Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 5 năm 2023)

Chủ nhật - 30/04/2023 17:33
Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới (số tháng 4 năm 2023) gồm một số nội dung sau: Ý nghĩa và một số nội dung chính của văn kiện pháp lý quốc tế về đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia; Diễn biến tình hình tài chính ngân hàng của Mỹ sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley; Nội dung thỏa thuận tàu ngầm năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ; Về chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình; Một số tình hình thế giới thời gian gần đây.
Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau lễ ký Tuyên bố chung. Ảnh: TL
Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau lễ ký Tuyên bố chung. Ảnh: TL
 
I. Ý NGHĨA VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH CỦA VĂN KIỆN PHÁP LÝ QUỐC TẾ VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC Ở VÙNG BIỂN NẰM NGOÀI QUYỀN TÀI PHÁN QUỐC GIA
Văn kiện pháp lý quốc tế về đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia là văn kiện thứ ba trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982, sau Hiệp định thực thi phần XI của Công ước (1994) và Hiệp định về đàn cá di cư (1995).
Đây là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG 14) về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển. Văn kiện pháp lý quốc tế về đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia điều chỉnh việc khai thác, bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gene biển. Văn kiện là bước phát triển quan trọng trong việc củng cố hệ thống các văn kiện dựa trên Công ước Luật biển 1982 - khung pháp lý cho mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương - trong quản trị các vùng biển và đại dương, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tất cả các nước và thế hệ tương lai.
Nội dung văn kiện đã ghi nhận nguyên tắc nền tảng về việc nguồn gene biển là di sản chung của nhân loại, là cơ sở để mọi lợi ích thu được từ nguồn gene biển cần được chia sẻ công bằng với tất cả các quốc gia. Đáng chú ý, lần đầu tiên “thông tin chuỗi số hóa về nguồn gene” - được coi là một “tài sản số” gắn liền với nguồn gene biển và lợi ích liên quan có thể được chia sẻ cho toàn thể nhân loại theo một cơ chế được Văn kiện xác định.
Văn kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh các hoạt động liên quan đến đa dạng sinh học trên một phạm vi rộng lớn của các đại dương. Trong bối cảnh khả năng tiếp cận, khai thác tài nguyên gene biển giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển còn cách biệt, văn kiện đánh dấu sự thỏa hiệp giữa các nhóm nước có lợi ích khác nhau trong việc thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gene biển ngoài vùng tài phán quốc gia, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ, đồng thời bảo đảm công bằng trong chia sẻ lợi ích từ việc khai thác và sử dụng bền vững nguồn gene biển phong phú. Trong đó, các nước đã thống nhất về các nội dung: (1) chia sẻ lợi ích từ nguồn gene biển; (2) biện pháp phân vùng bảo tồn biển; (3) đánh giá tác động môi trường; (4) xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; (5) thành lập và vận hành của các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính…
Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình thương lượng văn kiện này ngay từ đầu. Việt Nam đã thể hiện sự “thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - như trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc Liên hợp quốc thông qua văn kiện đã tạo điều kiện để Việt Nam tận dụng các biện pháp xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ cũng như nguồn lực tài chính của quỹ chia sẻ lợi ích từ nguồn gene biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia để “tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến”, “đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao”, từ đó “phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học”.
II. DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG CỦA MỸ SAU SỰ SỤP ĐỔ CỦA NGÂN HÀNG SILICON VALLEY
Ngày 10/3/2023, Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), một trong những ngân hàng lớn nhất ở Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ, đã tuyên bố phá sản. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ kể từ thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008. Sự việc này đã tác động không nhỏ hệ thống ngân hàng tại Mỹ và mạng lưới tài chính toàn cầu.
Ngay sau khi SVB phá sản thì chỉ sau đó hai ngày, ngày 12/3/2023, Signature Bank (SB) - một ngân hàng khác của Mỹ trong ngành công nghiệp tiền điện tử cũng tuyên bố ngừng hoạt động. Như vậy, chỉ trong 5 ngày, hệ thống ngân hàng của Mỹ chứng kiến sự sụp đổ của 3 ngân hàng liên tiếp. Diễn biến phức tạp của hệ thống ngân hàng tại Mỹ đã nhanh chóng tác động tới mạng lưới tài chính toàn cầu. Cụ thể, hầu hết thị trường chứng khoán đã giảm điểm, trung bình khoảng 2%. Tâm lý hoang mang của nhiều nhà đầu tư khiến thị trường chứng khoán của Mỹ, EU lẫn châu Á lao dốc và làm “đóng băng” hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư.
Liên tiếp sau đó, Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, một trong số 30 ngân hàng toàn cầu, có chi nhánh ở khoảng 50 quốc gia trên thế giới, rơi vào khủng hoảng và bị thu mua với giá 3,25 tỷ USD. Giá cổ phiếu của Credit Suisse đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong phiên giao dịch ngày 13/3/2023 khi thị trường chịu ảnh hưởng bởi những lo ngại xung quanh vụ phá sản của Ngân hàng SVB của Mỹ.
Các vụ sụp đổ hay khó khăn của nhiều ngân hàng trên thế giới trong một thời gian ngắn gần đây cho thấy thị trường tài chính quốc tế đang có những xáo trộn nhất định. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng 2 nước đã hành động nhanh chóng, kịp thời. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hỗ trợ hơn 100 tỷ USD thanh khoản cho UBS. Ngày 12/3/2023, chỉ 2 ngày sau sự kiện phá sản của SVB, Bộ Tài chính Mỹ, Fed và Công ty Bảo hiểm liên bang (FDIC) đã phát đi thông báo nhấn mạnh người gửi tiền tại SVB có quyền tiếp cận tất cả số tiền của họ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng trấn an người dân rằng “Tiền gửi của quý vị có sẵn khi quý vị cần”, nhằm tránh hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền, có nguy cơ kéo nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng tài chính lớn tương tự như năm 2008.
Bất chấp những diễn biến tiêu cực, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%). Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 4,75 - 5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2007. Fed đã tăng lãi 9 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Trong thông báo chính thức, đại diện của Fed thừa nhận các biến động tài chính gần đây đã gây sức ép lên lạm phát và nền kinh tế. Tuy nhiên, Fed vẫn tin là “hệ thống ngân hàng Mỹ rất vững mạnh”.
Trong báo cáo công bố ngày 13/3/2023, Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s thông báo hạ mức đánh giá triển vọng với hệ thống ngân hàng Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực. Theo Moody's, quyết định này phản ánh đúng mức độ suy thoái nhanh chóng trong môi trường hoạt động của ngành ngân hàng Mỹ. Mặc dù chính phủ Mỹ đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp củng cố mảng tiền gửi tại SVB và Signature Bank nhằm khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng, Moody’s cho rằng các ngân hàng khác trong toàn hệ thống vẫn có thể chịu rủi ro. Trong đó, Moody's đề cập các ngân hàng có thể chịu tổn thất đáng kể nhưng chưa được tính toán đầy đủ từ danh mục đầu tư chứng khoán.
III. NỘI DUNG THỎA THUẬN TÀU NGẦM NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN TRONG KHUÔN KHỔ HIỆP ƯỚC AN NINH 3 BÊN AUSTRALIA - ANH - MỸ
Ngày 13/3/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố thỏa thuận tàu ngầm năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh 3 bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS) “vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do”. Đây là thỏa thuận lịch sử, đánh dấu chương mới trong hợp tác quốc phòng, an ninh giữa 3nước.
Nội dung của Thỏa thuận bao gồm việc sản xuất và vận hành một lớp tàu ngầm mới được gọi là “SSN-AUKUS”- một loại tàu ngầm được phát triển bởi ba bên, dựa trên thiết kế thế hệ tiếp theo của Anh, sử dụng công nghệ tiên tiến của Mỹ và được hoàn thiện tại Anh và Australia. Với ngân sách lên tới 368 tỷ AUD (244,36 tỷ USD) trải dài ba thập kỷ, thỏa thuận trên sẽ là kế hoạch xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân quy mô chưa từng có. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ bán 03 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia cho Australia vào đầu thập niên tới và Australia có thể mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết. Theo dự kiến, tàu ngầm Virginia đầu tiên sẽ được Mỹ chuyển giao cho Australia vào năm 2033, tàu thứ 2 chuyển giao vào năm 2036 và tàu thứ 3 chuyển giao vào năm 2039. Ngoài ra, Anh và Australia mỗi nước cũng có kế hoạch đóng ít nhất 8 tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD. Những chiếc tàu ngầm đầu tiên của Australia dự kiến sẽ hoạt động vào đầu những năm 2040, trong khi Anh lên kế hoạch chế tạo 8 tàu ngầm và sẵn sàng mở rộng hạm đội tàu ngầm lên 19 chiếc trong tương lai. Australia sẽ đầu tư vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ và Vương quốc Anh, một động thái chưa từng có nhằm tăng cường năng lực sản xuất tại các nhà máy đóng tàu. Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhấn mạnh, AUKUS sẽ mang lại khoản đầu tư 4 tỷ USD cho năng lực công nghiệp của Australia trong giai đoạn 2023 - 2027, đồng thời tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong 30 năm tới. Đáng chú ý, với thoả thuận này, Australia sẽ trở thành nước thứ 7 sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ. 
Thỏa thuận trên đã đánh dấu lần đầu tiên Mỹ xuất khẩu công nghệ tàu ngầm hạt nhân kể từ những năm 1960, sau khi giúp Anh thiết kế hạm đội của nước này. Tại lễ công bố thỏa thuận, các nhà lãnh đạo ba nước đều khẳng định mạnh mẽ rằng, các tàu ngầm thuộc AUKUS chạy bằng năng lượng hạt nhân và không được trang bị bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào. Các bên cam kết tham gia thỏa thuận AUKUS, Australia vẫn duy trì là quốc gia không phổ biến vũ khí hạt nhân, không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân và tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước Rarotonga, cũng như các văn kiện, thỏa thuận Australia đã ký với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS, Australia không làm giàu urani hoặc tái chế nguyên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, không tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho các tàu ngầm SSN AUKUS. Anh và Mỹ cung cấp cho Australia toàn bộ vật liệu hạt nhân. Australia cam kết quản lý an toàn công nghệ, quản lý chất thải phóng xạ, gồm cả nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại Australia. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng cần bảo đảm thỏa thuận AUKUS không gây ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Australia khẳng định thỏa thuận này nhằm đảm bảo cân bằng chiến lược và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Một số nhà quan sát cho rằng thoả thuận còn bao hàm công nghệ quốc phòng liên quan đến trí tuệ nhân tạo, nền tảng điện toán lượng tử dưới đáy biển và các công nghệ khác. Vì vậy, thỏa thuận không chỉ là tàu ngầm mà còn là công nghệ phòng thủ tân tiến và sự tương thích, đồng bộ công nghệ giữa các bên với nhau.
 Phản ứng trước việc Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: “Tuyên bố chung mới nhất của Mỹ, Anh và Australia chứng tỏ 3 nước này, vì lợi ích địa chính trị của mình, hoàn toàn coi thường mối quan ngại của cộng đồng quốc tế và đang ngày càng đi xa hơn trên con đường sai lầm và nguy hiểm”.
IV. VỀ CHUYẾN THĂM NGA CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC, TỔNG BÍ THƯ TRUNG QUỐC TẬP CẬN BÌNH
Từ ngày 20-23/3/2023, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Liên bang Nga. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình ngay sau khi tái đắc cử Chủ tịch nước Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 3.
Chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ của Nga với các nước phương Tây và Mỹ đang căng thẳng do Nga đang tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và ngay sau khi Tòa án hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin; cạnh tranh Trung - Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính giới và dư luận quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt tới chuyến thăm và những diễn biến mới trong quan hệ Trung - Nga. Theo truyền thông Trung Quốc, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy hợp tác chiến lược và thực chất giữa Trung Quốc và Nga, tạo đà mới cho sự phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới.
Về quan hệ 2 nước, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định, quan hệ hai nước đang bước vào kỷ nguyên mới. Sự phối hợp trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga đã góp phần đảm bảo công bằng quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển chung của hai nước. Trong bối cảnh thế giới đang trải qua quá trình chuyển đổi, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Nga nhằm bảo vệ hệ thống quốc tế, với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm. Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình là minh chứng cho quan hệ đối tác đặc biệt Nga - Trung và nhận định quan hệ song phương hai nước đã phát triển ấn tượng trong thập kỷ qua, đồng thời đánh giá quan hệ Nga - Trung đang ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Về quan hệ kinh tế, 2 bên đặt kế hoạch đưa kim ngạch thương mại song phương từ 185 tỷ USD năm 2022 lên hơn 200 tỷ USD năm 2023, trong đó 2/3 sẽ được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp. Nga và Trung Quốc thỏa thuận mở rộng việc thanh toán bằng đồng nội tệ của hai nước, giảm việc sử dụng đồng USD. Nga ủng hộ sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong các thỏa thuận thương mại giữa Nga và các nước châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh. Nga cam kết cung cấp ổn định nguồn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên cũng như than đá và điện cho Trung Quốc. Thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí Power of Siberia-2 đi qua Mông Cổ có công suất vận chuyển 50 tỷ mét khối/năm đã được ký kết. Tổng thống Putin gọi dự án này là thỏa thuận thế kỷ. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin khẳng định hợp tác kinh tế và thương mại vẫn là ưu tiên hàng đầu của hai nước. Trong khi, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố nhất trí đẩy mạnh kế hoạch toàn diện ở cấp cao nhất, tăng cường thương mại năng lượng và tài nguyên.
Về quốc phòng an ninh, Lãnh đạo 2 nước đồng ý “thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không cũng như các cuộc tập trận chung”, tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự bằng cách sử dụng tất cả các cơ chế song phương sẵn có, đồng thời tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các lực lượng vũ trang. Nga và Trung Quốc lo ngại trước sự hiện diện ngày càng tăng của NATO ở châu Á, đồng thời cáo buộc Mỹ gây tổn hại cho an ninh toàn cầu. “Các bên kêu gọi Mỹ ngừng phá hoại an ninh khu vực và quốc tế cũng như sự ổn định chiến lược toàn cầu để đảm bảo lợi thế quân sự đơn phương của mình”.
Về xung đột Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong tuyên bố chung, “Nga và Trung Quốc kêu gọi chấm dứt tất cả các bước góp phần làm leo thang căng thẳng và kéo dài chiến sự, tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng”.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên ra 2 tuyên bố chung, khẳng định tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược song phương và kêu gọi đàm phán hòa bình giải quyết xung đột Ukraine. Sáu bản ghi nhớ đã được ký kết liên quan đến thương mại, lâm nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng và cơ sở hạ tầng ở Viễn Đông của Nga. Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom và cơ quan năng lượng nguyên tử Trung Quốc đã nhất trí về “một chương trình toàn diện hợp tác lâu dài trong lĩnh vực lò phản ứng neutron nhanh và khép kín chu trình nhiên liệu hạt nhân”.
V. MỘT SỐ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY
- Trung Quốc công bố Sách Trắng tiêu đề “Quản trị không gian mạng dựa trên luật pháp của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”. Trong đó nhấn mạnh Trung Quốc coi quản trị không gian mạng dựa trên luật pháp là phần cốt yếu trong chiến lược tổng thể về pháp trị. Sách Trắng cho biết hệ thống pháp lý cho quản trị không gian mạng của Trung Quốc hiện nay tập trung vào quản trị không gian mạng toàn diện, bao trùm các lĩnh vực như dịch vụ thông tin mạng, phát triển công nghệ thông tin và an ninh mạng. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới nhất như Big Data, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và blockchain trong quy trình tư pháp, thi hành án, hành chính tư pháp và các lĩnh vực khác. Theo đó, các tòa án địa phương được khuyến khích khai thác những cơ chế mới với các tính năng phù hợp từng địa phương để tiến hành xét xử dựa trên internet, trên cơ sở sự phát triển của internet tại địa phương.
 - Phần Lan đã chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, việc Phần Lan gia nhập NATO là một bước thắt chặt an ninh cho chính quốc gia này, đồng thời giúp khối quân sự củng cố sức mạnh. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh việc Phần Lan gia nhập NATO làm tăng nguy cơ xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang và tuyên bố Nga sẽ buộc phải thực hiện “các biện pháp đáp trả” đối với diễn biến mới này. 
Giới phân tích nhận định, việc Phần Lan gia nhập NATO là một bước thắt chặt an ninh cho chính quốc gia này, đồng thời giúp liên minh quân sự lớn nhất thế giới củng cố sức mạnh song cũng tạo ra nhiều rủi ro cho quan hệ NATO - Nga.
Trên thực tế, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các quan chức lãnh đạo Phần Lan đã nhiều lần lên tiếng cho rằng cuộc xung đột này đã làm đảo lộn tất cả những chiến lược an ninh - đối ngoại mà Phần Lan duy trì từ nhiều thập kỷ qua. Là quốc gia có đường biên giới dài 1.340 km với Nga và lại có mối quan hệ lịch sử phức tạp với Nga, Phần Lan cảm thấy bị đe dọa trước các biến động hiện nay ở châu Âu. Mục đích của Phần Lan gia nhập NATO là tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới này. Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ giúp liên minh tăng cường sức mạnh quân sự và khả năng răn đe ở khu vực Baltic.
Ban Tuyên giáo Trung ương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây