Thông tin trong nước (số tháng 7/2023)

Thứ sáu - 30/06/2023 10:45
Thông tin trong nước (số tháng 7 năm 2023) có các nội dung sau: Một số kết quả chủ yếu nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII và nhiệm vụ trọng tâm nửa cuối nhiệm kỳ khóa XIII; Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc; Một số tình hình, kết quả và nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị giữa nhiệm kỳ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị giữa nhiệm kỳ.
 
I. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHỦ YẾU NỬA ĐẦU NHIỆM KỲ KHÓA XIII; NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NỬA CUỐI NHIỆM KỲ KHÓA XIII
Từ ngày 15-17/5/2023, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị giữa nhiệm kỳ. Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; để từ đó, đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Sau đây là một số kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay:
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII từ đầu nhiệm kỳ đến nay
1.1. Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị có nhiều đổi mới, tiến hành bài bản, khoa học, kịp thời, hiệu quả; mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng. Việc học tập, nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương đã được chỉ đạo đồng bộ, thực hiện nghiêm túc; việc xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể, khả thi.
Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng bộ, thống nhất cao. Công tác cán bộ được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng, thận trọng, đúng quy định, quy trình, tạo được sự đồng thuận cao trong Đảng và xã hội.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, chủ trương kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng làm cơ sở để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Tổ chức sơ kết, tổng kết và hoàn thiện, ban hành nhiều quy định mới về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, tổ chức và cán bộ. Đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phân cấp quản lý biên chế cho các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương…
1.2. Về kinh tế - xã hội
Đề ra chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời thể chế hóa và tổ chức triển khai, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng và ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sơ kết, tổng kết nhiều nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Tập trung chỉ đạo, tổng kết các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (khóa XI); về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (khóa XI); về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo (khóa IX); về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Ban hành mới nhiều chỉ thị, kết luận về lĩnh vực văn hóa, xã hội. Tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa các quan điểm của Đại hội XIII về văn hóa, con người và định hướng hoạt động văn hóa - văn nghệ trên cơ sở tổng kết 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam; triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ, y tế, dân số, thể dục, thể thao, gia đình, trẻ em.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Kịp thời chỉ đạo và triển khai các chủ trương, biện pháp lớn nhằm ổn định, phát triển bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm nhưng giai đoạn 2020-2022, Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, kiểm soát lạm phát và bảo đảm được các cân đối lớn, nhất là kiểm soát tốt nợ công và giảm bội chi theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội đạt được nhiều thành quả, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; thực hiện kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; công tác giảm nghèo bền vững được chú trọng; các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ và chăm sóc trẻ em… được triển khai hiệu quả.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp quản lý gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát quyền lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; ban hành các chủ trương có tính đột phá, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; chủ trương, định hướng lớn về quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không đến năm 2030, định hướng, tầm nhìn đến năm 2050… bảo đảm phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế vùng; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, nhất là hệ thống đường cao tốc trên trục Bắc - Nam và Đông - Tây...
1.3. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế
Ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế; chỉ đạo và triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…; xây dựng Đảng bộ Quân đội, Công an vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng lực lượng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, dự bị động viên hùng hậu. Chủ động ứng phó kịp thời với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tiếp tục bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân”; nâng cao chất lượng xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ các cấp và phòng thủ quân khu; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đối ngoại và hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh được quan tâm đẩy mạnh với nhiều đổi mới, sáng tạo đạt được kết quả toàn diện; thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19 và cứu hộ, cứu nạn được xã hội, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Phát huy tốt vị thế đối ngoại, tích cực hội nhập, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và sự tin cậy đối ngoại; tích cực tham gia, đóng góp có trách nhiệm vào các cơ chế hợp tác đa phương, góp phần giải quyết những vấn đề chung thách thức toàn cầu, tích cực thực hiện cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu COP26 và COP27; thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế; xử lý các vướng mắc trong triển khai các Hiệp định tự do (FTA) đã ký kết; tận dụng cơ hội từ Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, phê chuẩn Hiệp định RCEP53, kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Ixraen… góp phần quan trọng phục hồi kinh tế sau đại dịch, gia tăng các điều kiện để ứng phó với các thách thức về an ninh và phát triển, tạo không gian kinh tế ngày càng rộng mở cho đất nước…
1.4. Về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và rất nghiêm trọng, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ khóa XV đã sớm kiện toàn tổ chức bộ máy tổ chức và nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tập trung xây dựng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật triển khai Chương trình công tác toàn khóa của Quốc hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2022 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV; lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hoá Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, bảo đảm chặt chẽ trong quá trình sửa đổi Luật Ðất đai (năm 2013).
Quốc hội xem xét, thông qua 16 luật, 83 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 pháp lệnh, 29 nghị quyết. Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Tiếp tục đổi mới, kiện toàn bộ máy nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp giai đoạn 2021-2030, khắc phục hạn chế trong phân cấp, phân quyền; tǎng cường công tác phối hợp và kiểm tra, giám sát trong quản lý nhà nước. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chức nǎng, nhiệm vụ, quyền hạn và sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh giản hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế, chỉ đạo hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021; tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, đến nǎm 2030 cơ bản hoàn thành. Tập trung quản lý, phân cấp, phân quyền cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý biên chế theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
1.5. Về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Chỉ đạo và tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính (lần đầu tiên) để quán triệt, triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII về lĩnh vực nội chính; Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chỉ đạo xây dựng, phát hành cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mang đậm dấu ấn và lan tỏa mạnh mẽ quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng và Nhà nước.
Tiến hành sơ kết, tổng kết, xây dựng các đề án lớn, trên cơ sở đó ban hành nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực, cơ chế phòng ngừa ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần ngǎn chặn, rǎn đe, cảnh tỉnh để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng, tiêu cực”, nhất là quy định về phân cấp quản lý cán bộ, giới thiệu, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; về xử lý cán bộ vi phạm, uy tín thấp; về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; về kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán và nhiều vǎn bản quan trọng khác.
Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm viêc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Đẩy mạnh, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc.
Chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, ảnh hưởng đến ổn định của nền kinh tế và tính mạng, sức khỏe của nhân dân; thực hiện phương châm “truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”; xử lý nghiêm nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước có liên quan trong các vụ án, thể hiện quyết tâm rất cao của Ðảng, Nhà nước, sự nghiêm minh của pháp luật.
1.6. Về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo
Chỉ đạo kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và ban hành một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận… về công tác dân vận; qua đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là thời điểm khó khăn trong phòng, chống đại dịch Covid-19.
Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được quan tâm; đẩy mạnh thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp được tăng cường; công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, ý kiến, kiến nghị chính đáng của người dân được chú trọng.
Quan tâm, bảo đảm kịp thời chế độ cho người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vui xuân, đón tết hoặc khi gặp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai. Tập trung triển khai chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chương trình đầu tư, chính sách dân tộc. Tổ chức bộ máy - cán bộ dân vận tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo được quan tâm; số thôn, bản có đảng viên, chi bộ tăng. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, an ninh tôn giáo được tăng cường.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên các tầng lớp Nhân dân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức tôn giáo nhân dịp tcổ truyền, lễ trọng các tôn giáo, dự Ngày đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
Bên cạnh kết quả trên, Hội nghị giữa nhiệm kỳ đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại: Công tác xây dựng Ðảng, công tác nắm tình hình, nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải phóng, thúc đẩy các nguồn lực cho phát triển kinh tế, tổ chức thực hiện một số chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội có lúc, có nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, quản lý, sử dụng biên chế có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác xây dựng, hoàn thiện Nhà nước và pháp luật, tháo gỡ vướng mắc về thể chế chậm được cải tiến. Một số đồng chí lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận trách nhiệm chính trị, có vi phạm phải xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII
Dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ bên cạnh những thời cơ, thuận lợi sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ban Chấp hành Trung ương xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy đảng các cấp, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thành lập và triển khai hoạt động của các tiểu ban chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031; chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội XIV của Đảng; công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW, khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy định về nêu gương và những điều đảng viên không được làm. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào các cơ chế phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, việc thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế về kiểm soát tài sản, thu nhập...
Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về nguồn nhân lực, quan tâm đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa - xã hội, con người; sớm ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, con người. Cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế trong mọi tình huống; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thực hiện chuyển đổi nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phát triển mạnh khoa học và công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Bốn là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bố trí đầu tư phù hợp với nguồn lực của đất nước và có cơ chế, chính sách đặc thù để đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Năm là, tập trung triển khai chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thực hiện có kết quả cao các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ vướng mắc theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương; giữa Chính phủ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Lãnh đạo triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp luật, bổ sung kịp thời nhiệm vụ lập pháp mới. Đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Khẩn trương ban hành cơ chế, chính sách, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Sáu là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng cơ chế bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính.
Bảy là, tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Tập trung chỉ đạo thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, góp phần mở rộng dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận của Nhân dân; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực sự là nòng cốt để nhân dân làm chủ.
Tám là, nâng cao chất lượng tham mưu, nghiên cứu, dự báo công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, những chủ trương, quyết định quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội; các sự kiện lịch sử quan trọng, ngày lễ kỷ niệm lớn từ nay đến Đại hội XIV của Đảng; tăng cường công tác thông tin đối ngoại; kiên quyết đấu tranh, phản bác thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.
II. CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2023-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt tại Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 24/5/2023) nêu rõ mục tiêu chung là bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030 tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng, đảm bảo trên 90% cơ sở phục hồi chức năng (gồm: bệnh viện phục hồi chức năng; trung tâm phục hồi chức năng, khoa phục hồi chức năng thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển. Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng, phấn đấu trên 90% bệnh viện phục hồi chức năng đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; 100% các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình - phục hồi chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng thuộc các bộ, ngành đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.
Tầm nhìn đến năm 2050, phục hồi chức năng được phát triển tại tất cả các tuyến trong và ngoài ngành y tế với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện, liên tục, chất lượng. Đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật ở Việt Nam; tiến tới triển khai phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở tất cả các xã, phường, thị trấn; các quận, huyện, thị xã; các tỉnh, thành phố trong cả nước và được tích hợp trong nhiều dịch vụ xã hội khác ngoài cơ sở y tế. Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.
Chương trình đề ra các nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phục hồi chức năng người khuyết tật đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đảm bảo cho người khuyết tật, người dân có nhu cầu được chăm sóc, phục hồi chức năng. Nghiên cứu xây dựng chính sách chi trả bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật sử dụng dụng cụ phục hồi chức năng, công nghệ trợ giúp, thiết bị, vật liệu phục hồi chức năng, trang thiết bị y tế đặc thù cá nhân và hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Xây dựng và phát triển các mã ngành, mã nghề đào tạo về phục hồi chức năng. Xây dựng các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực phục hồi chức năng
Xây dựng, hoàn thiện hướng dẫn thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật. Phát triển mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên phạm vi toàn quốc. Tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật là các đối tượng đặc biệt: người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, dioxin, người cao tuổi, người tâm thần và trẻ tự kỷ.
Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và dạy nghề của các cơ sở đào tạo và dạy nghề chuyên khoa phục hồi chức năng, khuyến khích các cơ sở tư nhân tham gia đào tạo nhân lực phục hồi chức năng. Tăng cường đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức, kỹ năng về phục hồi chức năng cho đội ngũ nhân viên y tế phục hồi chức năng phù hợp với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm. Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý sức khỏe người khuyết tật kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và cung ứng dụng cụ phục hồi chức năng.
Tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn về phục hồi chức năng, các khuyến cáo về phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật. Xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về phục hồi chức năng; đa dạng hóa phương thức, cách thức trên các kênh truyền thông. Khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật. Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát hoạt động phục hồi chức năng, lồng ghép trong hệ thống thông tin y tế quốc gia để theo dõi, dự báo, giám sát yếu tố nguy cơ, số người khuyết tật và tử vong, đáp ứng của hệ thống y tế và hiệu quả các biện pháp chăm sóc, can thiệp phục hồi chức năng.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-TTg, ngày 24/5/2023) với các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Hạn chế, kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế. Đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; việc bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá theo Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới.
Tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá, trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet. Xây dựng, ban hành các quy định, quy chế lồng ghép hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia về phòng chống các bệnh không lây nhiễm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các chương trình y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng và hoạt động chuyên môn của các cơ sở y tế trong toàn quốc; phát triển dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, các quy định của pháp luật có liên quan để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; đề cao tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong việc tham gia, giám sát thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Xây dựng chương trình, kế hoạch thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng giai đoạn; thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá với các hình thức đa dạng, phù hợp đặc điểm từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cập nhật thường xuyên tài liệu, thông tin về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới; lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá, môi trường sống không có khói thuốc lá; chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tăng cường lực lượng, xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp liên ngành; giữa trung ương và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá từ trung ương đến địa phương; thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành theo chuyên đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá theo phân cấp. Tăng cường sử dụng giải pháp về công nghệ thông tin, các mạng xã hội trong giám sát việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghiên cứu về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới đối với sức khỏe của người tiêu dùng; các giải pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hiệu quả; các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả.
Kiện toàn ban chỉ đạo chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Trung ương và tại các tỉnh, thành phố; xây dựng, ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương để bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, phân công trách nhiệm cụ thể của các thành viên Ban chỉ đạo; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá từ trung ương đến địa phương. Tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong việc tham gia, giám sát thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Chủ động, tích cực hội nhập và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá; tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các chính phủ, tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đẩy mạnh hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức quốc tế và các nước trong nghiên cứu, đánh giá, xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá; trong việc thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc; phối hợp với các nước trong khu vực ASEAN và các nước có chung đường biên giới trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, phòng chống buôn lậu thuốc lá. Tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thông qua các hội thảo, hội nghị khoa học, tham quan học tập tại các nước trong khu vực và trên thế giới về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
IV. TĂNG CƯỜNG PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH TỘI PHẠM, VI PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG TỔ CHỨC ĐÁNH BẠC VÀ ĐÁNH BẠC
Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc bảo đảm an ninh, trật tự, tại Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 27/5/2023 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan gây khó khăn trong phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc; kịp thời tham mưu, đề ra các giải pháp khắc phục. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc; tiếp tục đẩy mạnh quá trình tích hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các hệ thống cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm; triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc.
Tăng cường quản lý nhà nước về trò chơi điện tử trên mạng, quản lý chặt chẽ việc thẩm định kịch bản các trò chơi điện tử trên mạng, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng trò chơi điện tử trên mạng để tổ chức đánh bạc và đánh bạc thu lợi bất chính. Tăng cường quản lý các nội dung quảng cáo đăng tải trên báo chí, không gian mạng, xuất bản phẩm, quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh… quảng cáo trái phép có liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc…
Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định tạo điều kiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng. Tăng cường rà soát phát hiện các giao dịch đáng ngờ để có biện pháp xử lý và cung cấp thông tin phục vụ công tác đấu tranh, xử lý. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xổ số, không để đối tượng lợi dụng tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức mua số lô, số đề hoặc phân phối vé xổ số không đúng phương thức.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh trái phép nhằm đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thể thao, văn hóa, giải trí, nhất là trên không gian mạng để cá cược. Tăng cường quản lý các trò chơi, hoạt động tại lễ hội có tính chất cá cược thắng thua bằng tiền, hiện vật, các trò chơi có tính chất cờ bạc. Kịp thời phát hiện hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép thông qua hình thức: Sàn giao dịch ngoại hối, Sàn giao dịch/đầu tư tài chính, tiền điện tử, tài sản ảo, huy động vốn. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người Việt Nam tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc ở nước ngoài và các vụ việc người nước ngoài tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc trái phép tại Việt Nam…
V. MỘT SỐ TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ VÀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 THỜI GIAN TỚI
Ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Trên thế giới mỗi tuần vẫn ghi nhận hàng triệu ca nhiễm hoặc tái nhiễm, hàng trăm nghìn ca nhiễm phải nhập viện, hàng nghìn người tử vong, ngoài ra ước tính cứ 10 ca nhiễm thì có 1 ca dẫn đến tình trạng hậu Covid-19. Do vậy, WHO khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn. Ngày 6/5/2023, Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và các đơn vị liên quan. Tại cuộc họp, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam, đó là:
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan tới việc công bố hết dịch; tiếp tục nghiên cứu các khuyến cáo của WHO, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, xây dựng kế hoạch phòng, chống Covid-19 phù hợp tình hình mới, nhất là tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng và huy động, sử dụng nguồn lực; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là hàng nghìn trẻ em mồ côi; tôn vinh, khen thưởng những người có công, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách với những người tham gia phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, trục lợi.
Bộ Y tế tiến hành tổng kết công tác phòng, chống dịch, từ đó rút ra các bài học chống dịch cho những năm tới nếu có đại dịch để không bị động, bất ngờ; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương; rà soát, chủ động thực hiện hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan; hoàn thiện Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra và dịch Covid-19 có thể quay lại; tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 phù hợp tình hình, nghiên cứu việc tiêm vaccine Covid-19 hằng năm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn theo thẩm quyền. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề, các công việc tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao cảnh giác, làm rõ vấn đề khác nhau giữa dịch nhóm A và nhóm B để có biện pháp phù hợp.
Ban Tuyên giáo Trung ương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây