Đồng chí Lương Khánh Thiện - Nhà lãnh đạo đóng góp lớn trong phong trào cách mạng Việt Nam

Thứ bảy - 30/09/2023 09:51
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, là dịp để chúng ta tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng” tại Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 - 13/10/2018). Ảnh: TTXVN
Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng” tại Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 - 13/10/2018). Ảnh: TTXVN
 
Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam. Năm 1923, đồng chí rời quê ra thành phố Hải Phòng xin vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng (lúc đó gọi là Trường Bách nghệ) và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, như tham gia vận động học sinh bãi khóa, đòi nhà cầm quyền thực dân trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, đòi để tang cụ Phan Chu Trinh… Tháng 4/1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng. Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, đồng chí được kết nạp và trở thành một trong những người cộng sản lớp đầu tiên của Đảng.
Trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, các cao trào cách mạng từ năm 1930-1941, đồng chí Lương Khánh Thiện luôn thể hiện vai trò tiên phong của một nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ yêu nước đến giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đồng chí hoạt động không mệt mỏi xây dựng các căn cứ, khôi phục, phát triển tổ chức đảng và phong trào cách mạng, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong cấp ủy các cấp từ chi bộ cơ sở, đảng bộ các thành phố lớn, đảng bộ liên tỉnh, lãnh đạo xứ ủy, thành ủy, khu ủy.
 Trước tình hình cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ Bắc kỳ bị đánh phá, bị vỡ từ năm 1932 chưa lập lại được, cuối năm 1936, đồng chí tham gia sáng lập Ủy ban sáng kiến. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban sáng kiến, trong đó có hoạt động tích cực của đồng chí, các cơ sở đảng được khôi phục và tổ chức ở nhiều địa phương, nhất là những địa phương trọng yếu như Hà Nội, Hải Phòng, ở các trung tâm công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Quảng Ninh, Nam Định. Cùng với đó, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Bắc kỳ cũng từng bước lên cao. Tháng 3/1937, Ủy ban sáng kiến và đại biểu của các tổ chức đảng ở Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… tổ chức họp tại Hà Nội thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc kỳ. Đồng chí được bầu vào Thường vụ Xứ ủy, được cử làm Bí thư lâm thời Xứ ủy Bắc Kỳ, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Xứ ủy chỉ đạo xuất bản các tờ báo Tin tức, Đời nay, phát hành công khai các tờ báo làm phương tiện tuyên truyền, chỉ đạo phong trào cách mạng.
Trên cương vị Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc kỳ, chỉ trong một thời gian ngắn (tháng 3-9/1937), đồng chí đã chỉ đạo củng cố và hoàn thành việc kiện toàn Xứ ủy. Đồng chí rất chăm lo đào tạo cán bộ để chuẩn bị lực lượng nhằm giữ vững và phát triển phong trào cách mạng. Hằng ngày, đồng chí bí mật tới các nhà máy, xóm làng tìm chọn những nhân tố tích cực để giác ngộ, đào tạo họ trở thành cán bộ của Đảng, đồng thời tuyên truyền cho họ biết về Đảng Cộng sản Đông Dương. Vì vậy, tính đến tháng 9/1937, Bắc kỳ đã xây dựng được tổ chức đảng ở 12/24 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Phủ Lý, Hà Đông, Cao Bằng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Lạng Sơn).
Đồng chí rất quan tâm lãnh đạo công tác báo chí cách mạng. Ngày 15/9/1936, tờ báo Le Travail, cơ quan tuyên truyền của Đảng ở Bắc kỳ ra số đầu tiên, đi đầu trong các cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống lại phản động thuộc địa; tuyên truyền vận động thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi; lôi cuốn nhiều tờ báo khác ra đời như Tân xã hội, Tiếng trẻ, Nhành lúa; thúc đẩy thành lập báo Bạn dân của Đoàn Thanh niên dân chủ tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo thanh niên, bạn trẻ trên cả nước. Tháng 6/1937, đồng chí chỉ đạo tổ chức Hội nghị báo chí Bắc kỳ. Hội nghị đã tố cáo thực dân Pháp và tay sai khủng bố đàn áp báo chí Đông Dương, đề ra chương trình hành động chung đòi tự do nghiệp đoàn, tự do báo chí.
 Trên cương vị Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí tham gia khôi phục, phát triển tổ chức đảng và tổ chức quần chúng; tích cực chắp mối liên lạc với các đảng viên đang hoạt động ở Hà Nội; điều động đảng viên tăng cường vào các xí nghiệp, nhà máy, các ngành nghề và các vùng nông thôn ngoại thành; chỉ đạo thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và kết nạp đảng viên mới. Nhờ đó, từ năm 1937, cơ sở đảng ở Hà Nội dần được xây dựng và phát triển mạnh vào năm 1938. Đồng chí chỉ đạo phát triển tổ chức quần chúng, phong trào dân chủ và các phong trào đấu tranh công khai trong tình hình mới. Tập hợp, thu hút công nhân, thợ thủ công, tiểu thương để thành lập các hội Ái Hữu, Tương Tế… Đặc biệt là việc tổ chức cử đại biểu nhân dân các nơi lập ra Ủy ban trù bị triệu tập Đông Dương Đại hội, để thảo ra bản nguyện vọng gửi phái đoàn điều tra, từ đó phát động quần chúng đấu tranh bằng nhiều hình thức đòi Chính phủ Pháp đại xá tù chính trị, đòi cải cách dân chủ, đòi quyền lợi thiết thực…; đồng thời tạo cơ sở tiến đến thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi ở Đông Dương. Đầu năm 1938, đồng chí cùng tập thể Xứ ủy xây dựng chủ trương thành lập Hội truyền bá quốc ngữ và phong trào học chữ quốc ngữ được hưởng ứng rộng rãi.
Tháng 1/1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò; sau đó tòa án thực dân kết án tử hình vào ngày 2/9/1941.  
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, là dịp để chúng ta tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đây cũng là dịp để chúng ta noi theo tấm gương sáng ngời tinh thần cống hiến hy sinh của đồng chí. Đó là, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng, yêu thương, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, không ngừng nỗ lực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao tinh thần đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thái Văn Khởi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây