách năm 2024 để thanh toán cho các khoản nợ và phí cho UNESCO từ năm 2011-2017 và sẽ tiếp tục đề nghị khoản tiền tương tự cho các năm tiếp theo cho đến khi trả hết khoản nợ 619 triệu USD. Đồng thời, Hoa Kỳ dự kiến sẽ chi 100 triệu USD/năm nếu muốn duy trì tư cách thành viên được bỏ phiếu của UNESCO.
Đối với Hoa Kỳ, cùng với việc trở lại một số tổ chức mà nước này rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong đó nổi bật là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, việc gia nhập trở lại UNESCO góp phần thúc đẩy các chiến lược toàn cầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden, củng cố vị thế lãnh đạo và quảng bá cho hình ảnh của Hoa Kỳ. Cụ thể, Hoa Kỳ muốn giải quyết các mối quan ngại và đối phó với ảnh hưởng không chỉ của Trung Quốc mà còn các nước lớn khác trong UNESCO nói riêng và các tổ chức quốc tế khác nói chung. Theo đánh giá của giới chức Hoa Kỳ, những hoạt động đang diễn ra tại UNESCO thực sự quan trọng, như hoạt động nghiên cứu quy tắc, chuẩn mực cho trí tuệ nhân tạo, tác động đến sự phân tách thế giới đang gia tăng, góp phần định hình trật tự thế giới thông qua giáo dục, đào tạo trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Hoa Kỳ sẽ có thêm nền tảng để củng cố và thúc đẩy cho lợi ích của nước này trong tương lai.
IV. MỘT SỐ DIỄN BIẾN CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH BẠO LOẠN TẠI PHÁP
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin ngày 5/7/2023 tuyên bố tình trạng bạo loạn đã chấm dứt tại Pháp sau hơn một tuần bùng phát, song các lực lượng chức năng vẫn đang duy trì mức độ cảnh giác cao.
 Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc bạo loạn ở Pháp là việc một thiếu niên 17 tuổi người Pháp gốc Algeria được xác định danh tính là Nahel M. đã bị cảnh sát bắn chết do không tuân thủ hiệu lệnh khi đang tham gia giao thông và dừng xe ở Nanterre vào ngày 27/6/2023. Sự việc này đã dấy lên các cuộc biểu tình kéo dài và biến thành bạo loạn khi những người biểu tình đốt xe, lập rào chắn trên đường phố và bắn pháo hoa vào lực lượng cảnh sát trong khi cảnh sát đáp trả người biểu tình bằng đạn hơi cay. Chính phủ Pháp đã triển khai 45.000 cảnh sát cùng xe thiết giáp trên toàn quốc trong một nỗ lực dập tắt bạo loạn và tuyên bố huỷ bỏ các sự kiện quy mô lớn trên toàn quốc. Tình hình trên cũng khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất về khả năng lãnh đạo kể từ các cuộc biểu tình Áo khoác vàng vào năm 2018.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin, tính đến ngày 3/7/2023, hơn 3.300 người đã bị bắt giữ. Phần lớn trong số đó là trẻ vị thành niên, với độ tuổi trung bình là 17. Thiệt hại kinh tế và mức độ nghiêm trọng trong một tuần diễn ra bạo loạn được đánh giá là vượt qua kỷ lục 3 tuần bạo loạn năm 2005. Theo thống kê của Bộ Nội Vụ Pháp ngày 2/7, hơn 5.000 chiếc xe và 10.000 thùng rác bị đốt cháy, hơn 1.000 tòa nhà bị phóng hỏa, đập phá hoặc cướp phá, 250 vụ tấn công vào đồn cảnh sát hoặc hiến binh, với hơn 700 cảnh sát bị thương. Nghiệp đoàn Giới chủ (MEDEF) - liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp, cho biết các cuộc biểu tình bạo loạn bùng phát từ tuần trước ở nước này đến nay đã gây thiệt hại ước tính lên tới hơn 01 tỷ USD. Đáng chú ý là cuộc bạo loạn này đã làm tổn hại tới hình ảnh của nước Pháp.
