Năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta bắt đầu bước vào những chiến dịch lớn; đây là thời điểm quan trọng để chuẩn bị vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều bài báo đăng trên Báo Sự thật, Báo Cứu quốc, Báo Quân du kích… để hiệu triệu, kêu gọi toàn dân cứu nước. Trong đó, tác phẩm “Dân vận” của Người được đăng trên báo Sự thật, số ra ngày 15/10/1949.
Bài báo “Dân vận” là sự kết tinh được thể hiện một cách toàn diện, hoàn chỉnh, cô đọng, khúc chiết, dễ hiểu, dễ nhớ tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề căn cốt nhất trong công tác dân vận của Đảng. Đó chính là mối quan hệ giữa dân chủ và dân vận; quan điểm, nguyên tắc tiến hành công tác dân vận; trách nhiệm vận động quần chúng của cả hệ thống chính trị; phương pháp vận động quần chúng; những phẩm chất cần có đối với cán bộ dân vận…
Ngay trong phần đầu tác phẩm, Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Chính vì vậy, Người kết luận“quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Để trả lời câu hỏi dân vận là gì, Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Bác lưu ý “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”. Theo Người: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.
Để thực hiện tốt công tác dân vận, Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận. Theo Người: “Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn...”; “Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”.
Đặc biệt, yêu cầu của Người đối với cán bộ làm công tác dân vận là “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; dân vận “không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, mà “phải thật thà nhúng tay vào việc”. Từ những nội dung đã chỉ ra của công tác dân vận, Người kết luận: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, đã khẳng định: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ công tác dân vận: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cả hệ thống chính trị về công tác dân vận; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; chú trọng công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, thông qua công tác dân vận phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới…
Trần Anh