I. CHỦ TỊCH NƯỚC VÕ VĂN THƯỞNG TỚI VƯƠNG QUỐC ANH DỰ LỄ ĐĂNG QUANG CỦA NHÀ VUA CHARLES III VÀ HOÀNG HẬU CAMILLA
Nhận lời mời của Hoàng gia Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, ngày 4/5/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III tại Vương quốc Anh.
Lễ đăng quang Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla diễn ra tại Tu viện Westminster ở London với sự tham dự của hơn 2.200 khách mời, là các thành viên Hoàng gia Anh và nước ngoài, đại diện của gần 130 quốc gia trên thế giới, các chính khách Anh và các tình nguyện viên khắp nước Anh. Sự kiện này có sự tham dự của khoảng 100 nguyên thủ quốc gia trên thế giới; thu hút 20,4 triệu người dân Anh theo dõi trên truyền hình và trở thành chương trình phát sóng được nhiều người xem nhất kể từ đầu năm đến nay.
Chuyến đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là hoạt động đối ngoại cấp cao có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vị thế và vai trò của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Việc Chủ tịch nước tham dự Lễ đăng quang của Vua Charles III cũng thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với hoàng gia Anh và quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh. Qua đó, thắt chặt hơn nữa quan hệ tốt đẹp và tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Trong các buổi gặp gỡ và trao đổi với Nhà vua Charles III, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, các thành viên của Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Anh, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược
Việt Nam - Anh; mong muốn Nhà vua và Hoàng gia Anh tiếp tục ủng hộ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển sâu sắc và toàn diện hơn nữa trong thời gian tới; trân trọng mời Nhà vua thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.
Nhà vua Charles III khẳng định, Hoàng gia Anh và cá nhân Nhà vua luôn quan tâm, ủng hộ công cuộc đổi mới và phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh; mong muốn hai nước sẽ tiếp tục cùng nhau xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn nữa. Các nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu ở khu vực trong bối cảnh Anh đang đẩy mạnh triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, trong các cuộc tiếp xúc bên lề sự kiện, các nhà lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đều bày tỏ đánh giá cao và coi trọng quan hệ tốt đẹp, hiệu quả với Việt Nam; ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế trao đổi, nhất trí nỗ lực thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong thời gian tới, đóng góp vào hòa bình, cùng phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
II. KẾT QUẢ CHUYẾN CÔNG DU VIỆT NAM CỦA NGOẠI TRƯỞNG HOA KỲ ANTONY BLINKEN
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken thăm Việt Nam từ ngày 14-16/4/2023. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Antony Blinken trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt khi năm 2023 là năm kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước (2013 - 2023). Thông qua chuyến thăm lần này cho thấy chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng quan hệ với Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy tăng cường quan hệ hai nước theo tinh thần Đối tác toàn diện 2013 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 2015, đồng thời triển khai kết quả điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (3/2023), tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã có các cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ hai nước, khẳng định những cơ sở quan trọng cho sự phát triển của quan hệ song phương và nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy trao đổi thương mại hài hòa, bền vững; đề nghị Hoa Kỳ hạn chế các biện pháp áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp không cần thiết khác đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, đồ gỗ, đều tác động trực tiếp đến việc làm và sinh kế của người dân.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Ngoại trưởng Anthony Blinken nhấn mạnh “hai nước thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hòa bình và có nền tảng là sự tôn trọng đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Đồng thời, Hoa Kỳ “đánh giá cao vai trò lãnh đạo không thể thiếu của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức phát triển ở khu vực sông Mekong”; “tin rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia kết nối, có thu nhập cao vào năm 2045”. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Hoa Kỳ tôn trọng quyền của Việt Nam trong việc định hình tương lai của đất nước dưới hệ thống chính trị của mình.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã dự lễ khởi công khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Đây được coi là “biểu tượng mới cho quan hệ hai nước”. Việc hai nước đạt Thỏa thuận về các điều kiện xây dựng, cải tạo và sửa chữa trụ sở Cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của hai bên và trông đợi hai nước sẽ sớm có những trụ sở cơ quan đại diện mới chứng tỏ sự phát triển ngày càng sâu rộng của quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.
III. HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN LẦN THỨ 42
Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 với chủ đề “Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng” tổ chức từ ngày 9-11/5/2023 tại Indonesia. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi toàn diện, cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, cùng nhiều biến động phức tạp, khó lường.
Các phiên họp của Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Năm 2022 đánh dấu bước ngoặt của kinh tế khu vực ASEAN khi các nước tái mở cửa, từng bước phục hồi và nâng cao tự cường. Tăng trưởng khu vực cơ bản giữ vững. Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đạt kết quả khả quan trên cả 3 trụ cột. Các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định đoàn kết và nỗ lực chung của tất cả các thành viên ASEAN là điều kiện tiên quyết để ASEAN phát huy mạnh mẽ vai trò dẫn dắt hòa bình và tăng trưởng khu vực.
Lãnh đạo các nước ASEAN cam kết đẩy mạnh hội nhập kinh tế ASEAN, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, củng cố kết nối chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực bảo đảm ổn định tài chính, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… Đồng thời, nhấn mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN phải thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, triển khai quyết liệt và đồng bộ các sáng kiến, nhất là những sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực và bảo đảm thụ hưởng đồng đều cho người dân.
Lãnh đạo các nước đã thông qua các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; thông qua 10 văn kiện định hướng hợp tác ASEAN trong nhiều lĩnh vực, gồm các tuyên bố chung về phát triển hệ sinh thái xe điện ở khu vực, Sáng kiến Một Sức khỏe ASEAN, thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ, thành lập Mạng lưới Làng ASEAN, chống buôn người do lạm dụng công nghệ, bảo vệ lao động di cư trong các tình huống khủng hoảng, bảo vệ và thúc đẩy quyền của ngư dân di cư, và Lộ trình kết nạp Cộng hòa Đông Timor Leste làm thành viên chính thức… Lãnh đạo các nước ASEAN ra tuyên bố lên án vụ tấn công vào đoàn cứu trợ nhân đạo, gồm nhân viên của Trung tâm Điều phối và hỗ trợ thảm họa khẩn cấp ASEAN (AHA) và Nhóm giám sát hỗ trợ nhân đạo của ASEAN.
Tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định thách thức với ASEAN ngày càng phức tạp, cả từ bên trong và bên ngoài. Thủ tướng đã nêu ra ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đó là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài. Thủ tướng đề nghị nỗ lực đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, triển khai đồng bộ và quyết liệt các dự án kết nối khu vực cả về thể chế, hạ tầng và con người, tạo bước chuyển về chất cho môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch. Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị hợp tác kinh tế số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn cần được quan tâm, đẩy mạnh cùng với kết nối mạng lưới điện, phát triển năng lượng tái tạo và sớm xây dựng các chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước đã thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN để giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai, đồng thời ứng phó với các cuộc khủng hoảng một cách kịp thời, phù hợp với các mục tiêu của Lá chắn ASEAN (ASEAN SHIELD), cũng như khai thác các cơ hội mới nhằm đẩy nhanh đà phát triển Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN. Thông qua Tuyên bố về phát triển Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025, các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục củng cố quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua việc thực hiện đầy đủ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025.
IV. KẾT QUẢ HỘI NGHỊ NGOẠI TRƯỞNG NHÓM CÁC NƯỚC CÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI
Vừa qua, Ngoại trưởng Nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã họp tại tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản và thảo luận nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có an ninh châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là phiên họp quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh các nước G7 do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chủ trì. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 49 của G7 được coi là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Nhật Bản trong năm nay.
Tại Chương trình nghị sự, các ngoại trưởng của G7 nhất trí sự đoàn kết đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề địa chính trị ở châu Âu cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đặc biệt là bày tỏ lo ngại về tình hình xung đột Nga - Ukraine, các vấn đề an ninh tại châu Á, Trung Đông hay tình hình Sudan.
Liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, trong Tuyên bố chung sau Hội nghị, các Ngoại trưởng đã thống nhất được nội dung quan trọng là tiếp tục viện trợ cho Ukraine và thực hiện một cách nghiêm khắc các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đồng thời phê phán mạnh mẽ việc Nga đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus, yêu cầu các nước thứ 3 ngừng cung cấp vũ khí vào Nga, yêu cầu Trung Quốc ngừng hoạt động hỗ trợ Nga.
Về an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tuyên bố cũng bày tỏ sự lo ngại đối với tình hình tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì, tăng cường trật tự quốc tế một cách tự do dựa trên luật pháp quốc tế, phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, mang tính de dọa, uy hiếp. Đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định đối với Đài Loan và thừa nhận sự cần thiết phải thiết lập các mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc. Các Ngoại trưởng cũng đã lên án mạnh mẽ hàng loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên, nhấn mạnh rằng các vụ phóng này đã được tiến hành với “tần suất chưa từng có và theo cách chưa từng có”.
Liên quan đến các vấn đề toàn cầu khác, Tuyên bố chung nhấn mạnh sự đóng góp tất yếu của các nước G7, những vấn đề này cần được thực hiện thông qua đối thoại nhằm xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định, thúc đẩy cho hoạt động khôi phục nền kinh tế thế giới, giao lưu nhân dân.
Một điểm mới của Hội nghị Ngoại trưởng G7 năm nay là thúc đẩy hợp tác với các nước Nam bán cầu, với việc đề cao vai trò ngày càng quan trọng của những quốc gia mới nổi và đang phát triển như Ấn Độ và các nước ASEAN trong môi trường an ninh toàn cầu. Tuyên bố chung cũng thúc đẩy hợp tác giải quyết các
thách thức toàn cầu hiện nay như an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Sau Hội nghị ngoại trưởng, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 49 của G7 sẽ tập trung thảo luận như tình hình kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19, không phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, công nghệ số… các vấn đề liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, Trung Quốc và hạt nhân của Triều Tiên sẽ trở thành nội dung nghị sự. Các nhà lãnh đạo cấp cao của 7 nước công nghiệp phát triển sẽ tập trung thảo luận sâu rộng về hiện trạng, dự đoán xu hướng phát triển và đề xuất giải pháp cho 8 vấn đề khu vực và toàn cầu.
V. MỘT SỐ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY
- Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo ngày 10/5/2023, cho thấy giá tiêu dùng tiếp tục tăng trong tháng 4 do chi phí nhiên liệu và giá thuê nhà tăng, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao. Báo cáo được đưa ra sau báo cáo việc làm được công bố ngày 5/5. Tốc độ tăng trưởng việc làm và tiền lương trong tháng 4/2023 vượt dự kiến trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 53 năm là 3,4%. Lạm phát vẫn ở mức cao và khả năng phục hồi của thị trường lao động sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (ngân hàng Trung ương - Fed) khó có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay như các thị trường tài chính đang kỳ vọng.
- Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,2 tỷ USD cho Ukraine để tăng cường khả năng phòng không và cung cấp thêm đạn dược cho nước này. Gói hỗ trợ này bao gồm các hệ thống phòng không và đạn dược không xác định cũng như thiết bị để tích hợp các hệ thống của phương Tây với các trang thiết bị hiện có của Ukraine, chủ yếu từ thời Liên Xô. Bên cạnh đó, còn có đạn dược hỗ trợ cho các hệ thống chống máy bay không người lái, đạn pháo 155mm và các dịch vụ hình ảnh vệ tinh thương mại.
- Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 7-8/5/2023. Trọng tâm chuyến thăm lần này là cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Seoul giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon và Thủ tướng Nhật Bản Kishida, trong đó tập trung vào các vấn đề an ninh, thương mại, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, hợp tác về các vấn đề văn hóa và thanh niên, vấn đề Triều Tiên.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ các giá trị phổ quát, cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các chương trình nghị sự về an ninh, kinh tế và vấn đề toàn cầu; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế để các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc, các công ty vật liệu và thiết bị hàng đầu của Nhật Bản có thể cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn vững chắc. Hai bên chia sẻ quan điểm về vấn đề phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên và nhất trí cần tăng cường hợp tác song phương Hàn - Nhật và ba bên gồm Hàn - Nhật - Mỹ trong vấn đề hòa bình và an ninh ở khu vực; nhất trí xử lý vấn đề nước nhiễm xạ tại Fukushima thông qua việc cử phái đoàn kiểm tra thực địa của Hàn Quốc tới hiện trường để đưa ra các kiểm chứng khách quan dựa trên cơ sở khoa học về vấn đề vốn khiến người dân Hàn Quốc quan ngại...
Theo các chuyên gia, chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Nhật Bản Kishida diễn ra chưa đầy 2 tháng sau chuyến thăm Tokyo vào giữa tháng 3 của Tổng thống Hàn Quốc Yoon. Chuyến thăm cũng đánh dấu việc nối lại toàn diện hoạt động ngoại giao con thoi giữa các nhà lãnh đạo hai nước vốn bị đình chỉ hoàn toàn trong hơn một thập kỷ, đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản; tạo thêm động lực mới cho sự hợp tác.
Ban Tuyên giáo Trung ương