Đồng chí Hoàng Văn Thụ (tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ), quê thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Đồng chísinh ngày 4/11/1909, trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học; đồng chí sớm giác ngộ và tham gia các hoạt động yêu nước.
Năm 1926, đang học tại Trường tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cùng nhiều học sinh trong lớp tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh; sau đó lập ra nhóm “Thanh niên yêu nước” ở Lạng Sơn. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và hoạt động cách mạng ở nhiều nơi trong nước và ngoài nước.
Hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên nhiều địa bàn đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng. Đồng chí đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên; củng cố được nhiều cơ sở đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh, Hải Dương...
Ngày 8/9/1939, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thông báo việc Trung ương Đảng quyết định cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Trên cương vị này, đồng chí đã có những chỉ đạo quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng của các địa phương phát triển.
Cuối tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Ban Thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ quan trọng đi Tĩnh Tây (Trung Quốc) gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để báo cáo tình hình phong trào cách mạng trong nước và Hội nghị Trung ương lần thứ bảy. Gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhận chỉ thị của Người, đồng chí Hoàng Văn Thụ trở về liên lạc và làm việc với Tỉnh uỷ Cao Bằng để chuẩn bị đón Người về nước và địa điểm tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ tám.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng; được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Trung ương giao phụ trách công tác dân vận và Mặt trận. Với trọng trách Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí có nhiều chỉ đạo quan trọng về công tác củng cố, phát triển Đảng, về đẩy mạnh phát triển phong trào quần chúng cách mạng.
Đồng thời, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có công lớn trong việc đề xuất sáng lập báo “Giải phóng”, tham gia chỉ đạo hoạt động tuyên truyền của báo “Cờ giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản”. Những bài viết, bài dịch của đồng chí về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, về phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, giác ngộ tinh thần cách mạng vô sản cho đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng…
Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, địch đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình, song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ.
Ngày 21/12/1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Toà án đại hình” để kết tội đối với đồng chíHoàng Văn Thụ. Tại phiên toà, chúng còn đưa một số đồng chí tù chính trị của ta đang bị giam cầm tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội) tới dự, hòng làm suy giảm ý chí chiến đấu của các đồng chí. Nêu cao tinh thần tiến công cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dùng phiên tòa làm nơi luận tội kẻ thù, tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, kêu gọi các đồng chí của mình nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ, tiêu diệt đế quốc, giải phóng đất nước.
Rạng sáng ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trước mặt kẻ thù, đồng chí đã nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Trước họng súng của quân thù, đồng chíhô vang: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 - 4/11/2024), là dịp để ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng chí. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối; qua đó thể hiện ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Việt Cường