Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc. Để giữ vững liên lạc và bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ta chủ trương xây dựng một con đường vận tải quân sự chiến lược, đáp ứng được yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển.
Bước sang năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến; trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường miền Nam trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Để hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định biên chế bước đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài Đoàn bộ, Đoàn được tổ chức thành Tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm.
Ra đời tháng 5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” được mang phiên hiệu Đoàn 559. Con đường vận tải quân sự chiến lược được khai sinh đúng ngày sinh của Bác 19/5/1959, nên được mang tên đường Hồ Chí Minh. Ngày 19/5/1959 trở thành Ngày truyền thống Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, nhờ có hệ thống đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn ngày càng hoàn chỉnh, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng. Trong 6 tháng cuối năm 1959, khi đường Hồ Chí Minh mới hình thành, với phương thức gùi bộ là chủ yếu, Đoàn 559 chỉ mới vận chuyển được 32 tấn vũ khí giao cho Khu 5. Đến năm 1968, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, lượng hàng đưa đến các chiến trường là hơn 27.900 tấn. Khi ta mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, lượng hàng vận chuyển tới các chiến trường lên tới 66.500 tấn. Đặc biệt, trong 2 năm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lượng hàng đã giao cho các chiến trường hơn 403.300 tấn…
Cùng với vận chuyển hàng quân sự, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn. Đồng thời, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh.
Không chỉ là tuyến vận chuyển sức người và hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến, Trường Sơn còn có một vị trí chiến lược quan trọng, như là “xương sống” ở bán đảo Đông Dương. Đây là nơi “đứng chân” của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng, kỹ thuật; là vùng hậu phương trực tiếp của các chiến trường, là bàn đạp xuất kích đã được chuẩn bị sẵn cho các binh đoàn chủ lực tiến công ra các hướng chiến dịch, chiến lược quan trọng.
Trong suốt 16 năm, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia. Qua đó, góp phần to lớn làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Đặc biệt, từ năm 1973-1975, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, ra sức xây dựng, tu sửa, nâng cao chất lượng cầu đường, đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng cơ sở vật chất kỹ thuật lớn tới chiến trường miền Nam thông qua đường Hồ Chí Minh. Bộ đội Trường Sơn luôn bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho đại quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng 30/4/1975.
Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam của địch. Biết bao người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại này.
Mai Tưởng