Về nguyên nhân sâu xa của vụ việc, Tổng thống Pháp Macron cho rằng “các nền tảng và mạng đang đóng một vai trò quan trọng”. Các mạng xã hội như “Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác - đóng vai trò là nơi tổ chức các cuộc tụ tập bạo lực, và cũng có một hình thức bắt chước bạo lực khiến một số thanh niên lạc lối khỏi thực tế”. Ông Macron cho rằng, giới trẻ đang xuống đường để diễn lại “các trò chơi điện tử bạo lực”, đồng thời kêu gọi các bậc phụ huynh giữ con em ở nhà. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, tình trạng biểu tình liên tiếp đã bộc lộ những bất ổn của xã hội Pháp. Thứ nhất là kinh tế Pháp hiện nay có khoản nợ công là 112% GDP, con số này là một trong những mức cao nhất của các nước EU, cao hơn cả Anh và Đức. Trong đó, gánh nặng lương hưu hiện nay đang chiếm 14% sản lượng kinh tế và do đó quỹ lương hưu liên tục thâm thụt trong nhiều năm liên tiếp. Điều này đã buộc chính phủ phải tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 64 bất chấp hàng trăm cuộc tuần hành, biểu tình phản đối vào đầu năm 2023. Thứ hai là các tranh cãi xung quanh chính sách nhập cư và tình trạng di cư không kiểm soát đang diễn ra trên toàn cầu. Theo giới quan sát, câu chuyện của Nahel M. phản ánh sự phẫn nộ của những người trẻ thuộc cộng đồng nhập cư có thu nhập thấp, sinh sống trong những khu nhà giống như khu ổ chuột ở vùng ngoại ô Pháp. Tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, hạn chế trong tiếp cận các cơ hội giáo dục và sự xa lánh xã hội là những vấn đề mà người nhập cư không chỉ ở Pháp mà tại nhiều quốc gia ở châu Âu đang phải đối diện. Vụ việc cũng cho thấy khoảng cách giàu, nghèo ngày càng rộng ở Pháp. Cơ quan giám sát nhân quyền của Liên hợp quốc cho rằng, vụ việc này là lời cảnh tỉnh, đòi hỏi Chính phủ Pháp giải quyết nghiêm túc các vấn đề sâu xa về phân biệt chủng tộc, đặc biệt là phân biệt chủng tộc trong thực thi pháp luật.
V. MỘT SỐ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY
- Diễn biến tình hình Ukraine: Hoa Kỳ quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách chính sách Colin Kahl cho biết quyết định gửi bom chùm cho Ukraine nhằm đảm bảo rằng, Ukraine có đủ vũ khí để tiếp tục chiến đấu trong bối cảnh cuộc phản công hiện nay không đạt được tiến độ như mong đợi. Quyết định này được đưa ra bất chấp những lo ngại rằng loại vũ khí gây tranh cãi này có thể gây thương vong cho dân thường và đã vấp phải sự phản đổi của chính nội bộ chính quyền Hoa Kỳ, cùng nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã lên tiếng phản đối quyết định của Hoa Kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục cho thấy đường lối chống Nga của Hoa Kỳ nhằm kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine. Tình hình xung đột tại Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, kéo theo mối quan hệ giữa Hoa Kỳ/phương Tây và Nga vẫn ở trạng thái đối đầu căng thẳng.
- Nhật báo Tài chính Financial Times (FT) của Anh ngày 9/7, nhận định thời khắc của nền kinh tế của Việt Nam đã đến. Theo đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng vọt lên mức cao nhất trong một thập kỷ vào năm 2022. Những tập đoàn tên tuổi lớn trong đó có Dell, Google, Microsoft và Apple đều đã chuyển một phần chuỗi cung ứng đến Việt Nam. Với lợi thế vị trí gần Trung Quốc, chi phí thấp cùng với lực lượng lao động trẻ và được đào tạo tốt, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á vào năm ngoái (tăng trưởng 8%) và là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu đạt được mức tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ đại dịch Covid-19. Trong ngắn hạn, để tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, Việt Nam cần củng cố môi trường kinh doanh. Về lâu dài, để đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải tận dụng lợi ích tăng trưởng sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế. Trong thập kỷ tới, Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất và đặc biệt là cơ sở hạ tầng cần được nâng cấp khi mạng lưới điện quốc gia đang phải chịu sức ép của nhu cầu công nghiệp ngày càng tăng. Ngân hàng thế giới (WB) cũng khuyến nghị Việt Nam hỗ trợ nhiều hơn cho việc áp dụng công nghệ, tăng cường kỹ năng quản lý và tiếp tục giảm bớt các hạn chế đối với FDI trong lĩnh vực dịch vụ để hướng tới sự thịnh vượng lâu dài.
- Nền kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ giảm phát. Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy CPI trong tháng 6 vừa qua đã giảm so với mức 0,2% ghi nhận trong tháng trước đó, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức dự báo của giới chuyên gia do nhu cầu trong nước chậm lại. Theo NBS, giá thực phẩm tăng 2,3%, trong khi giá của các mặt hàng phi thực phẩm giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 6/2023, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng giảm 5,4%, mạnh hơn mức giảm 4,6% của tháng trước đó. NBS cho rằng nhu cầu toàn cầu kém và chi phí nguyên vật liệu giảm mạnh đã gây áp lực giảm giá xuất xưởng. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể kể từ tháng 4/2023, sau khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn các quy tắc nghiêm ngặt về kiểm soát dịch Covid-19. Đồng Nhân dân tệ ở mức thấp nhất trong 7 tháng so với đồng USD do xuất khẩu giảm. Điều này làm dấy lên những nguy cơ giảm phát, ảnh hưởng xấu tới  triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng chính quyền Trung Quốc cần có những hành động để hỗ trợ nền kinh tế.
Ban Tuyên giáo Trung ương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây