Hiệu quả từ hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của học sinh trung học

Thứ hai - 03/02/2025 08:45
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, do đó việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh là tất yếu. Trong đó, môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (gọi chung là cấp trung học) là nội dung giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Giồng Riềng tham gia trải nghiệm "Rèn luyện kỹ năng, nề nếp, tác phong quân đội cho học sinh ở nội trú".
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Giồng Riềng tham gia trải nghiệm "Rèn luyện kỹ năng, nề nếp, tác phong quân đội cho học sinh ở nội trú".
 
Hoạt động trải nghiệm được hiểu là quá trình tham gia trực tiếp của con người vào các hình thức hoạt động, được thể nghiệm trong thực tế, được quan sát, tương tác, giao tiếp với người khác, với cộng đồng và với các sự vật, hiện tượng xung quanh, qua đó có nhận biết, cảm nhận, tư duy và rút ra bài học cho bản thân. Hoạt động học tập trải nghiệm, hướng nghiệp ở trường học là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường, là một bộ phận của quá trình giáo dục được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa ở trên lớp và có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học. Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học được coi là nội dung quan trọng để hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực ở học sinh.
Những năm qua, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ngày càng được các trường học trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện, với mục tiêu tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận thực tế, ứng dụng các kiến thức, kỹ năng đã học hình thành các kiến thức, kỹ năng mới. Từ đó, góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo như quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ vào chương trình giáo dục của từng lớp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, Sở, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, hàng năm các trường học đã xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Thông qua các hoạt động thực hành, những trải nghiệm việc làm cụ thể, học sinh sẽ phát huy vai trò, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Các em được tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động từ thiết kế, chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiều hình thức phong phú, sinh động, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Một số hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được các cơ sở giáo dục cấp trung học trên địa bàn tỉnh tổ chức, như: tham quan, dã ngoại tại các địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa; các hoạt động giáo dục kỹ năng sống; hoạt động trải nghiệm thực tế, hoạt động xã hội, lao động công ích; giáo dục kỹ năng tự vệ, sinh tồn, kỹ năng mềm cho học sinh; giờ học thực tế của các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Hoá học; trải nghiệm trưng bày, trang trí mâm cỗ trong các ngày lễ, tết; thiết kế lồng đèn, thiệp chúc mừng, thiết kế các bộ thời trang từ những nguyên liệu tái chế; tham gia câu lạc bộ thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật; tìm hiểu nghề truyền thống, ngành nghề được đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh… Một số hoạt động được các đơn vị duy trì, thực hiện trong nhiều năm, đạt hiệu quả thiết thực.
Rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh thông qua hoạt động phân loại rác, gom chai nhựa, vệ sinh môi trường là hoạt động duy trì và thực hiện hàng ngày ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Ở địa bàn thành phố Rạch Giá, hàng năm học sinh được tham gia các hoạt động tôn vinh công lao to lớn của các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Dịp này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Rạch Giá tổ chức cho học sinh tham gia Liên hoan sân khấu Thanh niên chủ đề “Khí phách người Anh hùng dân tộc”; vệ sinh đường phố, phục vụ Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trục...
Các trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh duy trì câu lạc bộ văn nghệ, mô hình trồng rau xanh, trồng hoa, rèn luyện nền nếp trong khu ở nội trú. Đối với học sinh tham gia câu lạc bộ văn nghệ, hàng tuần nhà trường tạo điều kiện cho học sinh tập ca múa, tập luyện dụng cụ nhạc ngũ âm. Câu lạc bộ văn nghệ của các trường tham gia hội diễn trong ngày khai giảng năm học mới, tổng kết năm học hay lễ, tết của đồng bào Khmer hoặc sự kiện văn hoá của địa phương. Việc xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ trong các trường dân tộc nội trú đã khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo nghệ thuật trong giáo viên, học sinh; khi tham gia hoạt động văn nghệ, giúp cho học sinh biết yêu thương, đoàn kết và giúp đỡ nhau để cùng vươn lên trong học tập; xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh trong học đường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học; phát huy và bảo tồn những giá trị văn hoá tốt đẹp của người dân tộc. Bên cạnh đó, mô hình trồng rau xanh ở các trường dân tộc nội trú thực hiện và duy trì nhiều năm, nhằm giúp học sinh có điều kiện vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, tăng cường các kỹ năng cần thiết, cải thiện bữa ăn hằng ngày, vừa tạo sự đoàn kết, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng sống trong môi trường giáo dục nội trú.
Tại huyện U Minh Thượng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông U Minh Thượng chủ trì phối hợp với nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh phát động xây dựng mô hình trồng hoa vạn thọ. Mỗi học sinh tự trồng và chăm sóc 1 chậu cây hoa vạn thọ từ lúc nhỏ đến khi có thu hoạch. Sau khi bán các chậu hoa, số tiền thu được góp quỹ mua quà hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền bán hoa vạn thọ mỗi năm hơn 30 triệu đồng, cùng với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, trao hơn 100 phần quà cho học sinh. Với hoạt động trải nghiệm thực tế và ý nghĩa nhân văn cao cả, đã tạo được sức lan tỏa trong nhân dân ở địa phương, được cha mẹ học sinh ủng hộ từ đó kết nối những tấm lòng nhân ái chung tay chia sẻ một phần khó khăn, thiếu thốn, động viên học sinh trong học tập.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Giồng Riềng tham gia mô hình trải nghiệm rèn luyện kỹ năng, nền nếp, tác phong quân đội. Đầu năm học, nhà trường phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện, nhân viên y tế hướng dẫn học sinh kỹ năng sống, giữ gìn vệ sinh cá nhân như hướng dẫn các bước rửa tay đúng cách, vệ sinh răng miệng, và giữ gìn thân thể sạch sẽ; tập thói quen sắp xếp dụng cụ cá nhân gọn gàng, ngăn nắp. Đồng thời, hướng dẫn các em cách thức lau dọn và bảo quản khu vực chung như phòng học, nhà vệ sinh, phòng ở ký túc xá, cách phân loại và đổ rác đúng nơi quy định.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục phối hợp với Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm rèn luyện kỹ năng sống như: Chương trình học kỳ trong Quân đội; tham gia chương trình các em được trang bị cho các em kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng sống thông qua bài học thực tế; giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, giáo dục truyền thống cách mạng; giúp các em rèn luyện tính tự lập, dần tự hoàn thiện bản thân, xác định được động cơ, mục đích phấn đấu trong học tập để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Chương trình kỹ năng sống tích hợp các nội dung giáo dục vào trong các hoạt động trò chơi sinh hoạt tập thể, hướng dẫn cho các em phương pháp làm việc nhóm, kỹ năng dã ngoại, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng thuyết trình thông qua các hoạt động thảo luận, hùng biện. Thông qua các hoạt động trò chơi lớn, teambuilding, các hoạt động sinh hoạt tập thể từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết cho các em. Bên cạnh đó, lồng ghép vào chương trình các hoạt động về phòng chống đuối nước góp phần trang bị cho học sinh các kỹ năng và kiến thức bơi an toàn, phòng chống đuối nước và cứu hộ cứu nạn, tạo điều kiện cho các em được tiếp xúc với nước, thực hành các kỹ năng đã được trang bị.
Với việc tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã trang bị thêm cho học sinh kiến thức bổ ích, các kỹ năng sống, phát triển ý tưởng sáng tạo; qua đó, mỗi học sinh có lộ trình học tập phù hợp, nuôi dưỡng ước mơ, tự tin vào lựa chọn nghề của mình. Từ đó, hình thành những thói quen tốt, rèn luyện sự tự tin, tư duy sáng tạo, khả năng tập trung, khơi dậy niềm đam mê học tập trong thế hệ trẻ; góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại tỉnh Kiên Giang
Cẩm My

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây