Giai cấp công nhân Việt Nam đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thứ hai - 01/07/2024 20:25
Ngày 28/7/1929, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với giai cấp công nhân Việt Nam và được chọn làm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: TL
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: TL
 
Giai cấp công nhân Việt Nam xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và phát triển nhanh về số lượng, gắn liền với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp. Từ năm 1914 - 1918, để phục vụ cho chiến tranh, thực dân Pháp tăng cường bóc lột công nhân nước ta, chúng tăng thời gian làm việc, chậm trả lương, nâng cao định mức khoán việc. Trước sự bóc lột thậm tệ và đàn áp dã man của tư bản thực dân, công nhân nước ta đã tự tổ chức nhau lại, phong trào đấu tranh của công nhân phát triển mạnh ở các khu mỏ Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Đông Triều, Hòn Gai…
Những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân và Công đoàn quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu hình thức tổ chức công đoàn ở các nước tư bản, thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó, Người rút ra kinh nghiệm hoạt động công đoàn nói chung và hình thức tổ chức cho Công đoàn Việt Nam nói riêng. Để tập hợp các tổ chức công hội đỏ ở cơ sở, Đông Dương Cộng sản Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức ra Tổng Công hội đỏ cấp tỉnh. Ngày 28/7/1929, Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất họp tại Hà Nội đã nhất trí thông qua chương trình, điều lệ và phương hướng hoạt động của Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Đây được coi là Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ (tiền thân của Công đoàn Việt Nam), có ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình phát triển của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam.
Từ khi ra đời đến nay, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và phát triển với các tên gọi khác nhau: Công hội đỏ (1929 - 1936); Nghiệp đoàn, Hội ái hữu (1936 - 1939); Hội công nhân phản đế (1941 - 1946); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946 - 1961); Tổng Công đoàn Việt Nam (1961 - 1988); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1988 đến nay). Cho dù với tên gọi nào, Công đoàn Việt Nam thật sự là trung tâm tập hợp, tổ chức và đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam, đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ cách mạng.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 vừa qua, Công đoàn Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong việc chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động ở các cấp công đoàn được chú trọng, có bước phát triển mới. Chương trình “Tết Sum vầy” đã góp phần chăm lo cho 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động trong dịp tết, với tổng số tiền hơn 28.000 tỷ đồng. Chương trình “Mái ấm Công đoàn” giúp hơn 14.000 đoàn viên, người lao động được xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỉ đồng. Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” đã được các cấp công đoàn ký kết 2.840 thỏa thuận hợp tác với các đối tác để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa với giá ưu đãi cho 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hưởng lợi với tổng số tiền 1.400 tỷ đồng. 
Từ đó, Công đoàn Việt Nam đã góp phần thúc đẩy phát triển các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức, người lao động. Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” và các hoạt động văn hóa, thể thao đạt nhiều kết quả thiết thực. Ngoài ra, các cấp công đoàn đã tích cực tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia xây dựng Đảng, giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp nhiều đoàn viên ưu tú, bổ sung cho Đảng nhiều cán bộ trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn…
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã đề ra mục tiêu: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thành mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta”.
Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua đó, khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việt Cường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây