Từ cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suy nghĩ về công tác cán bộ hiện nay

Thứ hai - 01/07/2024 18:28
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu phương án tác chiến trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu phương án tác chiến trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: TL
 
Quả thật, cốt lõi của công tác cán bộ chính là con người. Nếu đặt đúng vai trò vào người có trách nhiệm và giỏi chuyên môn, có năng khiếu đặc biệt ở một lĩnh vực, thì một người sẽ phát huy, khơi dậy được năng lực quản lý, chuyên môn, sức sáng tạo để tạo ra năng suất lao động, hiệu quả công việc cao gấp nhiều lần.
Thế hệ chúng ta đã được nghe những bài toán thực tiễn của cách mạng Việt Nam đặt ra và cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những ngày đầu bước lên con tàu buôn của Pháp để tìm đường cứu nước, việc chọn đi đến đâu, gặp những ai và sẽ làm gì, dường như đã có trong tính toán của Bác Hồ. Đi đến một nước, Bác lại có thêm những người bạn, người đồng hành, để về sau này, khi kháng chiến thành công, người ta vẫn nhắc đến những câu chuyện về tình bạn xuyên quốc gia của Người. Quan hệ cá nhân của Bác Hồ với những người bạn quốc tế đã góp phần đem lại uy tín cũng như sự giúp đỡ to lớn cho cách mạng Việt Nam, đó là bài học quý giá không bao giờ cũ.
Khi về Việt Nam, nhiều người vẫn thắc mắc, tại sao Bác Hồ lại lựa chọn Võ Nguyên Giáp, một nhà sử học, một người nghiên cứu để hoạt động quân sự? 13 giờ ngày 28/5/1948, lễ phong quân hàm cấp tướng đã được Chính phủ tổ chức trọng thể tại một hội trường mới dựng bên dòng suối ở cạnh đồi Nà Lọm, Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguyên (đồi Nà Lọm nay được gọi là đồi Phong Tướng) cho một số cán bộ quân đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng.
Sau khi sự kiện lễ phong quân hàm cấp tướng được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương Tây hỏi Bác việc phong cấp này dựa theo những tiêu chuẩn nào, Bác trả lời: Đánh thắng đại tá phong Đại tá; đánh thắng thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng trung tướng phong Trung tướng; thắng đại tướng phong Đại tướng.
Ngược dòng lịch sử rất đáng suy ngẫm, vì sao Bác Hồ lại vận động, thuyết phục được nhiều trí thức lớn người Việt từ các nước phương Tây trở về phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc sau Cách mạng Tháng Tám, bất chấp bao khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiêu biểu như trường hợp nhà khoa học, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa!
Ngay từ năm 1948, quan điểm của Bác Hồ hãy chọn đúng người cho đúng nhiệm vụ, để cán bộ đó phát huy được tối đa khả năng, dường như đã là kim chỉ nam cho công tác cán bộ.
Sau này, các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ đều đúng. Nhưng theo quan điểm bản thân tôi, có lẽ vấn đề cốt lõi nhất vẫn là con người. Nghĩa là người lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm, đủ tài sẽ chọn người giỏi và đúng nhiệm vụ; còn nếu lựa chọn dựa trên quen, thân và bằng cấp thì có khi vấn đề bảo đảm công việc ở mức trung bình nhất vẫn khó được đáp ứng.
Tôi nghĩ rằng, con người, cán bộ đều được đào tạo dựa trên hai ngôi trường, đó là trường học và trường đời (thực tiễn). Từ quy hoạch tổng thể, cần có sự bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ từ chính thực tiễn.
Thiết nghĩ, khi đào tạo và sử dụng cán bộ, cần 3 yếu tố: Đào tạo con người, sử dụng con người và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, làm sao để lựa chọn người có đức, có tài trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ trong những năm tháng kháng chiến, đến những ngày hòa bình và công cuộc đổi mới hiện nay.
Hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí gay gắt về cán bộ, về quy trình bổ nhiệm, nhưng vấn đề sâu sắc nhất, tôi nghĩ vẫn là yếu tố con người, vẫn là người lãnh đạo. Ở đâu có con người xuất sắc, đủ tầm nhìn, ở đó họ sẽ lựa chọn đúng cán bộ cần thiết cho từng vị trí, không phải do bằng cấp, không do quen biết và chỉ có làm trong sạch đội ngũ cán bộ thì mới là yếu tố cốt lõi để tạo sự thành công.
Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng, từ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đến vấn đề bảo vệ môi trường… Và dù ở bất cứ hoạt động nào, theo đúng nghị quyết của Đảng đã đề ra, công tác cán bộ cần đổi mới, thực hiện nghiêm. Chúng ta có chính sách, có quy chế, có con người và quan trọng trong bài toán này chính là sắp xếp và tổ chức cán bộ như thế nào cho hợp lý, để phát huy tối đa sức mạnh.
Chúng ta cần nhớ những cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước. Các nhà lãnh đạo tìm được mảnh ghép cho từng mắt xích, mỗi mắt xích đó sẽ chịu trách nhiệm về một lĩnh vực và chắc chắn đó phải là người có tài, có tâm, có tầm, có năng khiếu đặc biệt ở một lĩnh vực riêng, chứ không phải vì họ là người thường xuyên ở bên, hay quen thân và có mối quan hệ đặc biệt. Nếu để nói mạnh hơn, thì để làm trong sạch công tác cán bộ, cần nhất vẫn là chữ “tâm” trong mỗi con người, mỗi đảng viên, để nhìn về chặng đường lâu dài trong sự phát triển của đất nước chúng ta, nhất là trong quá trình đổi mới và hội nhập sâu rộng hiện nay.                                     
Trần Quốc Việt                                        
Chuyên viên cao cấp, Bí thư Huyện ủy Kiên Hải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây