Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân

Chủ nhật - 30/04/2023 17:09
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, là phần 1 của Chuyên đề năm 2023 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang chỉ đạo biên soạn, dùng để sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị.
Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960. Ảnh: TL
Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960. Ảnh: TL

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế
Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định phát triển kinh tế là một trọng tâm của xây dựng nhà nước mới của Nhân dân, vì Nhân dân. Người đã đề ra nhiều luận điểm, tư tưởng chỉ đạo có tính nguyên tắc về phát triển kinh tế. Có thể khái quát như sau:
Một là, phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bác chỉ rõ: “Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”. 
Hai là, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, phải quan tâm phát triển cả nông nghiệp và công nghiệp. “Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có hai chân là công nghiệp và nông nghiệp,... hai chân không đều nhau, không thể bước mạnh được”; “...làm cho công nghiệp và nông nghiệp tiến đều, thì mới cải tiến tốt đời sống của Nhân dân”.
Ba là, nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Người chỉ ra rằng, trong nước ta có những hình thức sở hữu chính về tư liệu sản xuất: “Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân; sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động; sở hữu của người lao động riêng lẻ và một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”. 
Bốn là, phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho Nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”, “Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”. Phát triển sản xuất để tăng sản phẩm xã hội và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là hai mặt biện chứng trong các chặng đường phát triển đất nước nâng cao đời sống Nhân dân. Đồng thời, Người luôn nhấn mạnh trong phát triển kinh tế phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu là những thứ “giặc nội xâm”, đồng minh với giặc ngoại xâm. Hồ Chí Minh cho rằng, ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu là “kẻ thù của Nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. 
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đảm bảo an sinh xã hội
Trong suốt cuộc đời cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đây là tư tưởng bao trùm triết lý về an sinh xã hội của Người.
Quan điểm của Người về an sinh xã hội đã được thể hiện từ rất sớm. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh (xuất bản năm 1927), Người đã nêu nội dung: “Lại có bất thường phí, như để dành phòng lúc bãi công hoặc giúp những hội khác bãi công, hoặc giúp đỡ những người trong hội mất việc làm, hoặc làm các công việc công ích”. 
Trong Diễn ca Mười Chính sách của Việt Minh năm 1941, Người đã đề cập đến những chính sách dành cho mọi đối tượng trong xã hội. Đến Chương trình Việt Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội được thể hiện rõ nét, đầy đủ hơn. Người đề cập đến việc thực hiện chế độ làm việc, tiền lương, bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí, cứu tế nông dân trong những năm mất mùa, hậu đãi binh lính và gia đình họ, giúp học sinh nghèo, chăm nom người già, tàn tật, trẻ em,... Người chủ trương xây dựng một xã hội:“(1) Thi hành luật lao động, ngày làm việc 8 giờ. (2) Giúp đỡ các gia đình đông con. (3) Lập ấu trĩ viên để chăm nom trẻ con. (4) Lập các nhà chiếu bóng, diễn kịch, câu lạc bộ, thư viện để nâng cao trình độ trí dục cho Nhân dân. (6) Lập thêm nhà thương, nhà đỡ đẻ, nhà dưỡng lão”.
Nói đi đôi với làm, trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng đảm bảo chế độ tiền lương, hưu trí, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, già yếu... Như vậy, mục tiêu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội là luôn vì cuộc sống hạnh phúc của mỗi người dân, nhằm đảm bảo đời sống của người dân. 
3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chăm lo đời sống Nhân dân chính là làm cho Nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội tiến bộ và công bằng để Nhân dân thực sự là người chủ trong xã hội mới và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật chất và tinh thần. Ngày 10/1/1946, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi... Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Là công bộc, là đày tớ của dân, thì Đảng, Chính phủ và mỗi cán bộ phải chăm lo cho đời sống của Nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Người nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là:
“(1) Làm cho dân có ăn. (2) Làm cho dân có mặc. (3) Làm cho dân có chỗ ở. (4) Làm cho dân có học hành”.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây